Đoàn đại biểu Quốc hội TPHCM thảo luận tại tổ(Thanhuytphcm.vn) - Tiếp tục chương trình kỳ họp bất thường lần thứ 9, chiều 14/2, Quốc hội thảo luận tại tổ về đề án bổ sung về phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 với mục tiêu tăng trưởng đạt 8% trở lên; chủ trương đầu tư dự án đầu tư xây dựng tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng; dự thảo Nghị quyết của Quốc hội thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt để phát triển hệ thống mạng lưới đường sắt đô thị tại Thành phố Hà Nội, TPHCM và các cơ chế, chính sách đặc thù đầu tư xây dựng dự án điện hạt nhân Ninh Thuận.
Các đại biểu (ĐB) hoàn toàn nhất trí với Đề án bổ sung về phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 với mục tiêu tăng trưởng đạt 8% trở lên. Việc Chính phủ trình Quốc hội điều chỉnh tăng mục tiêu tăng trưởng kinh tế sẽ góp phần củng cố, tạo nền tảng vững chắc để đạt được tăng trưởng hai con số, đưa đất nước ta bước vào kỷ nguyên phát triển thịnh vượng.
Phát biểu tại phiên thảo luận, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nêu rõ, đây là đề án có ý nghĩa đặc biệt quan trọng vì năm 2025 chúng ta đạt mục tiêu tăng trưởng 8% trở lên thì giai đoạn 2026 - 2030 mới có thể đạt tăng trưởng 2 con số, tạo nền tảng cho trở thành nước thu nhập trung bình cao vào năm 2035. Việc phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng 8% trở lên trong năm 2025 là chủ trương lớn của Đảng, đòi hỏi Quốc hội phải bàn các giải pháp để từ đó Chính phủ có cơ sở điều hành, các địa phương phải nỗ lực, quyết tâm lớn thì mới đạt được tăng trưởng 8% trở lên.
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu tại phiên thảo luận tổ“Muốn đạt được mục tiêu này, vấn đề then chốt là phải có cơ chế thúc đẩy kinh tế tư nhân. Bởi lẽ trong tổng mức đầu tư toàn xã hội thì đầu tư tư nhân chiếm 55%. Đây là yếu tố quyết định cho mục tiêu tăng trưởng 8% trở lên chứ không phải là đầu tư công. Vừa qua, hầu hết các địa phương dựa vào nguồn ngân sách trung ương, nguồn ngân sách địa phương để đầu tư nên chưa có sự tăng trưởng mạnh. Khi đầu tư tư nhân phát triển thì sẽ đẩy nền kinh tế phát triển” - Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho hay. Cùng với đó, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh đến tầm quan trọng của thể chế. Nếu Chính phủ ban hành các nghị định, thông tư để triển khai sớm các quyết sách của Quốc hội thì đây cũng là một tiền đề để huy động tối đa nguồn lực phát triển đất nước, bảo đảm mục tiêu tăng trưởng 8% trở lên.
Các ĐB Lê Minh Nam (Hậu Giang), Nguyễn Văn Quân (Hậu Giang), Nguyễn Như So (Bắc Ninh), Nguyễn Anh Tuấn (Bắc Ninh)… cũng cho rằng, để đạt được mục tiêu tăng trưởng 8% trở lên, phải thực hiện các cải cách đột phá về thể chế, tạo môi trường kinh doanh thông thoáng, linh hoạt, đặc biệt là tháo gỡ các rào cản, thủ tục hành chính đối với doanh nghiệp tư nhân - lực lượng then chốt để thúc đẩy tăng trưởng, trong đó, cần cải cách quy trình xin ý kiến các cơ quan, bộ ngành vì hiện quy trình này rất phức tạp, kéo dài, ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện các công việc.
Các ĐB cũng đề nghị tập trung đầu tư mạnh mẽ hơn cho hoạt động khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam; tập trung phát triển các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo và dịch vụ ngoại thương, vận tải, du lịch; tranh thủ lợi thế cạnh tranh trong bối cảnh căng thẳng thương mại quốc tế; khai thác tối đa mọi nguồn lực, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí…
Đại biểu Nguyễn Thiện Nhân (TPHCM)Tại tổ TPHCM, ĐB Nguyễn Thiện Nhân khẳng định, mục tiêu đạt tăng trưởng cao là quyết tâm của cả hệ thống chính trị. Phân tích những tiềm năng tăng trưởng, ĐB bày tỏ tâm đắc với chủ trương tập trung đầu tư cho khoa học công nghệ, nâng cao kỹ năng lao động, coi đây là giải pháp hiệu quả để khai thác tiềm lực nội sinh. Cùng với đó, ĐB Nguyễn Thiện Nhân cho rằng mỗi địa phương đều phải rà soát chỉ tiêu tăng trưởng và nỗ lực tối đa.
Phát biểu tại thảo luận tổ, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, tăng trưởng GDP 8% sẽ kéo theo tăng trưởng của nhiều chỉ số, từ quy mô GDP, thu nhập bình quân đầu người đến năng suất lao động. "Đây là một thách thức rất lớn. Nhưng nếu không đặt mục tiêu như thế thì khó hoàn thành mục tiêu trăm năm. Cả nước phải tăng trưởng, các địa phương phải tăng trưởng, các ngành phải tăng trưởng, các lĩnh vực phải tăng trưởng. Tất cả đều phải hành động, phải thực hiện theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình, tập trung cho mục tiêu tăng trưởng" - Thủ tướng nói.
Chỉ ra các giải pháp, Thủ tướng nhấn mạnh, “phải đoàn kết nhất trí, chỉ bàn làm, không bàn lùi, đã quyết tâm thì phải làm. Mong các đại biểu Quốc hội ủng hộ, tất cả vì sự phát triển, tương lai của đất nước. Đất nước muốn tăng trưởng được 2 con số, thực hiện được mục tiêu trăm năm thì phải nỗ lực", Thủ tướng nói.
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại phiên thảo luận tổMột trong những giải pháp mà Thủ tướng đề cập là phải cải cách bộ máy, giảm thủ tục hành chính, bỏ cơ chế xin cho. Chỉ cần bỏ một cấp đi là giảm được thủ tục hành chính, áp dụng số hóa thì đơn giản hóa được các thủ tục còn lại. Ví dụ, khi bỏ công an cấp huyện thì một số sẽ được điều lên tỉnh, đa số còn lại thì xuống cơ sở. "Nói vì dân, vì hạnh phúc của nhân dân thì dân ở đâu? Dân ở cơ sở, xã, phường, phải tăng cường cơ sở để lo cho dân. Việc cải cách bộ máy lần này, kể cả bộ máy Đảng là để phục vụ cho phát triển. Dân phải hạnh phúc, ấm no, đất nước phải hùng cường, giàu mạnh. Làm gì thì làm phải nhắm tới mục tiêu đó. Từ giờ tới cuối năm phải làm rất nhiều việc" - Thủ tướng Phạm Minh Chính chia sẻ.
Về chủ trương đầu tư dự án đầu tư xây dựng tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng; dự thảo Nghị quyết của Quốc hội thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt để phát triển hệ thống mạng lưới đường sắt đô thị tại thành phố Hà Nội, TPHCM và các cơ chế chính sách đặc thù đầu tư xây dựng dự án điện hạt nhân Ninh Thuận, cơ bản các ĐB đều tán thành bởi các lý do đã nêu trong tờ trình và báo cáo thẩm tra…