Các đại biểu tham gia Hội thảo góp ý Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc(Thanhuytphcm.vn) - Sáng 1/4, Đoàn Đại biểu Quốc hội TPHCM tổ chức Hội thảo góp ý Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc, sẽ trình xin ý kiến Quốc hội tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV. Đồng chí Nguyễn Trần Phượng Trân, Thành uỷ viên, Phó trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội TPHCM chủ trì hội thảo.
Tại hội thảo, các đại biểu thống nhất về sự cần thiết ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc nhằm thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cho việc Việt Nam tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc.
Ông Nguyễn Thái Sơn, Khoa Luật - Đại học An ninh Nhân dân cho rằng, trên thực tế, Việt Nam đã cử nhiều đoàn tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc, thực hiện nhiệm vụ tại Phái bộ gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc tại Nam Sudan, Cộng hòa Trung Phi. Việc ban hành Luật sẽ góp phần tạo cơ sở pháp lý vững chắc cho hoạt động gìn giữ hòa bình của phái đoàn Việt Nam, khẳng định vai trò, trách nhiệm, uy tín, vị thế của Việt Nam trong việc giữ vững môi trường hòa bình, ổn định của khu vực và thế giới.
Luật sư Trương Thị Hòa, Đoàn Luật sư TPHCM cũng cho rằng, ban hành Luật là rất cần thiết để qua đó khẳng định việc Việt Nam thực hiện nghĩa vụ thành viên của Liên hợp quốc, nhất là khi Việt Nam đã là Ủy viên không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc năm 2007 - 2008. Luật sư Trương Thị Hòa kiến nghị, Ban soạn thảo Dự thảo Luật cần quan tâm nghiên cứu đảm bảo tính thống nhất về thuật ngữ trong toàn bộ dự thảo, đặc biệt với cụm từ ngữ “tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc” và “hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc”, vốn được sử dụng ở nhiều điều, khoản trong Dự thảo Luật.
Các đại biểu cũng đã góp ý vào một số điều khoản cụ thể của Dự thảo Luật liên quan đến việc bổ sung mục đích giải quyết vấn đề “an ninh phi truyền thống như thiên tai, dịch bệnh” trong quy định về phạm vi tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình; làm rõ nội hàm “quản lý” trong quy định về quản lý vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ trong thời gian tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc; chế độ, chính sách hỗ trợ bảo hiểm y tế, các phúc lợi liên quan đối với thân nhân của người hy sinh hoặc bị thương khi làm nhiệm vụ tại lực lượng gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc…
Ông Huỳnh Phúc Vinh, Viện Nghiên cứu Phát triển TPHCM đề nghị mở rộng quy định về đối tượng tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc (dân sự) phù hợp với yêu cầu thực tế; bổ sung cơ chế đảm bảo an toàn cho lực lượng dân sự tham gia thông qua trang thiết bị, bảo hộ cá nhân, thông tin liên lạc... cũng như quy định cụ thể về nhiệm vụ, quyền hạn, cơ chế quản lý, đảm bảo an toàn, trang thiết bị, phương tiện cho lực lượng dân sự khi tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc. Cùng với đó, cần bổ sung cơ chế giám sát, đánh giá công tác thực thi nhiệm vụ, quyền hạn của lực lượng Việt Nam khi tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc, để nâng cao trách nhiệm và nghĩa vụ của đơn vị, cá nhân Việt Nam khi tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc.