Thứ Bảy, ngày 23 tháng 11 năm 2024

Lời Bác dạy thiêng liêng vô cùng - ứng nghiệm cho hôm nay và mãi mãi mai sau (*) (BÁO CÁO ĐỀ DẪN TỌA ĐÀM KHOA HỌC “DI CHÚC CỦA CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH – NGUỒN SÁNG DẪN ĐƯỜNG” CỦA ĐỒNG CHÍ THÂN THỊ THƯ, ỦY VIÊN BAN THƯỜNG VỤ, TRƯỞNG BAN TUYÊN GIÁO THÀNH ỦY THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH)

Với lòng tự hào và biết ơn vô hạn, chúng ta hãy cùng nhau lắng đọng lại trong mỗi trái tim mình để cùng ôn lại 45 năm ngày Bác Hồ kính yêu đã vĩnh viễn ra đi vào cõi vĩnh hằng! Và cũng là 45 năm thực hiện Di chúc của Người. Trong suốt 45 năm qua, trong lòng mỗi người chúng ta không nguôi niềm tiếc thương và biết ơn sâu sắc đối với vị lãnh tụ thiên tài của Đảng, của dân tộc. Tuy Bác đã đi xa nhưng ta luôn thấy Bác soi đường chỉ lối, luôn như thấy Bác cùng có mặt với con cháu trong mọi nỗi vui buồn lo toan của đất nước. 45 năm trôi qua, những lời căn dặn của Bác, những lời dạy của Bác, những điều mong muốn của Bác luôn hiện diện và là kim chỉ nam trên mỗi chặng đường đi lên của đất nước chúng ta.

Nhớ lại ngày Bác ra đi! Đó là một buổi sáng tháng 9 mưa tầm tã ở cả hai miền Nam- Bắc. Lòng người quặn đau khi vừa mất một người ông, người cha kính yêu nhất- một tổn thất vô cùng to lớn- không chỉ của dân tộc Việt Nam mà còn của cả bạn bè năm châu bốn bể. Hàng chục vạn đồng bào có mặt trên quảng trường Ba Đình lịch sử, và cùng hàng chục triệu người Việt Nam từ mọi phương trời, miền Bắc, miền Nam, trong và ngoài nước, đồng chí đồng đội, đồng bào của chúng ta ở khắp các chiến trường, ở các bưng biền, ở các chiến hào, ở các vùng căn cứ, ở trong các vùng địch chiếm đóng, ở trong sào huyệt kẻ thù, ở trong các nhà tù Mỹ ngụy, ở các hải đảo xa xôi nước mắt trào dâng, lặng người thành kính đón nhận từng dòng, từng chữ, từng lời trong Di chúc Người để lại và nghẹn ngào đón nghe từng lời điếu văn với năm lời thề sắt son mà đồng chí Tổng Bí thư Lê Duẩn đã đọc tại lễ truy điệu Người!

Những ngày ấy trên khắp các mặt trận, trên khắp các chiến trường, trên khắp các thôn cùng xóm vắng, đâu đâu cũng tổ chức đưa tiễn Bác trong đau buốt con tim. Nhất là đồng bào chiến sĩ miền Nam phần đông chưa một lần được gặp Bác- Vậy mà hình ảnh cha già vẫn thắm đẫm trong tim- chưa một lần được nhìn thấy Bác qua ảnh mà vẫn mang trong mình tình cảm của một người dẫn lối soi đường và luôn làm theo lời dạy của Người. Tất cả - tất cả vẫn đau đáu trong lòng, quyết đánh thắng giặc để đón Bác vào thăm, để được một lần ôm Bác. Thật vậy! Trong đoàn dũng sĩ miền Nam ra thăm Bác có đồng chí bị giặc cưa mất một chân phải đi nạng, chị là Hồ Thị Kiểng. Khi được gặp Bác, chị đã khóc và buông nạng- quên mình chỉ có một chân- chị ôm Bác khóc và nói khi bị kẻ thù cưa chân, chị không khóc mà chỉ sợ bị mù mắt- sợ không còn được gặp, không còn được nhìn thấy Bác. Anh hùng liệt sĩ Nguyễn Văn Trỗi- chưa một lần được gặp Bác, anh chiến đấu trong lòng địch- Vậy mà trước khi bị giặc bắn anh đã gọi Bác ba lần. Chị Võ Thị Sáu- người con gái Đất Đỏ anh hùng đã ung dung đi vào cái chết và đã hô to tên Bác, “Việt Nam độc lập muôn năm”! Đúng là sức mạnh kỳ diệu! Và còn biết bao đồng chí của chúng ta đã dũng cảm, đã kiên trung chiến đấu và đã đi vào lòng đất vẫn mang theo hình ảnh Bác kính yêu.

Để tưởng nhớ Bác, Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam ra lệnh ngừng bắn 3 ngày trong thượng tuần tháng 9 năm 1969 để thọ tang Bác và học tập Di chúc của Người.

Thọ tang Bác trong khói lửa chiến trường. Thọ tang Bác trong sự kìm kẹp của kẻ thù.

Thọ tang Bác trong nỗi đau xé thịt. Thọ tang Bác với quyết tâm thực hiện cho được các lời thề!

Tất cả đều một lòng biến đau thương thành hành động, ghi sâu lời dạy của Người, đạp bằng muôn trùng gian nguy, chiến đấu và chiến thắng. Đó là lời thề: Chúng ta nguyện "giương cao ngọn cờ độc lập, quyết chiến, quyết thắng giặc Mỹ xâm lược, giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, để thỏa lòng mong ước của Người!". Và lời thề ấy chúng ta đã thực hiện trọn vẹn vào mùa Xuân năm 1975 lịch sử- đã thỏa mãn hoài bão lớn nhất của Bác là đất nước được giải phóng, nhân dân được tự do hạnh phúc. Nghĩ đến điều này chúng ta lại thấy tiếc nuối vô cùng, Bác đã không sống thêm mấy năm nữa để chứng kiến sự nghiệp to lớn do Người tổ chức, lãnh đạo và suốt đời dâng hiến. Phải chi chúng ta đánh giặc giỏi hơn để được đón Bác vào Nam, "Bác ơi con biết con chưa giỏi, quét sạch đường đi để Bác vô". Bác không còn để trở về với miền Nam nơi mà Bác vẫn đau đáu trong lòng "Bác đã đi đến nơi mà chưa về đến chốn". Bác không còn để đồng bào miền Nam trao huân chương cao quý nhất cho Bác, như Bác đã từng hứa hẹn- Mà Bác ra đi không một tấm huân chương- không một vòng hoa chiến thắng. Và trên hết là Bác không kịp về với miền Nam để một lần được thắp lên mộ người cha kính yêu của mình một nén nhang tưởng nhớ, có thể đó cũng là điều Bác canh cánh bên lòng- nhưng vì nghĩa lớn mà Bác phải hy sinh.

Những bài viết cuối cùng của Bác – chúng ta đã gọi là "Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh", đó là để đặt cho đúng tên và tỏ lòng thành kính. Còn Bác, với vốn ngoại ngữ, văn hóa kim cổ Đông Tây uyên bác, Người không dùng từ "Di chúc" mà chỉ dung dị viết là "để sẵn mấy lời". Bác đã chuẩn bị cho việc ra đi của mình thật là ung dung và thanh thản "để sẵn mấy lời" cho đồng bào cả nước, đồng chí trong Đảng và bè bạn khắp nơi khỏi thấy đột ngột.

Mấy lời để lại của Bác chứa đựng nội dung phong phú và sâu sắc, chuyện nước nhà, chuyện thế giới, dặn dò lãnh đạo, nói với nhân dân, từ già đến trẻ, về hiện tại và tương lai, về việc chung và việc riêng... hầu như ai cũng được Bác nhớ đến và dặn dò với muôn vàn tình thương yêu. Mấy lời để lại của Bác là tâm nguyện, là tình cảm, ý chí, trách nhiệm đối với Tổ quốc, đối với nhân dân và sự nghiệp cách mạng. Bác bảo: “Suốt đời tôi hết lòng phục vụ Tổ quốc, phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân. Nay dù phải từ biệt thế giới này, tôi không có điều gì phải ân hận, chỉ tiếc là tiếc rằng không được phục vụ lâu hơn nữa, nhiều hơn nữa". Mấy lời Bác để lại là tâm sự của một người đã hy sinh hạnh phúc riêng tư, hiến dâng trọn đời cho Tổ quốc và nhân dân, là tấm lòng chung thủy với các nước anh em và bầu bạn khắp năm châu. Trước khi từ biệt cõi đời, dù cả nước đang trong cuộc chiến tranh khốc liệt, Bác Hồ vẫn đặt niềm tin vững chắc vào tương lai tươi sáng của dân tộc, Bác vẫn ấp ủ những ước mơ dự định và quyết tâm đưa đất nước ta tiến lên: "Sánh vai cùng năm châu bốn biển". Bác viết: "điều mong muốn cuối cùng của tôi là: toàn Đảng, toàn dân ta phấn đấu đoàn kết, xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh”.

Nhìn lại gần 40 năm qua, từ ngày nước nhà thống nhất, non sông thu về một mối- Đã ngần ấy thời gian xây dựng và phát triển đất nước- Với nguồn sáng dẫn đường của Di chúc, chúng ta từng bước thực hiện những điều mong muốn nói trên của Bác. Đảng đã lãnh đạo nhân dân ta tiến hành sự nghiệp cách mạng tiếp tục đưa cả nước đi theo con đường mà Đảng, Bác Hồ và nhân dân ta đã lựa chọn. Mặc dù chúng ta phải xây dựng cuộc sống mới từ nền kinh tế lạc hậu bị tàn phá sau chiến tranh; tình hình quốc tế biến động phức tạp, chúng ta phải làm nghĩa vụ quốc tế giúp nước bạn Campuchia, bảo vệ biên giới Tây Nam của Tổ quốc; chúng ta phải đương đầu với biên giới phía Bắc; đất nước bị bao vây, cấm vận; Liên Xô và các nước phe xã hội chủ nghĩa bị sụp đổ… nhưng dưới sự lãnh đạo tài tình, bản lĩnh của Đảng, chúng ta đã vượt qua khó khăn, củng cố xây dựng chính quyền, phát triển kinh tế, văn hóa- xã hội, an ninh quốc phòng đưa đất nước ngày một phát triển đi lên.

Tuy nhiên trong xây dựng kinh tế, cũng như trong quá trình chỉ đạo thực hiện, chúng ta đã bộc lộ nhiều yếu kém. Nhưng điều quan trọng là Đảng ta đã sớm nhận thức được tình hình đất nước, bối cảnh quốc tế trên tinh thần nhìn thẳng vào sự thật- kiên định mục tiêu con đường đã chọn- Đảng đã thẳng thắn phân tích những nguyên nhân yếu kém, những va vấp sai lầm, tin tưởng vững chắc vào sức mạnh của nhân dân- Và Đảng đã khởi xướng công cuộc đổi mới vì sự phát triển của đất nước, vì hạnh phúc của nhân dân đạt được nhiều thành quả vô cùng to lớn.

Công cuộc đổi mới của chúng ta đã gần 30 năm và đã có được những thành tựu vô cùng to lớn và tự hào. Đất nước ta ra khỏi khủng hoảng kinh tế- xã hội, nền kinh tế phát triển, đời sống của các tầng lớp nhân dân được cải thiện. Làm được những điều này chính là chúng ta đã và đang đưa điều mong muốn của Bác thành hiện thực. Nhớ lại, đất nước ta bao đời nghèo đói thiếu ăn, vì dân thiếu gạo nên lúc sinh thời Bác bảo: chiều thứ 7 hàng tuần để Bác ăn cháo; nhân dân, cán bộ ăn cơm độn ngô, khoai, sắn bao nhiêu phần trăm thì cũng để Bác ăn độn bấy nhiêu phần trăm giống như cán bộ, giống như dân. Khi nhắc về vấn đề này, nhớ lại điều kiện vô cùng khó khăn về lương thực vào những đầu năm 80- thời điểm mà Việt Nam phải mua gạo từ Ấn Độ mang về- chúng ta mới cảm nhận được hết niềm vui, niềm tự hào khi mà Việt Nam chúng ta trở thành quốc gia có sản lượng gạo xuất khẩu đứng thứ 2 trên thế giới. Có nhớ lại khó khăn trong sản xuất và sinh hoạt của những năm tháng thiếu điện, chúng ta càng xúc động, càng trân trọng khi có được đường dây 500 kilovôn và hàng chục nhà máy điện đang hoạt động mang nguồn điện thắp sáng khắp mọi miền quê hương đất nước. Con đường Trường Sơn năm xưa với trăm núi ngàn khe hiểm trở nay đã là con đường bằng phẳng, con đường huyết mạch của đất nước, con đường mang tên Bác kính yêu chạy từ Cao Bằng đến Cà Mau. Bồi hồi nhớ lại cảnh đất nước ít bạn bè đến viếng thăm, bị bao vây, cấm vận vào thời điểm chiến tranh lạnh đang diễn ra căng thẳng, chúng ta càng cảm nhận hết niềm hạnh phúc và tự hào khi Việt Nam thiết lập quan hệ kinh tế với hơn 180 nước trên thế giới và trở thành thành viên của tổ chức thương mại thế giới, là thành viên của Liên Hợp quốc, là thành viên của hòa bình, hợp tác, phát triển khu vực ASEAN. Một nước nghèo nàn lạc hậu xưa, nay đã là một nước trong tổ chức xuất khẩu dầu mỏ và có thêm một nhà máy lọc dầu Dung Quất đang hoạt động rất hiệu quả. Ngày nay Đảng ta đang nỗ lực phấn đấu đưa đất nước thoát khỏi tình trạng kém phát triển, nâng cao hơn nữa đời sống vật chất tinh thần cho nhân dân để đến năm 2020 trở thành một nước công nghiệp phát triển theo hướng hiện đại, là điểm đến, là điểm hẹn của thế giới. Chúng ta càng tự hào thấy rằng hiện nay ta đến với bạn bè trên thế giới không phải chỉ bằng hào quang của chiến thắng năm xưa mà còn là thế và lực hôm nay của chúng ta một cách thuyết phục. Làm được điều đó chính là chúng ta đã thực hiện Di chúc của Bác, đáp lại lòng mong đợi của Người, mặc dù phía trước còn vô vàn khó khăn thử thách.

Là người sáng lập và rèn luyện Đảng ta, Bác Hồ thường xuyên quan tâm đặc biệt tới việc xây dựng chỉnh đốn Đảng- Đảng phải là đội tiên phong của giai cấp và dân tộc, phải hoàn thiện mình để lãnh đạo đất nước. Vì vậy trong Di chúc của Người để lại việc cần phải làm trước tiên là "chỉnh đốn lại Đảng". Ngoài việc cần làm ngay là chỉnh đốn Đảng, Bác còn căn dặn về vấn đề đoàn kết trong Đảng và vấn đề đạo đức của cán bộ Đảng viên. Bác nói "Đoàn kết là một truyền thống cực kỳ quý báu của Đảng và của dân ta. Các đồng chí từ Trung ương đến các chi bộ cần phải giữ gìn sự đoàn kết nhất trí trong Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình". "Trong Đảng phải thực hành dân chủ rộng rãi, thường xuyên phê bình và tự phê bình, phải có tình đoàn kết thân yêu lẫn nhau". "Đảng ta là một Đảng cầm quyền. Mỗi Đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm kiêm chính, chí công vô tư, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân".

Thực hiện lời di huấn này của Bác, từ sau khi nước nhà độc lập- Đảng ta qua 8 lần Đại hội- mỗi lần đều có kiểm điểm về vấn đề đoàn kết và đạo đức trong Đảng.

Năm 1976, Đại hội đầu tiên sau ngày giải phóng - Đại hội lần IV: khẳng định trong Đảng không có chia rẽ về chính trị, khối đoàn kết thống nhất của Đảng được củng cố về phẩm chất đạo đức tốt đẹp.

Năm 1982, Đại hội lần V: nhận sai lầm về quản lý kinh tế và xây dựng Đảng, công tác tư tưởng thiếu sắc bén, nguyên tắc tập trung dân chủ nhiều nơi không được chấp hành triệt để.

Năm 1986 Đại hội VI- đây là Đại hội đổi mới, Đại hội nhìn thẳng vào sự thật, nói đúng sự thật. Đại hội đã kiểm điểm nghiêm khắc vấn đề đoàn kết và đạo đức.

Đến năm 1991, Đại hội lần thứ VII nói rõ: Đảng chưa đặt đúng tầm quan trọng của việc chỉnh đốn Đảng theo Di chúc Bác Hồ.

Có lẽ sau 16 năm với 4 lần Đại hội, ngày càng cho thấy những dự báo của Bác ứng nghiệm rất sâu sắc. Và đến lúc này, năm 1991 Đảng ta chính thức đặt vấn đề "đổi mới và chỉnh đốn Đảng". Trước đó Đảng đã phấn đấu tự đổi mới về tư duy, về phong cách, về tổ chức cán bộ, đấu tranh khắc phục những sai lầm khuyết điểm, yếu kém, chủ quan nóng vội, chống tha hóa biến chất, phấn đấu xây dựng Đảng trong sạch vững mạnh – xứng đáng là “một Đảng cầm quyền” như trong Di chúc Người căn dặn. Chúng ta có thể khẳng định rằng cho dù đến nay công cuộc xây dựng chỉnh đốn Đảng chưa đạt yêu cầu như mong muốn; cho dù tình trạng suy thoái về chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ đảng viên chưa được ngăn chặn, đẩy lùi- nhưng Đảng Cộng sản Việt Nam vẫn luôn là lực lượng chính trị duy nhất có đủ năng lực, phẩm chất và uy tín lãnh đạo đất nước ta kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội- lãnh đạo nhân dân ta thực hiện công cuộc đổi mới đạt nhiều thành tựu to lớn đưa sự nghiệp cách mạng tiếp tục tiến lên.

Như vậy sau 45 năm, soi mình vào Di chúc của Người để nhìn lại những việc đã làm được và những việc còn tồn tại, chúng ta càng thấy lời Bác dạy thiêng liêng vô cùng- ứng nghiệm cho hôm nay và mãi mãi mai sau.

Đúng như nhà thơ Tố Hữu đã viết:

“Giọng của Người không phải sấm trên cao

Thấm từng tiếng ấm vào lòng mong ước

Con nghe Bác, tưởng nghe lời non nước

Tiếng ngày xưa và cả tiếng mai sau.”

Tóm lại, những điều then chốt được Bác dặn dò trong Di chúc để lại cho toàn Đảng, toàn dân ta mà trước hết là cho mỗi cán bộ Đảng viên là "thật sự cần kiệm chí công vô tư" và "xứng đáng là người đầy tớ trung thành của nhân dân". Bởi vì, chỉ có như vậy mỗi cán bộ, đảng viên mới thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, mới xứng đáng là người lãnh đạo của nhân dân. Và chỉ có như vậy, Đảng mới thật trong sạch, vững mạnh khi Đảng trở thành Đảng cầm quyền.

45 năm đã trôi qua, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta, với quyết tâm cao đã phấn đấu vượt qua biết bao ghềnh thác, vượt qua mọi khó khăn thử thách, tập trung hết trí lực để thực hiện tốt nhất những lời thề sắt son của mình. Ở cõi vĩnh hằng chắc rằng Bác rất vui về những thành tựu đã và đang đạt được của cách mạng nước ta- kết quả của việc lo cho dân, thực hiện điều mong muốn cuối cùng của Bác. Bên cạnh những thành tựu to lớn ấy, có lẽ vẫn còn nhiều điều Bác chưa hài lòng - Đó là việc giảm sút lòng tin của dân với Đảng, là sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống của một bộ phận không nhỏ đảng viên và cán bộ- mà Đảng ta đã phân tích rõ những biểu hiện và nguyên nhân của nó trong các nghị quyết của Đảng và đề ra chủ trương giải pháp nhằm xây dựng Đảng thật sự trong sạch vững mạnh, thực hiện "học tập làm theo tấm gương đạo đức của Bác" với một quyết tâm và trách nhiệm cao. Vì chúng ta đều hiểu và nhận thức được rằng:

Di chúc của Bác là văn kiện lịch sử vô giá, là tâm nguyện, tình cảm, ý chí, niềm tin, trách nhiệm của Bác với Tổ quốc, với nhân dân. Thực sự là "nguồn sáng dẫn đường" cho chúng ta đi.

Di chúc của Bác là công trình lý luận về xây dựng và củng cố Đảng cầm quyền.

Di chúc của Bác là những lời dặn dò, vạch đường, chỉ lối cho chúng ta xây dựng đất nước theo con đường mà Đảng, Bác Hồ và nhân dân ta đã lựa chọn.

Di chúc của Bác như là một kế hoạch, một chương trình hành động của toàn Đảng, toàn dân về sự nghiệp xây dựng đất nước sau chiến tranh.

Là lời căn dặn ân cần chu đáo cho sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc ta.

Di chúc còn là tác phẩm nghệ thuật mang tính nhân văn cao cả, làm lay động lòng người.

Kỷ niệm 45 năm thực hiện Di chúc của Bác, là dịp để mỗi người chúng ta báo cáo với Bác những công việc mà mình đã thực hiện được, đang thực hiện và sẽ thực hiện theo những lời dặn dò, nhắn nhủ và mong đợi của Bác. Đây là một cơ hội tốt để mỗi người chúng ta thật thà tự soi mình vào những điều Bác dạy mà tự phê bình và phê bình, xem xét lại mình một cách nghiêm túc để điều chỉnh, để sửa chữa. Và đây cũng là dịp để mỗi người chúng ta tiếp tục học tập, nghiên cứu những giá trị to lớn của Di chúc và biến những nhận thức, tư tưởng, tình cảm cao đẹp của mình thành những việc làm thiết thực để thể hiện lòng kính yêu Bác, tưởng nhớ Bác, biết ơn Bác để tiếp tục trau dồi đạo đức cách mạng, để làm được nhiều việc tốt cho dân, cho nước và nguyện phấn đấu thực hiện Di chúc của Bác.

Thành phố Hồ Chí Minh của chúng ta – Thành phố được vinh dự mang tên Bác Hồ kính yêu, bằng tình cảm thiêng liêng, tha thiết đối với Bác; bằng nhận thức cộng sản và tinh thần tiến công cách mạng; bằng khát vọng vươn lên của một thành phố trong sứ mệnh cùng cả nước, vì cả nước, thời gian qua chúng ta đã làm được rất nhiều việc có ý nghĩa và từng bước hiện thực hóa mơ ước của Bác Hồ “Còn non, còn nước, còn người/ Thắng giặc Mỹ ta sẽ xây dựng hơn mười ngày nay”. Và dù hiện thực còn nhiều khó khăn phức tạp, song Di chúc của Bác kính yêu mãi mãi là nguồn sáng dẫn đường, chỉ lối cho chúng ta đi; mãi mãi là điểm tựa tinh thần vững chắc cho sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước, sự nghiệp xây dựng và phát triển Thành phố Hồ Chí Minh văn minh, hiện đại, nghĩa tình.

Trong chuỗi nhiều hoạt động thiết thực Kỷ niệm 45 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, được sự đồng ý của Thường trực Thành ủy, hôm nay Ban Tuyên giáo Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức Tọa đàm khoa học Kỷ niệm 45 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh với chủ đề “Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh – Nguồn sáng dẫn đường” để nghiên cứu và trao đổi, để thảo luận nhằm thấu hiểu sâu sắc hơn nữa những giá trị to lớn của tư tưởng Hồ Chí Minh, của Di chúc thiêng liêng và tấm gương đạo đức trong sáng của Người, từ đó, nâng cao nhận thức, chuyển thành hành động, góp phần cổ vũ mạnh mẽ toàn Đảng, toàn dân, toàn quân tích cực học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Bác, quyết tâm thực hiện thắng lợi mọi tâm nguyện trong Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu. Đó là việc làm có ý nghĩa lý luận và thực tiễn sâu sắc.

Với tinh thần nêu trên, trong Tọa đàm khoa học hôm nay, chúng tôi mong được lắng nghe ý kiến tham luận của các đồng chí, các nhà nghiên cứu, nhà khoa học, các cán bộ hoạt động thực tiễn tập trung trao đổi, thảo luận làm rõ các nội dung chính sau đây:

- Thấm nhuần lời dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh về tinh thần phục vụ nhân dân, chúng ta cần làm gì phục vụ nhân dân tốt hơn, cần làm gì để chăm lo cho dân được tốt hơn, cần làm gì để nâng cao đời sống nhân dân ngày một tốt hơn, cần làm gì để củng cố niềm tin của nhân dân với Đảng.

- Những giải pháp xây dựng Đảng thật sự trong sạch, vững mạnh, phát huy được vai trò trách nhiệm của từng cán bộ, đảng viên trong việc tự rèn luyện, giữ gìn phẩm chất đạo đức cách mạng trong sáng, đấu tranh không khoan nhượng với những biểu hiện suy thoái trong nội bộ Đảng.

- Làm thế nào để giữ gìn thành quả cách mạng mà Đảng ta, Bác Hồ và nhân dân ta đã dày công xây dựng. Giải pháp thực sự hiệu quả nhằm phê phán các quan điểm sai trái, âm mưu và hoạt động của các thế lực thù địch đi ngược lại với lợi ích của dân tộc ta.

- Cách thức tổ chức, bồi dưỡng tình cảm cách mạng, lòng yêu nước cho thế hệ trẻ, cho đoàn viên thanh niên để xây dựng đội ngũ kế thừa xứng đáng với kỳ vọng của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong giai đoạn hiện nay.

- Khẳng định những giá trị trường tồn của bản Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại.

_____________

(*) Tựa đề do Trang tin điện tử Đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh đặt


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo