Thứ Sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024

Phổ biến pháp luật cho 887.321 lượt cán bộ, hội viên, nông dân

Khen thưởng cá nhân xuất sắc trong thực hiện Chỉ thị 26/2001/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ

Sáng ngày 11/11/2011, Hội Nông dân thành phố đã tổ chức hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị 26/2001/CT-TTg ngày 09/10/2001 của Thủ tướng Chính phủ “Về việc tạo điều kiện để Hội Nông dân các cấp tham gia giải quyết khiếu nại, tố cáo của nông dân” (2001 – 2011). Tham dự hội nghị có đồng chí Trần Văn Làm, Ủy viên Ban Thường vụ Trung ương Hội Nông dân Việt Nam; Lê Minh Trí, Thành ủy viên, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh; đại diện Ban Dân vận Thành ủy; Sở Tư pháp, Thanh tra thành phố, Văn phòng Tiếp công dân thành phố; đại diện lãnh đạo Ban Dân vận, Hội Nông dân 11 quận, huyện (7, 9, 12, Thủ Đức, Bình Tân, Gò Vấp, Hóc Môn, Củ Chi, Bình Chánh, Nhà Bè, Cần Giờ).

Thực hiện Chỉ thị số 05/CT-UB của Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh về triển khai thực hiện Chỉ thị số 26/2001/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Hội Nông dân thành phố đã phối hợp với Thanh tra Nhà nước, Sở Tư pháp, Sở Tài nguyên – Môi trường, Văn phòng Tiếp công dân thành phố xây dựng các chương trình phối hợp tuyên truyền, phổ biến pháp luật; hướng dẫn giải quyết khiếu nại của người dân liên quan đến lĩnh vực đất đai, môi trường; tập huấn, cung cấp tài liệu, tư vấn pháp lý; tổ chức hội thi tìm hiểu kiến thức pháp luật, thi hòa giải viên giỏi ở cơ sở … Kết quả, các cấp hội đã tổ chức 17.561 cuộc tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho 887.321 lượt cán bộ, hội viên, nông dân tham dự (cụ thể là các Bộ luật: Luật đất đai, Luật Khiếu nại - Tố cáo, Luật Tài nguyên – Môi trường, Luật Hôn nhân gia đình, Luật Bình đẳng giới, Luật Dân sự …).

Trong công tác tiếp công dân và tham gia hòa giải ở cơ sở, các cấp Hội Nông dân thành phố đã nhận được 26.078 đơn thư khiếu nại, tố cáo; đã tổ chức hòa giải thành 16.553 đơn; vận động nông dân rút 2.328 đơn. Nội dung hòa giải ở cơ sở chủ yếu là các vụ việc tranh chấp trong nội bộ nông dân về ranh giới đất đai, nhà ở, mâu thuẫn nhỏ trong đời sống, hôn nhân gia đình… Ngoài ra, các cấp hội đã tích cực phối hợp với Ủy ban nhân dân cùng cấp tiến hành đối thoại, thẩm tra giải quyết 26.591 vụ việc khiếu nại, tố cáo có liên quan đến hội viên, nông dân. Nội dung khiếu nại tố cáo chủ yếu là về các quyết định hành chánh, hành vi hành chánh, qui trình thủ tục thu hồi đất, giá cả đền bù, tái định cư …

Trên lĩnh vực trợ giúp pháp lý, tham gia bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của hội viên, nông dân, các cấp hội đã tư vấn pháp luật cho 27.628 lượt người; đấu tranh bảo vệ quyền lợi các hộ nông dân ở huyện Cần Giờ, buộc Công ty Vedan chấp nhận bồi thường cho 839 hộ với số tiền 45,7 tỉ đồng.

Quá trình thực hiện Chỉ thị 26-CT/TTg của Chính phủ, các cấp Hội Nông dân đã góp phần giúp hội viên, người dân nâng cao hiểu biết về pháp luật, có ý thức chấp hành và thực thi pháp luật, biết tự bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của mình; cán bộ hội nâng cao trình độ, kiến thức pháp luật, có nhiều kinh nghiệm trong giải quyết khiếu nại, tố cáo và nghiệp vụ, tâm lý trong các vụ hòa giải thành…

Toàn cảnh hội nghị

Tại hội nghị, các tham luận và ý kiến của đại biểu tập trung nêu lên một số nội dung: để công tác hòa giải ở cơ sở được hiệu quả, cán bộ Hội cần nghiên cứu, tìm hiểu nguyên nhân phát sinh mâu thuẫn, phương pháp hòa giải linh họat, có sức thuyết phục cao. Nếu công tác hòa giải ở cơ sở được thực hiện sẽ giảm được tình trạng khiếu nại, khiếu kiện kéo dài, vượt cấp. Đồng thời, khi người dân hiểu biết sự hài hòa giữa các mối quan hệ xã hội, phúc lợi chung của cộng đồng, sẵn sàng đóng góp đất đai, vật chất cho sự phát triển chung của địa phương và thành phố. Để tiếp tục thực hiện có hiệu quả Chỉ thị 26-CT/TTg của Chính phủ, các cấp có thẩm quyền cần xem xét lại chính sách giá cả trong đền bù khi thực hiện các dự án có thu hồi đất cho công bằng, hợp lý; giải quyết dứt điểm các dự án kéo dài, chủ đầu tư không có năng lực thực hiện; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện các dự án, công tác giải toả, đền bù, tái định cư, qui trình, thủ tục thu hồi đất và cấp giấy chứng nhận sử dụng đất; có chính sách bồi dưỡng đối với cán bộ làm công tác hòa giải, giải quyết khiếu nại tố cáo ở cơ sở để động viên tinh thần và nâng cao vai trò của cán bộ trong thực hiện công tác này.

Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Lê Minh Trí, Thành ủy viên, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố nhấn mạnh: Qua 10 năm thực hiện Chỉ thị 26/2001/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, các cấp Hội Nông dân thành phố đã tham gia thực hiện một khối lượng công việc lớn. Việc hòa giải thành đến hơn 70% đơn thư khiếu nại, tố cáo có ý nghĩa quan trọng trong đời sống cộng đồng, làm cho những vụ tranh chấp được giải quyết ngay tại chỗ, giữ được tình làng, nghĩa xóm, tối lửa tắt đèn có nhau, góp phần nâng cao uy tín, vai trò của Hội Nông dân ở nông thôn. Hướng tới, các cấp Hội Nông dân cần tiếp tục phối hợp với các ngành chức năng, cơ quan Nhà nước tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật trong hội viên, nông dân gắn với tạo điều kiện, hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất, nâng cao chất lượng cuộc sống; lấy phòng ngừa, ngăn ngừa làm chính, xử lý kịp thời các vụ việc từ khi mới phát sinh, hạn chế đến mức thấp nhất các vụ khiếu nại, tranh chấp, giữ vững trật tự, kỷ cương, ổn định xã hội. Muốn làm được điều đó, đội ngũ cán bộ hội tham gia trong lực lượng hòa giải viên ở cơ sở phải lắng nghe nhiều kênh thông tin, nâng cao trình độ, kiến thức về pháp luật, năng lực thuyết phục; khi tham gia xử lý, giải quyết các vụ việc phải công tâm, công bằng, khách quan, thấu tình, đạt lý … Từ đó sẽ giúp cho nông dân hiểu biết pháp luật để chấp hành, biết luật để tự bảo vệ mình, nhận thức đúng sẽ dẫn đến hành động đúng.

Hoài Nguyễn

Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo