Thứ Bảy, ngày 27 tháng 7 năm 2024

Ở đâu người đứng đầu dám làm, ở đó tình hình có chuyển biến tích cực

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà

(Thanhuytphcm.vn) - Chiều 31/5, Quốc hội tiếp tục tiến hành thảo luận ở hội trường về tình hình kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước. Sau khi các ĐBQH thảo luận, cuối giờ chiều, 3 Bộ trưởng các bộ: Y tế, Nội vụ, Xây dựng đã giải trình ý kiến các ĐBQH quan tâm.

Đáng chú ý, ĐB Vũ Thị Lưu Mai (Hà Nội), Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội có phát biểu về vấn đề tiền lương. ĐB cho rằng, tháng 10 tới đây, theo dự kiến, Chính phủ sẽ trình Quốc hội phương án cải cách tổng thể tiền lương, đây là chính sách quan trọng để phát triển kinh tế.

ĐB Vũ Thị Lưu Mai (Hà Nội) ĐB Vũ Thị Lưu Mai (Hà Nội)

ĐB Vũ Thị Lưu Mai cho rằng, mức lương cán bộ công chức tại thời điểm hiện nay là khá thấp. Đặc biệt, chúng ta đã 3 năm lỡ hẹn, liên tục lùi thời điểm cải cách tiền lương để tập trung nguồn lực cho đầu tư phát triển, cho chương trình phục hồi, phát triển kinh tế sau đại dịch Covid-19. Sau hơn 2 năm thực hiện, dù Chính phủ, các bộ ngành quyết liệt đôn đốc, nhưng vẫn còn rất nhiều vốn chưa thể phân bổ. Cụ thể, còn tới hơn 14.000 tỷ đồng tiền của chương trình phục hồi kinh tế chưa được giải ngân. Trong khi đó, số vốn đầu tư công trung hạn chưa phân bổ còn tới 279.000 tỷ đồng và phần lớn trong số này vẫn đang được tiếp tục xem xét phân bổ. Việc chậm trễ như trên là hạn chế rất lớn, làm chậm quá trình đưa nguồn lực của đất nước vào sử dụng, đây cũng là một dạng lãng phí. ĐB Lưu Mai bức xúc cho rằng, trong khi chúng ta yêu cầu thắt lưng buộc bụng, dừng tăng lương để dành nguồn lực cho đầu tư thì tiền vốn lại bị tồn đọng, không được phát huy hiệu quả.

Quốc hội chiều 31/5 Quốc hội chiều 31/5

Giải trình sau đó, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà bày tỏ tâm đắc với ý kiến này và cho biết, Bộ Nội vụ sẽ sớm tham mưu về lộ trình cải cách chính sách tiền lương.

Cũng trong chiều 31/5, trong phiên thảo luận về kinh tế-xã hội của Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà đã giải trình về vấn đề nóng mà ĐBQH tranh luận, đó là căn bệnh sợ sai, không dám làm.

Bộ trưởng thừa nhận, hiện trạng này không chỉ diễn ra đơn lẻ mà diễn ra ở nhiều địa phương, cả một số bộ, ngành Trung ương, trong một bộ phận công chức, trong các hoạt động kinh tế - xã hội. Thể hiện rõ nhất trên lĩnh vực đầu tư công, quản lý đất đai, bất động sản, mua sắm trang thiết bị khu vực công, thủ tục hành chính đầu tư cho phát triển doanh nghiệp, cung ứng các dịch vụ trực tiếp liên quan đến người dân và doanh nghiệp...

Chỉ ra 4 nguyên nhân cơ bản của tình trạng này, Bộ trưởng cho biết trong số đó có lý do kỷ cương, kỷ luật công vụ đang được siết chặt, phòng chống tham nhũng quyết liệt, hàng loạt cán bộ bị truy tố do sai phạm cũng làm dẫn đến tâm lý sợ sai, sợ trách nhiệm. Bộ trưởng nêu rõ, thực tế đã chứng minh, cùng cơ chế, thể chế nhưng nhiều nơi vẫn làm tốt, ví dụ trong giải ngân đầu tư công. Do đó không thể đổ lổi hết cho cơ chế, thể chế. Cần nhận thức rõ điều đó để nâng cao trách nhiệm, nâng cao khả năng thi hành công vụ.

Đề cập đến giải pháp để giải quyết căn bệnh sợ sai, sợ trách nhiệm, Bộ trưởng cho rằng, trước hết phải nâng cao nhận thức, chấn chỉnh kỷ cương, đạo đức công vụ, thực hiện nghiêm chỉ đạo về tăng cường kỷ luật, kỷ cương công vụ. Vấn đề này vừa qua Quốc hội, Chính phủ đã chỉ đạo rất mạnh mẽ.

Cùng với đó, xóa bỏ tư tưởng, nhận thức của một bộ phận cán bộ, công chức về không dám làm, sợ sai, đó cũng là một biểu hiện suy thoái khi không làm tốt đúng chức trách của mình; đề cao tự trọng của cán bộ, công chức. Thực hiện tốt phân cấp, phân quyền để rõ trách nhiệm.

Bộ Nội vụ cũng sẽ khẩn trương tham mưu để ban hành các quy định về bảo vệ người dám nghĩ dám làm, bảo vệ cán bộ. Vấn đề này hiện còn một số vướng mắc, Bộ đang báo cáo Ban cán sự Chính phủ, có thể trình Quốc hội có Nghị quyết về nội dung này. Thực hiện nghiêm việc điều chuyển, thay thế cán bộ không dám làm; thay đổi công tác quản lý, đánh giá cán bộ; sớm tham mưu về lộ trình cải cách chính sách tiền lương. Đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu, bởi thực tế đã chứng minh, ở đâu người đứng đầu dám làm thì ở đó tình hình có chuyển biến tích cực.

Bộ trưởng cũng nhấn mạnh, cần xử lý nghiêm các sai phạm của các trường hợp sai phạm. Đồng thời cũng kiến nghị Bộ Công an phân loại các sai phạm để điều tra đúng người đúng tội, thấu tình, đạt lý, bảo đảm tính nhân văn, có tính đến bối cảnh đặc biệt là phòng chống dịch nhằm khắc phục tâm lý sợ sai của cán bộ, công chức hiện nay.

Cũng trong chiều 31/5, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan giải trình, làm rõ một số vấn đề ĐBQH nêu liên quan đến lĩnh vực y tế. Theo Bộ trưởng, sau đại dịch, lĩnh vực y tế đã bộc lộ những khó khăn, tồn tại cần được tháo gỡ, giải quyết và ngành y đang quyết tâm giải quyết.

Về việc triển khai chương trình tiêm chủng mở rộng năm 2023, trong nhiều năm qua, Bộ Y tế đã triển khai chương trình tiêm chủng mở rộng với 10 bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho trẻ em và phụ nữ trên cả nước. Giai đoạn 2016-2020, Bộ Y tế được bố trí kinh phí để thực hiện mua sắm tập trung vaccine cho chương trình tiêm chủng mở rộng, thuốc kháng lao, thuốc kháng HIV…

Giai đoạn 2021-2022, Bộ Y tế được giao nguồn dự toán từ ngân sách trung ương, thực hiện mua sắm để cung ứng vaccine cho chương trình tiêm chủng mở rộng, đảm bảo cho 2 năm 2021, 2022. Năm 2022, dịch Covid-19 đã ảnh hưởng đến việc triển khai một số nội dung của chương trình ở nhiều địa phương. Hiện Bộ Y tế đã chỉ đạo các tỉnh thành triển khai tiêm thường xuyên trong các tháng cuối năm, và rà soát các đối tượng tiêm vét, tiêm bổ sung, tiêm bù cho đối tượng trẻ em và phụ nữ trên toàn quốc.

Trung Kiên


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo