Diễu hành tuyên truyền phòng, chống HIV/AIDS, xóa bỏ phân biệt đối xử, kỳ thị với người nhiễm HIV/AIDS. (Ảnh: tiengchuong.vn) (Stxdd.thanhuytphcm.vn) - Theo Cục Phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế), tính đến tháng 6/2021, sau 30 năm phát hiện ca nhiễm đầu tiên, cả nước có 215.760 người nhiễm HIV và 104.016 người đã tử vong. Trong 6 tháng đầu năm, cả nước xét nghiệm phát hiện mới 4.573 người nhiễm và có 609 trường hợp tử vong.
Hiện nay, toàn quốc có khoảng 1.300 cơ sở y tế cung cấp dịch vụ tư vấn và xét nghiệm HIV, có 201 phòng xét nghiệm HIV được phép khẳng định các trường hợp HIV dương tính và 1.250 phòng xét nghiệm sàng lọc HIV ở 100% đơn vị cấp huyện. Đến hết tháng 6/2021, cả nước tư vấn, xét nghiệm cho khoảng 1,5 triệu lượt người, trong đó, khoảng 10.000 trường hợp có kết quả dương tính với HIV.
Về công tác chăm sóc và điều trị kháng virus (ARV), hiện có 446 cơ sở điều trị HIV bằng ARV (270 cơ sở nguồn bảo hiểm y tế). Số bệnh nhân điều trị ARV là 155.654. Đồng thời, điều trị dự phòng phơi nhiễm HIV (PrEP) gần 19.000 người.
Tại Hội nghị triển khai Luật Phòng, chống nhiễm virus gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS) (sửa đổi năm 2020), hồi tháng 1/2021, ông Mark Troger, điều phối viên Chương trình Cứu trợ khẩn cấp của Tổng thống Hoa Kỳ về phòng, chống HIV/AIDS (PEPFAR) tại Việt Nam cho biết, Việt Nam tiếp tục là nước dẫn đầu toàn cầu trong việc cung cấp các dịch vụ điều trị HIV có chất lượng thông qua các mô hình hiệu quả, lấy khách hàng làm trung tâm và hợp tác chặt chẽ với cộng đồng người nhiễm HIV hoặc bị ảnh hưởng bởi HIV. Hiện nước ta có 95% người HIV dùng thuốc ARV có tải lượng virus dưới ngưỡng ức chế; đây là một trong những tỷ lệ ức chế virus cao nhất trên thế giới.
Theo Bộ Y tế, dịch HIV có xu hướng giảm, nhưng mỗi năm bình quân nước ta có thêm 11.000 ca nhiễm (riêng năm 2020 là 13.000) và 2.800 người tử vong... Trong số người nhiễm mới, có 84,3% nam giới, độ tuổi 16 - 29 (46,9%) và 30 - 39 (39,7%). Đường lây chủ yếu là quan hệ tình dục không an toàn (81,8%) và qua đường máu (9,6%)... Đáng chú ý là, số người nhiễm HIV phát hiện hằng năm có xu hướng tăng ở một số địa phương, lây nhiễm HIV qua con đường tình dục chiếm đa số, tình trạng lây nhiễm trong nhóm thanh thiếu niên gia tăng. Bên cạnh đó, tỷ lệ nhiễm HIV trong nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới tăng rất nhanh, các hành vi nguy cơ lây nhiễm diễn biến phức tạp, đặc biệt liên quan đến ma túy tổng hợp…
Hồi tháng 7/2021, Ban Bí thư đã ban hành Chỉ thị số 07-CT/TW về tăng cường công tác phòng, chống HIV/ADIS, tiến tới chấm dứt dịch bệnh AIDS tại Việt Nam trước năm 2030. Chỉ thị nêu rõ: “Một số cấp ủy, chính quyền chưa quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng, chống HIV/AIDS; phối hợp thực hiện thiếu đồng bộ, thường xuyên; đầu tư cho công tác phòng, chống HIV/AIDS có xu hướng giảm, xã hội hóa còn hạn chế; cán bộ làm công tác phòng, chống HIV/AIDS, đặc biệt tại tuyến cơ sở thiếu về số lượng, yếu về chuyên môn; công tác thông tin, tuyên truyền, giáo dục, vận động tại một số địa phương chưa thường xuyên, liên tục, hiệu quả chưa cao; độ bao phủ của một số dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS hạn chế; vẫn còn diễn ra sự kỳ thị và phân biệt đối xử của xã hội đối với người nhiễm HIV và gia đình họ”.
Tư vấn cho bệnh nhân HIV tại một phòng khám ngoại trú. (Ảnh: phunuonline.com.vn) Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khẳng định, HIV tiếp tục là vấn đề sức khỏe cộng đồng toàn cầu lớn, đến nay đã cướp đi sinh mạng của 34,7 triệu người, trong đó phần đông ở các nước đang phát triển.
Trong các năm 2020 - 2021, tình hình dịch Covid-19 đã tác động xấu đến công tác phòng chống, điều trị HIV/AIDS do việc tuyên truyền, tiếp cận hoạt động xét nghiệm, điều trị… có lúc có nơi bị gián đoạn. Nhằm thực hiện phòng chống HIV/AIDS trong bối cảnh dịch, Chính phủ, Bộ Y tế và các địa phương đã triển khai nhiều giải pháp như: hướng dẫn tiếp cận với khách hàng qua các ứng dụng online; hướng dẫn tự xét nghiệm HIV; hướng dẫn phòng, chống dịch tại các cơ sở cung cấp dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS; đáp ứng khẩn cấp trong lĩnh vực điều trị thay thế nghiện các chất dạng thuốc phiện bao gồm cả cấp thuốc cho người bệnh mang về và điều trị ARV (cấp thuốc nhiều tháng cho người bệnh)…
Tại TPHCM, mỗi năm phát hiện thêm khoảng 5.500 người nhiễm HIV, trong đó gần 60% người nhiễm do quan hệ tình dục đồng giới nam (MSM). Trong khi đó, 10 năm trước, tỷ lệ MSM nhiễm HIV chỉ 1,7% số ca nhiễm, ít hơn nhiều so với nhóm người tiêm chích ma túy, mại dâm nữ. Tổng số người nhiễm HIV/AIDS của TPHCM chiếm khoảng 25% tổng số người nhiễm cả nước.
Năm 2021, “Tháng Hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS” diễn ra từ ngày 10/11 đến 10/12/2021 với chủ đề “Tăng cường phòng, chống HIV/AIDS trong bối cảnh đại dịch Covid-19”, có mục tiêu tăng cường sự quan tâm của toàn xã hội đến công tác phòng, chống HIV/AIDS, tiến tới mục tiêu chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030. Bên cạnh đó là các vấn đề như đẩy mạnh hoạt động phòng, chống HIV/AIDS, đảm bảo mọi người được tiếp cận các dịch vụ thiết yếu trong dự phòng, chăm sóc và điều trị một cách liên tục, giảm kỳ thị và phân biệt đối xử với người nhiễm HIV và ảnh hưởng bởi HIV/AIDS, tăng cường sự hỗ trợ của gia đình, xã hội với người nhiễm và trách nhiệm của người nhiễm với gia đình, xã hội, tăng cường sự tham gia của cộng đồng trong các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS, các hoạt động dự phòng lây nhiễm, xét nghiệm phát hiện và điều trị, đảm bảo việc tham gia bảo hiểm y tế của người nhiễm HIV cũng như cung cấp các dịch vụ toàn diện về phòng, chống HIV/AIDS cho người dân...
Công tác phòng chống HIV/AIDS ở Việt Nam nói chung và TPHCM nói riêng đã có những thành tựu quan trọng và được quốc tế đánh giá cao. Tuy nhiên, để đạt mục tiêu chấm dứt dịch bệnh AIDS tại Việt Nam trước năm 2030, ngành y tế và cả hệ thống chính trị phải thực sự nỗ lực và có nhiều giải pháp đồng bộ, khoa học. Đồng thời, phải phát huy vai trò chủ động, tích cực của mọi người dân.