Khách mời tham gia chương trình gồm: Thành ủy viên, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Văn Dũng; PGS.TS.BS Tăng Chí Thượng, Thành ủy viên, Giám đốc Sở Y tế TPHCM; Bác sĩ CKII Nguyễn Hồng Tâm, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP (HCDC); Trịnh Thị Mai Trinh, Ủy viên Ban Thường vụ Quận ủy, Phó Chủ tịch UBND quận Tân Phú; PGS.TS.BS Hoàng Thị Diễm Tuyết, Giám đốc Bệnh viện Hùng Vương…
Cần có chính sách để thu hút người dân đến trạm y tế
Tại chương trình, các đại biểu cho rằng, hiện nay TP đang triển khai chương trình khám sức khỏe cho người cao tuổi. Tuy nhiên, chỉ mới khám được cho khoảng 30% người cao tuổi trên địa bàn TP. Do vâỵ, trong thời gian tới, TP cần triển khai để 100% người cao tuổi trên địa bàn được tầm soát sức khỏe. Bên cạnh đó, TP cần có chính sách thu hút người dân đến trạm y tế để chăm sóc sức khỏe ban đầu.
Trao đổi về khám sức khỏe người cao tuổi, PGS.TS.BS Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế TP cho rằng, khám sức khỏe người cao tuổi là một trong những hoạt động trọng tâm của chương trình chăm sóc sức khỏe người cao tuổi theo quy định của Thủ tướng Chính phủ. Hoạt động này đã được các quận, huyện triển khai trong nhiều năm qua.
Theo PGS.TS.BS Tăng Chí Thượng, bắt đầu từ năm 2024, chương trình khám sức khỏe cho người cao tuổi được triển khai trên toàn TP với mục tiêu khám sức khỏe cho khoảng 1 triệu người cao tuổi trên địa bàn TP. Tính đến ngày 31/12, các địa phương đã khám được 329.330 người cao tuổi, với hơn 1 triệu người từ 60 tuổi trở lên và chỉ mới đạt được 32,9% so với dân số.
“Tuy mới đạt được hơn 30% người cao tuổi được khám sức khỏe, nhưng bước đầu ngành y tế đã xác định mô hình bệnh tật của người cao tuổi trên địa bàn TP. Sở Y tế ghi nhận có 61,6% người cao tuổi bị tăng huyết áp, 25,68% người cao tuổi mắc và nghi ngờ đái tháo đường, 0,26% người cao tuổi có mức độ trầm cảm, lo âu từ vừa đến nặng; 17,6% người có dấu hiệu tiền suy yếu, 1,3% người có dấu hiệu suy yếu; 2,3% người cao tuổi có nguy cơ té ngã…” - PGS.TS.BS Tăng Chí Thượng nhấn mạnh.
Trao đổi thêm hoạt động chăm sóc sức khỏe trên địa bàn TP trong thời gian qua, PGS.TS.BS Tăng Chí Thượng cho rằng, trong những năm qua, TP và ngành y tế đã triển khai nhiều hoạt động để nâng cao chất lượng y tế cơ sở như: Đầu tư cơ sở hạ tầng cho các trạm y tế (TYT) để đảm bảo chuyển đổi hoạt động theo nguyên lý y học gia đình. Cụ thể, năm 2023, có 55 TYT được đầu tư cải tạo, nâng cấp để chuyển đổi hoạt động theo nguyên lý y học gia đình. Trong thời gian tới, sẽ có 146 TYT được đầu tư sửa chữa nâng cấp cải tạo, xây mới tại dự án ‟Đầu tư xây mới, nâng cấp, cải tạo và mua sắm trang thiết bị đến 146 trạm y tế các quận, huyện, TP Thủ Đức”.
Bên cạnh đó, TP tăng cường nguồn nhân lực cho y tế cơ sở; Tăng cường sự hỗ trợ chuyên môn của bệnh viện cho hoạt động trạm y tế thông qua kết nối hội chẩn từ xa (hệ thống telemedicine) với các chuyên gia của các bệnh viện tuyến cuối của TP và triển khai X-Quang kỹ thuật số có tích hợp trí tuệ nhân tạo (AI) đến với trạm y tế xã đảo Thạnh An, huyện Cần Giờ. Tổ chức các hội thi cho đội ngũ y sĩ, bác sĩ ở TYT xã, phường, thị trấn nhằm nâng cao trình độ chuyên môn.
Ngoài ra, triển khai thí điểm gói can thiệp thiết yếu về bệnh không lây nhiễm trong chăm sóc sức khỏe ban đầu (gọi tắt là chương trình WHO-PEN) với sự hỗ trợ kỹ thuật từ Tổ chức Y tế Thế giới.
Đồng chí Huỳnh Thanh Nhân điều hành chương trình.Kêu gọi đầu tư các dự án theo hình thức PPP
Để nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe người dân, cơ sở vật chất trong thời gian tới, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Đinh Khắc Huy cho rằng, vừa qua Quốc hội đã thông qua Luật số 57/2024/QH15 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật quy hoạch, Luật đầu tư, Luật đầu tư theo phương thức đối tác công tư và Luật đấu thầu, trong đó, đối với nội dung về đầu tư theo phương thức đối tác công tư có một số điểm mới như không còn hạn chế về lĩnh vực thực hiện, không còn quy định về tổng mức đầu tư tối thiểu… Do vậy, quy định hiện nay đã mở rộng hơn các đối tượng có thể đầu tư theo phương thức PPP, chỉ cần đáp ứng mục đích dự án là để cung cấp dịch vụ công.
“Việc thực hiện dự án PPP sẽ có nhiều điểm thuận lợi cho các nhà đầu tư như TP có thể tham gia đến 70% tổng mức đầu tư dự án, trong đó về phần bồi thường giải phóng mặt bằng sẽ do TP thực hiện. Ngoài ra, TP cũng sẽ tham gia chia sẻ với nhà đầu tư trong việc tăng giảm doanh thu so với dự tính.”- đồng chí Đinh Khắc Huy nhấn mạnh.
Theo PGS.TS.BS Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế, hiện nay, ngành y tế tập trung kêu gọi đầu tư các dự án theo hình thức PPP để huy động nguồn lực xã hội trong đầu tư phát triển các bệnh viện, cơ sở y tế nhằm nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh và phát triển các kỹ thuật y tế chuyên sâu. Cụ thể, đến nay có 6 dự án thuộc lĩnh vực y tế kêu gọi đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) đã được HĐND TP thông qua, bao gồm: Xây dựng Khu khám Điều trị dịch vụ tại khu 2 Bệnh viện Nguyễn Tri Phương; Xây dựng Khoa khám và điều trị cho người nước ngoài Bệnh viện Lê Văn Thịnh; Xây dựng Bệnh viện đột quỵ TPHCM tại TP Thủ Đức; Xây dựng Trung tâm tầm soát và chẩn đoán bằng công nghệ cao tại TP Thủ Đức; Xây dựng Trung tâm tầm soát và chẩn đoán bằng công nghệ cao tại cụm y tế Tân Kiên, Bình Chánh; Xây dựng Bệnh viện thực hành của Trường Đại học Y khoa (giai đoạn 2) tại cụm y tế Tân Kiên, Bình Chánh.
Trong năm 2025, Sở Y tế tiếp tục đẩy nhanh tiến độ triển khai 2 dự án theo phương thức đối tác công tư (PPP) là “Xây dựng Khu khám Điều trị dịch vụ tại khu 2 Bệnh viện Nguyễn Tri Phương” và “Xây dựng Khoa khám và điều trị cho người nước ngoài Bệnh viện Lê Văn Thịnh”, xem đây là một trong những hoạt động trọng tâm trong năm 2025 của ngành y tế TP. Đây là một phương thức đầu tư rất mới trong lĩnh vực y tế, cần đảm bảo theo đúng các quy định của pháp luật.
Còn đối với tuyến y tế cơ sở, đặc biệt là các TYT là nơi chăm sóc sức khỏe ban đầu của người dân, góp phần đảm bảo sự công bằng và an sinh xã hội. Do đó, kiến nghị dùng nguồn ngân sách TP sẽ tiếp tục đầu tư cho các TYT.
Về dự án sửa chữa, xây mới 146 TYT, PGS.TS.BS Tăng Chí Thượng cho biết, hiện nay, TPHCM sẽ giảm 39 phường. Do đó, ngành y tế tham mưu, kiến nghị UBND TP giữ lại cơ sở vật chất của các TYT thuộc các phường bị sát nhập để đảm bảo điều kiện làm việc và biên chế cho TYT, phù hợp với việc phân bổ TYT theo quy mô dân số chứ không theo địa giới hành chính.
Quận Tân Phú đã kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh
Trao đổi về giải pháp, cách làm trong phòng, chống dịch bệnh tại địa phương, Phó Chủ tịch UBND quận Tân Phú Trịnh Thị Mai Trinh cho biết, quận huy động sự tham gia, phối hợp đồng bộ của Ủy ban MTTQ Việt Nam và các đoàn thể quận, UBND 11 phường cùng với ngành y tế tuyên truyền, vận động nâng cao ý thức phòng, chống dịch bệnh của người dân và tham gia giám sát công tác phòng, chống dịch trên địa bàn quận. Đồng thời, thành lập và củng cố các đoàn kiểm tra phòng, chống dịch bệnh của quận ngay từ đầu năm, tăng cường công tác kiểm tra của các đoàn kiểm tra và UBND 11 phường, tập trung vào các nhóm trẻ, trường học là nơi phát sinh nhiều ổ dịch tay chân miệng, sởi và các công trình xây dựng, bãi đất trống là nơi dễ phát sinh điểm tù đọng nước, lăng quăng gây bệnh sốt xuất huyết; xử phạt nghiêm các tổ chức/cá nhân không chấp hành các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định để tạo tính răn đe.
Qua việc triển khai các giải pháp trên, đồng chí Trịnh Thị Mai Trinh cho biết, quận đã kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh trong năm 2024, Quận không còn nằm trong top đầu của TP về dịch bệnh, số ca mắc sốt xuất huyết giảm 30,5% và số ca tay chân miệng giảm 65% so với cùng kỳ năm 2023, các ổ dịch sốt xuất huyết, tay chân miệng được phát hiện và xử lý kịp thời, hiện đã kết thúc theo dõi các ổ dịch.