Nuôi trồng thủy sản tại huyện Cần Giờ (Thanhuytphcm.vn) - UBND TPHCM vừa ban hành kế hoạch phát triển nông nghiệp hữu cơ giai đoạn 2024 - 2030 trên địa bàn huyện Cần Giờ.
Theo đó, đến năm 2025, triển khai thực hiện công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức bà con nông dân về sản xuất nông nghiệp hữu cơ; xác định được khu vực sản xuất nông nghiệp hữu cơ trên một số đối tượng cây trồng, vật nuôi, thủy sản. Cụ thể, diện tích sản xuất tôm hữu cơ đạt 15 ha. Hình thành chuỗi giá trị trong sản xuất nông nghiệp hữu cơ gắn với truy xuất nguồn gốc sản phẩm.
Đến năm 2030, trên cơ sở các thành tựu nghiên cứu nông nghiệp hữu cơ, các mô hình, kỹ thuật sản xuất hữu cơ có hiệu quả tiến hành mở rộng diện tích sản xuất hữu cơ, tạo ra sản lượng ổn định, phục vụ phát triển sản phẩm OCOP, khảo sát, chọn và vận động một số hộ, doanh nghiệp, hợp tác xã tiên phong thí điểm sản xuất nông nghiệp hữu cơ góp phần nâng cao chất lượng nguồn nguyên liệu cho sản phẩm OCOP và giới thiệu, cung ứng các sản phẩm an toàn, chất lượng cho du khách; định hướng phát triển các sản phẩm chủ lực có thế mạnh là sản phẩm hữu cơ tham gia Chương trình OCOP tạo nên các sản phẩm OCOP hữu cơ.
Cụ thể, diện tích trồng trọt hữu cơ (xoài) đạt 10 ha; diện tích sản xuất tôm hữu cơ đạt 20 ha; hình thành 2-3 chuỗi giá trị trong sản xuất nông nghiệp hữu cơ gắn với truy xuất nguồn gốc sản phẩm.
Để thực hiện mục tiêu trên, TPHCM đề ra các giải pháp như: Phát triển các vùng sản xuất nông nghiệp hữu cơ, xác định các sản phẩm nông nghiệp hữu cơ phù hợp với điều kiện của Cần Giờ. Cụ thể, hình thành các vùng sản xuất các sản phẩm bản địa, đặc trưng trong điều kiện môi trường tự nhiên như muối, tôm sinh thái, yến, hàu, dừa nước để xây dựng nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý sản phẩm để đầu tư sản xuất hữu cơ. Vùng ứng dụng công nghệ cao trong lĩnh vực thủy sản Hào Võ kết hợp với phát huy kiến thức bản địa, sản xuất hữu cơ gắn với chuỗi giá trị cho các sản phẩm chủ lực và sản phẩm tiềm năng của huyện Cần Giờ. Xây dựng và phát triển vùng sản xuất hữu cơ được chứng nhận từ khai thác sản phẩm tự nhiên (rừng, sông, rạch, biển tự nhiên).
Đồng thời, phát triển đa dạng các hình thức tổ chức sản xuất sản phẩm hữu cơ tại Cần Giờ. Trong đó, đẩy mạnh phong trào xây dựng vườn cây ăn trái (xoài) hữu cơ gắn với thu gom rác, làm phân hữu cơ, xây dựng môi trường xanh, sạch đẹp, ở các xã nông thôn mới huyện Cần Giờ. Phát triển các hình thức sản xuất quy mô hợp tác xã, doanh nghiệp, tổ hợp tác sản xuất các sản phẩm bản địa như muối, xoài, tôm, hàu, tôm nước lợ, cá dứa… sản phẩm từ khai thác tự nhiên có giá trị truyền thống. Có chính sách hỗ trợ cho các tổ chức, cá nhân chuyển đổi từ mô hình sản xuất nông nghiệp thông thường sang sản xuất theo quy trình nông nghiệp hữu cơ trên địa bàn huyện Cần Giờ (hỗ trợ về pháp lý đất đai, tạo điều kiện xây dựng trên đất nông nghiệp, ưu đãi tín dụng vay, hỗ trợ cơ sở sản xuất kiểm tra, xét nghiệm sản phẩm sản xuất theo quy trình hữu cơ tại Cần Giờ). Xây dựng các mô hình liên kết theo chuỗi giá trị (muối, tôm, hàu, khô hải sản) giữa các doanh nghiệp, hợp tác xã sản xuất, chế biến, kinh doanh sản phẩm hữu cơ tại các vùng sản xuất tập trung tại huyện Cần Giờ.
Bên cạnh đó, nghiên cứu phát triển khoa học và công nghệ trong sản xuất nông nghiệp hữu cơ tại Cần Giờ. Đào tạo, tập huấn phát triển nguồn nhân lực nông nghiệp hữu cơ. Tăng cường chế biến, bảo quản sau thu hoạch. Tiêu thụ sản phẩm hữu cơ. Phát triển các vật tư đầu vào phục vụ phát triển nông nghiệp hữu cơ Cần Giờ. Tăng cường quản lý Nhà nước về nông nghiệp hữu cơ trên địa bàn huyện Cần Giờ. Triển khai các chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp hữu cơ trên địa bàn huyện Cần Giờ.