Thứ Sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024

Phim tài liệu “DANH HỌA DIỆP MINH CHÂU”

Danh họa Diệp Minh Châu

(Thanhuytphcm.vn) - Danh họa Diệp Minh Châu nổi tiếng với các tác phẩm như tranh “Bác Hồ và ba em thiếu nhi Trung - Nam - Bắc”, tượng đồng “Bác Hồ với thiếu nhi”... Suốt cuộc đời hoạt động cách mạng và sáng tác của ông thấm đẫm tư tưởng Hồ Chí Minh. Bộ phim tài liệu “Danh họa Diệp Minh Châu” đạt giải A, Giải thưởng sáng tác, quảng bá tác phẩm văn học, nghệ thuật, báo chí chủ đề “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” trên địa bàn TPHCM, đợt 1, giai đoạn 2021 - 2025.

Bộ phim do Công ty cổ phần Phim Giải phóng đầu tư, đạo diễn Nguyễn Thu, biên kịch Trần Quốc Sơn, quay phim Lê Thanh Quang thực hiện. Nội dung của phim tài liệu giới thiệu về cuộc đời và sự nghiệp của một danh họa tài ba Diệp Minh Châu.

Diệp Minh Châu (1919 - 2002) sinh tại làng Nhơn Thạnh, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre. Năm 1940, khi vừa tròn 21 tuổi, ông ra Hà Nội, thi vào Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương - một trong hai trường mỹ thuật nổi tiếng nhất châu Á thời bấy giờ và đỗ đầu kỳ thi tuyển. Ông vừa học vừa vẽ và tích cực tham gia vào phong trào sinh viên yêu nước, tham gia phong trào truyền bá quốc ngữ của thanh niên. Cuối năm 1946, ông về công tác ở khu Tám với chức danh phóng viên mặt trận. Các tác phẩm nổi tiếng của ông ra đời trong thời kỳ này như: “Phong cảnh Đồng Tháp Mười”, “Lớp học bình dân trong lán ven rừng”, “Chiến sĩ Lê Hồng Sơn hy sinh lúc xung phong”.

Năm 1950, ông được ra Việt Bắc để tiếp tục học tập và công tác. Ở Việt Bắc, ông được sống cùng Bác Hồ để vẽ về Người. Hình ảnh Bác Hồ vĩ đại và giản dị, anh minh và nhân hậu, cao khiết nhưng vô cùng gần gũi đã đi vào những bức tranh của ông thật mộc mạc, chân tình, gần gũi và cũng rất tinh tế, lắng đọng. Những bức tranh đẹp và quý về Bác Hồ ra đời: “Bố cục nhà Bác trên đồi” (tranh lụa, 1951), “Bác làm việc ở nhà sàn Việt Bắc” (tranh sơn dầu, 1951), “Bác câu cá bên bờ suối” (tranh sơn dầu, 1951)…

Được gặp và làm việc cùng Bác Hồ, chất lượng sáng tác của ông càng được nâng cao. Ông nhớ mãi lời dặn của Bác: “Chú cố vẽ đi nhé! Nhưng phải nhớ học tập chính trị và rèn luyện tư tưởng cho tốt. Có tư tưởng chính trị tốt thì vẽ mới chóng tiến bộ được”. Vâng lời Bác, dù khi đang học tập ở nước ngoài hay sáng tác ở trong nước, dù ở miền Bắc hay miền Nam, ông luôn hướng sáng tác của mình vào sự nghiệp giải phóng chung của dân tộc mà cụ thể là phản ánh, ca ngợi và khẳng định sự tất thắng trong cuộc chiến đấu giành độc lập của nhân dân miền Nam. Những tác phẩm tranh, tượng nổi tiếng của ông đã đi vào lòng người như: “Võ Thị Sáu”, “Lòng người miền Nam”, “Căm thù Phú Lợi”, “Hương sen” (tượng)...

Sau này, ông sáng tác điêu khắc về đề tài Bác Hồ nhiều hơn, các tác phẩm để đời của ông như: “Bác Hồ ở Việt Bắc” (tượng đồng), “Tượng chân dung Bác Hồ” (đá hoa cương), “Bác Hồ bên suối Lênin” (tượng tròn thạch cao), “Bác Hồ với thiếu nhi” (tượng đồng)... đã trở thành tài sản văn hóa chung của nghệ thuật tạo hình Việt Nam đương đại.

Nhà điêu khắc - họa sĩ Diệp Minh Châu ngay từ khi còn trẻ đã thể hiện tuyên ngôn nghệ thuật của mình trong bức thư độc đáo, đặc biệt gửi Chủ tịch Hồ Chí Minh vào ngày 2/9/1947. Nội dung lá thư phần nào cho thấy bối cảnh ra đời cũng thật đặc biệt:

“Kính gửi Cha già Hồ Chí Minh!

Kính Cha,

Từ hai năm nay, tin Cha, vâng theo tiếng gọi của Cha, con đã đưa nghệ thuật của con nhảy vào hàng ngũ Vệ quốc đoàn khu Tám. Cách mạng Tháng Tám mà Cha già lãnh đạo đã giải phóng cho nghệ thuật của con. Hôm nay, trong cảnh vĩ đại của ngày Lễ Độc lập chưa từng có ở Nam Bộ, sau khi nghe lời Tuyên ngôn Độc lập của Cha, lời kêu gọi thống thiết hùng mạnh của Cha và Lời ca Hồ Chí Minh muôn năm của đoàn Thiếu sinh Nam Bộ, con đã cảm xúc vô cùng và vừa khóc, con vừa cắt lấy dòng máu trong cánh tay niên thiếu của con để vẽ hình Cha và hình ba em Trung Nam Bắc đương xúm đầu lại dưới chòm râu của Cha trên nền lụa mà quân đội ta đã đánh tan quân địch, đã chiếm lấy ở trận Giồng Dừa hồi 4/1947…

Con trân trọng gửi bức họa bằng máu của con đây lên Cha già để tỏ lòng biết ơn Cha già đã giải phóng cho nghệ thuật của con, để tạo cho thể xác và linh hồn con thành lợi khí đấu tranh cho cuộc cách mạng phát triển dân tộc.

Kính chào Cha

Khu Tám, 2/9/1947”.

Bức họa máu mà họa sĩ trẻ Diệp Minh Châu gửi lên Bác Hồ có tên “Bác Hồ và ba em thiếu nhi Trung - Nam - Bắc” trở thành tài sản vô giá của nền nghệ thuật Việt Nam cũng như của cả cuộc cách mạng Việt Nam.

Chủ tịch Hồ Chí Minh xem bức tranh vẽ bằng máu của họa sĩ Diệp Minh Châu do đồng chí Trần Văn Trà mang từ Nam Bộ ra Việt Bắc năm 1949. (ảnh: baotanglichsu.vn) Chủ tịch Hồ Chí Minh xem bức tranh vẽ bằng máu của họa sĩ Diệp Minh Châu do đồng chí Trần Văn Trà mang từ Nam Bộ ra Việt Bắc năm 1949. (ảnh: baotanglichsu.vn)

Hơn 60 năm sáng tạo nghệ thuật, Diệp Minh Châu là tác giả của hàng ngàn bức tranh, tượng, là nghệ sĩ có nhiều triển lãm, nghệ sĩ sáng tác nhiều về Bác Hồ với hơn 200 tác phẩm. Nhiều tác phẩm của ông được lưu giữ, bảo quản và trưng bày ở các bảo tàng lớn trong nước và nước ngoài. Tên tuổi, sự nghiệp của ông được giới thiệu trong Bách khoa toàn thư châu Âu. Doanh họa Diệp Minh Châu vinh dự được Nhà nước phong tặng giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học Nghệ thuật (đợt I năm 1996).

Trang tin điện tử Đảng bộ TPHCM trân trọng giới thiệu Phim tài liệu “Danh họa Diệp Minh Châu” đến quý bạn đọc, khán giả. Thông tin chi tiết về bản phim phát hành liên hệ trực tiếp Hội Điện ảnh Thành phố. Địa chỉ: 81, Trần Quốc Thảo (lầu 6), phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TPHCM - ĐT: 028.3932.1229;  Email: hoidienanhtphcm@gmail.com. Hoặc Công ty cổ phần Phim Giải phóng, địa chỉ số 212, Lý Chính Thắng, Phường 9, Quận 3, TPHCM - ĐT : 028. 3843.9868; Email: phimgiaiphong129@gmail.com

Nguồn: Hội Điện ảnh Thành phố Hồ Chí Minh


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo