Thứ Bảy, ngày 2 tháng 12 năm 2023

Phát huy nguồn lực văn hóa để xây dựng và phát triển “Thành phố sáng tạo” của TPHCM

Quang cảnh hội thảo

(Thanhuytphcm.vn) – Sáng 14/11, Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM và Trường Đại học Văn hóa TPHCM phối hợp tổ chức hội thảo với chủ đề: Phát huy nguồn lực văn hóa để xây dựng và phát triển “Thành phố sáng tạo” của TPHCM.

Chủ trì hội thảo có PGS.TS Nguyễn Thế Dũng, nguyên Hiệu trưởng trường Đại học Văn hóa TPHCM và ThS. Phạm Bình An, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM.

Báo cáo đề dẫn tại hội thảo, PGS.TS Nguyễn Thế Dũng cho rằng, “Thành phố sáng tạo” là một khái niệm mới, đang được nhiều quốc gia quan tâm, thảo luận, thay đổi, bổ sung để hoàn thiện. Hiện nay, “Thành phố sáng tạo” được hiểu là nơi mà nguồn tài nguyên chính của nó là tính sáng tạo của người dân, đó là tài nguyên quan trọng, tạo ra của cải cho thành phố và xã hội. UNESCO đã thành lập mạng lưới các “Thành phố sáng tạo” từ năm 2004, nhằm thúc đẩy hợp tác giữa các thành phố, xem sáng tạo là động lực, là yếu tố chiến lược cho sự phát triển bền vững trên các lĩnh vực kinh tế, xã hội, văn hóa và môi trường. Mạng lưới “Thành phố sáng tạo” tập trung vào 7 lĩnh vực sáng tạo, gồm: Thiết kế; văn học; âm nhạc; thủ công mỹ nghệ và nghệ thuật dân gian; ẩm thực, điện ảnh và nghệ thuật truyền thông.

Tại Việt Nam, năm 2019 UNESCO đã công nhận Hà Nội là thành phố sáng tạo trên lĩnh vực “thiết kế” và mới đây tháng 10/2023, UNESCO công nhận Hội An là thành phố sáng tạo trên lĩnh vực “Thủ công và nghệ thuật dân gian” và Đà Lạt là thành phố sáng tạo trên lĩnh vực “Âm nhạc”. Ngày 16/4/2021, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành Kế hoạch xây dựng Đề án phát triển mạng lưới thành phố sáng tạo nằm trong hệ thống thành phố sáng tạo UNESCO. Theo kế hoạch này, TPHCM cũng là một trong những địa phương tiếp theo, cùng với thành phố Huế, Đà Nẵng, Hạ Long, Vũng Tàu… có tiềm năng phát huy sáng tạo để phát triển bền vững và có khả năng tham gia vào mạng lưới Thành phố sáng tạo của UNESCO.

TPHCM là địa phương có nhiều lợi thế để phát triển các sản phẩm, dịch vụ văn hóa, công nghiệp văn hóa, công nghiệp sáng tạo của cả nước. Cùng với chính sách chuyển dịch cơ cấu kinh tế, TPHCM đang tập trung mọi nguồn lực cho sự phát triển, trong đó có nguồn lực văn hóa và định hướng đến năm 2030 trở thành trung tâm văn hóa của khu vực Đông Nam Á, năm 2045 là điểm đến hấp dẫn toàn cầu, văn hóa phát triển đặc sắc. Thực hiện Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, ngày 25 tháng 10 năm 2023, UBND TPHCM đã ban hành Quyết định phê duyệt Đề án Phát triển ngành công nghiệp văn hóa TPHCM đến năm 2030. Hiện nay, Thành phố đã xây dựng kế hoạch gia nhập mạng lưới sáng tạo thuộc mạng lưới các thành phố sáng tạo UNESCO trên lĩnh vực điện ảnh là một trong những lợi thế, thế mạnh của ngành công nghiệp văn hóa ở Thành phố.

Ban tổ chức Hội thảo đã nhận được 33 bài tham luận của các cơ quan và của các nhà quản lý, nhà khoa học, giảng viên từ các cơ quan nghiên cứu và các trường đại học. Trong đó tập trung các nhóm vấn đề như: Lợi thế và thách thức của văn hóa TPHCM trong phát triển “Thành phố sáng tạo”; Các nguồn lực văn hóa TPHCM để xây dựng và phát triển “Thành phố sáng tạo”; Những giải pháp để phát huy các nguồn lực văn hóa xây dựng và phát triển “Thành phố sáng tạo” có hiệu quả trong thời gian tới.

Tại hội thảo, các đại biểu đã tập trung trao đổi, thảo luận làm rõ ba nội dung cơ bản: Thành phố sáng tạo và lĩnh vực sáng tạo; TPHCM có lợi thế, tiềm năng, nguồn lực trong lĩnh vực sáng tạo nào; Những giải pháp để TPHCM phát huy lợi thế, tiềm năng, nguồn lực để xây dựng và phát triển “Thành phố sáng tạo”.

M.Hiệp


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo