Thứ Bảy, ngày 23 tháng 11 năm 2024

Bế mạc Hội nghị cán bộ toàn quốc

Phải quy định chặt chẽ cơ chế giám sát trong công tác cán bộ

(Website TU) - Ngày 21/8, Hội nghị cán bộ toàn quốc quán triệt, triển khai kết luận của Bộ Chính trị về đổi mới công tác cán bộ tiếp tục diễn ra với phần thảo luận của các đại biểu về 7 nội dung quan trọng của công tác cán bộ. Đồng chí Lê Hồng Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng; đồng chí Lê Thanh Hải, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM tham dự hội nghị.

Các đại biểu đã tập trung thảo luận những việc cần phải làm ngay về công tác tổ chức xây dựng Đảng, theo tinh thần kết luận số 24 của Bộ Chính trị và Nghị quyết Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI). Các ý kiến phát biểu tập trung vào 7 nội dung hết sức quan trọng của công tác cán bộ, nhất là các vấn đề về thẩm quyền và trách nhiệm của người đứng đầu; về tiêu chuẩn, tiêu chí đánh giá cán bộ; việc lấy phiếu tín nhiệm đối với cán bộ lãnh đạo, quản lý; về công tác quy hoạch, luân chuyển cán bộ; về yêu cầu thực hiện đồng bộ, tính thống nhất trong các dự thảo quy chế, quy định.

Nội dung về trách nhiệm của người đứng đầu trong đánh giá cán bộ và trong các khâu khác của công tác cán bộ chiếm phần lớn ý kiến đóng góp của các đại biểu. Hầu hết các ý kiến cho rằng đây là vấn đề có tính cấp thiết, mấu chốt đối với việc đổi mới công tác cán bộ; đồng thời cũng là giải pháp quan trọng đối với việc đánh giá cán bộ - khâu yếu nhất hiện nay.

Ghi nhận dự thảo có nét mới trong việc đưa ra phương án lãnh đạo có thể bổ nhiệm, đề bạt những cán bộ do mình trực tiếp quyết định. Tuy nhiên, theo Trưởng Ban Tổ chức Thành ủy Đà Nẵng Bùi Văn Tiếng: giao quyền cần đi đôi với chế tài; và ngỏ ý không đồng tình với dự thảo khi yêu cầu người đứng đầu phải chịu trách nhiệm tất cả các vấn đề về cán bộ được đề bạt, kể cả khi nhân sự đó thuộc cấp trên quyết định hoặc thuộc tập thể thường vụ đã nhất trí thông qua. “Trong trường hợp đó, đồng chí Bí thư hoặc Chủ tịch không thể chịu trách nhiệm cá nhân một mình mà phải là trách nhiệm của tập thể. Dĩ nhiên, người đứng đầu phải chịu trách nhiệm cao hơn”- đồng chí Bùi Văn Tiếng đề nghị.

Trưởng Ban Tổ chức Thành ủy Đà Nẵng cũng thẳng thắn cho rằng: Dự thảo “hợp thức hóa thực tế” lâu nay là về thẩm quyền quyết định của đồng chí Bí thư trong công tác cán bộ ở 1 địa phương nhưng dù thế nào cũng phải đảm bảo nguyên tắc quan trọng nhất là “vì việc xếp người” chứ không phải “vì người xếp việc”! Nếu “vì việc xếp người” thì ai đề xuất, tiến cử cũng được nhưng nếu “vì người xếp việc” thì rất khó để giữ được sự khách quan trong đề xuất.

Theo Bộ trưởng Bộ Khoa học công nghệ Nguyễn Quân, nếu giao thẩm quyền cho người đứng đầu mà tuyệt đối hóa thì mất dân chủ, mất vai trò của cấp ủy nhưng vẫn làm như cách cũ thì lại rất khó cho người đứng đầu. Bộ trưởng đề nghị: Chỉ nên giao thẩm quyền ở các lĩnh vực, cấp khác nhau thì mức giao khác nhau. Nếu đồng nhất người đứng đầu được quyền bổ nhiệm cho cấp phó hoặc cấp trưởng của các đơn vị trực thuộc từ Trung ương đến địa phương thì rõ ràng không hợp lý.

Kết luận hội nghị, đồng chí Tô Huy Rứa, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tổ chức Trung ương đã hoan nghênh và đánh giá cao các ý kiến đóng góp của các đại biểu với tinh thần đổi mới, trách nhiệm, quyết tâm cao, với kinh nghiệm thực tiễn phong phú và tinh thần khẩn trương, quyết liệt, giải quyết các vấn đề cấp bách mà Nghị quyết Trung ương 4 đề ra, góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý trong hệ thống chính trị đủ về số lượng, đồng bộ về cơ cấu, có phẩm chất, năng lực, đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ của thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế. Đồng chí nhấn mạnh, xây dựng Đảng là vấn đề rất rộng lớn, phong phú và phức tạp, gồm xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng, tổ chức, cán bộ và phương thức lãnh đạo. Trong các mặt công tác đó, xây dựng đội ngũ cán bộ đóng vai trò then chốt.

Đồng chí Tô Huy Rứa nêu lên một số vấn đề cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện ngay là: Trong công tác cán bộ, các cấp ủy, tổ chức Đảng cần lãnh đạo xây dựng tiêu chuẩn chức danh và tiêu chí đánh giá đối với từng chức danh cán bộ thuộc cấp mình quản lý; bổ sung cơ chế để cán bộ dự kiến đề bạt, bổ nhiệm trình bày đề án, chương trình công tác, thể hiện năng lực, trình độ của mình; phối hợp xây dựng đề án về thi, sát hạch hàng năm đối với một số chức danh cán bộ…

Đối với công tác quy hoạch cán bộ, đồng chí Tô Huy Rứa lưu ý, cần thực hiện nghiêm cơ cấu 3 độ tuổi; khi xem xét, phê duyệt quy hoạch thì đồng thời xem xét, bổ sung nhân sự từ nơi khác vào quy hoạch của cấp dưới, cùng với việc xét duyệt dự kiến kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, luân chuyển để rèn luyện cán bộ theo quy hoạch; phải nghiêm túc thực hiện chủ trương bổ sung cán bộ nữ, cán bộ trẻ, đủ tuổi tham gia cấp ủy từ hai nhiệm kỳ trở lên.

Không thể để tồn tại mãi tình trạng đề bạt, bổ nhiệm người yếu kém mà không có ai chịu trách nhiệm, và cũng không thể xác định trách nhiệm cho người không được giao cụ thể thẩm quyền gì. Có điều, phải quy định như thế nào đối với từng cấp, từng đối tượng người đứng đầu để thực hiện nguyên tắc này không cứng nhắc, vừa rõ thẩm quyền, trách nhiệm của người đứng đầu, vừa không trái ngược với nguyên tắc tập trung dân chủ. Phải cụ thể hóa nguyên tắc này một cách sinh động nhất, sát với thực tế nhất, bảo đảm những quan điểm, nguyên tắc chung về Đảng thống nhất lãnh đạo công tác cán bộ và quản lý đội ngũ cán bộ. Mặt khác, phải quy định chặt chẽ cơ chế giám sát để tránh lạm dụng quyền lực cá nhân, làm suy giảm vai trò lãnh đạo của tập thể.

Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tổ chức Trung ương Tô Huy Rứa

Th.L

Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo