Thứ Hai, ngày 9 tháng 12 năm 2024

Quốc hội thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 9 luật

Quốc hội chiều 29/11

(Thanhuytphcm.vn) – Chiều 29/11, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật Đầu tư công (sửa đổi) với 441/448 đại biểu Quốc hội tham gia biểu quyết tán thành, chiếm 92,07% tổng số đại biểu Quốc hội.

Luật Đầu tư công (sửa đổi) gồm 7 chương, 103 Điều, quy định việc quản lý nhà nước về đầu tư công; quản lý và sử dụng vốn đầu tư công; quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân liên quan đến hoạt động đầu tư công.

Luật nghiêm cấm quyết định chủ trương đầu tư hoặc quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư không phù hợp với chiến lược, quy hoạch, kế hoạch; không xác định được nguồn vốn và khả năng cân đối vốn; không đúng thẩm quyền, trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật. Bên cạnh đó, nghiêm cấm lợi dụng chức vụ, quyền hạn để chiếm đoạt, vụ lợi, tham nhũng trong quản lý và sử dụng vốn đầu tư công; đưa, nhận, môi giới hối lộ; làm giả, làm sai lệch thông tin, hồ sơ, tài liệu liên quan đến quyết định chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư, triển khai thực hiện chương trình, nhiệm vụ, dự án; sử dụng vốn đầu tư công không đúng mục đích, không đúng đối tượng, vượt tiêu chuẩn, định mức theo quy định của pháp luật...

Đối với trường hợp điều chỉnh chủ trương đầu tư các dự án đã được quyết định chủ trương đầu tư trước ngày Luật có hiệu lực thi hành, cấp có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư theo phân cấp tại Luật quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án và chịu trách nhiệm về quyết định của mình, dự án quan trọng quốc gia đã được Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư thì Quốc hội quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án.

Chiều 29/11, Quốc hội cũng đã biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán, Luật Kế toán, Luật Kiểm toán độc lập, Luật Ngân sách nhà nước, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Luật Quản lý thuế, Luật Thuế thu nhập cá nhân, Luật Dự trữ quốc gia, Luật Xử lý vi phạm hành chính (Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 9 Luật) với 445/450 đại biểu Quốc hội tham gia biểu quyết tán thành, chiếm 92,90% tổng số đại biểu Quốc hội.

Đáng chú ý, mức phạt tiền vi phạm hành chính trong lĩnh vực kiểm toán độc lập tối đa là 2 tỷ đồng đối với tổ chức; 1 tỷ đồng đối với cá nhân. Thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kiểm toán độc lập là 5 năm. Chính phủ quy định chi tiết việc xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực kiểm toán độc lập.

Về đơn vị được kiểm toán, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo các cơ quan giải trình, tiếp thu đầy đủ ý kiến đại biểu Quốc hội theo hướng bỏ đối tượng “tổ chức khác có quy mô lớn phải kiểm toán báo cáo tài chính” để bảo đảm tính khả thi. Đồng thời, đề nghị Chính phủ đánh giá tác động kỹ lưỡng, thận trọng để quy định tại dự thảo Nghị định về quy mô của doanh nghiệp phải kiểm toán bắt buộc hằng năm.

Chiều cùng ngày, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư và Luật Đấu thầu (Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 4 Luật) với 444/446 đại biểu Quốc hội tham gia biểu quyết tán thành, chiếm 92,69% tổng số đại biểu Quốc hội.

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 4 Luật tạo thuận lợi cho việc phân cấp, phân quyền, đáp ứng yêu cầu cải cách hành chính và bảo đảm phù hợp với thực tiễn.

Đáng chú ý, về lựa chọn nhà thầu và nhà đầu tư trong trường hợp đặc biệt, bảo đảm linh hoạt trong điều hành, dự thảo Luật đã chỉnh lý theo hướng quy định nguyên tắc áp dụng lựa chọn nhà thầu trong trường hợp đặc biệt và giao Chính phủ quy định chi tiết. Đồng thời, để đáp ứng yêu cầu triển khai các dự án đặc thù, không thể thực hiện qua đấu thầu thông thường, dự thảo Luật đã bổ sung quy định về lựa chọn nhà đầu tư trong trường hợp đặc biệt theo hướng quy định nguyên tắc và giao Chính phủ quy định chi tiết Điều này nhằm bảo đảm linh hoạt, kịp thời sửa đổi, bổ sung khi cần thiết, đáp ứng yêu cầu cải cách hành chính và phù hợp với yêu cầu thực tiễn.

Dự thảo Luật cũng đã chỉnh lý nâng hạn mức chỉ định thầu từ 100 triệu lên 300 triệu đồng đối với gói thầu thuộc dự toán mua sắm không hình thành dự án, đồng thời không phân biệt hạn mức chỉ định thầu giữa các gói thầu sử dụng nguồn vốn chi thường xuyên và vốn đầu tư công; bổ sung trường hợp chỉ định thầu đối với gói thầu khai quật khảo cổ, phục hồi di tích cấp quốc gia, di tích cấp quốc gia đặc biệt và di sản văn hóa thế giới. Luật cũng sửa đổi quy định bảo đảm cạnh tranh giữa nhà thầu tham dự thầu và nhà thầu tư vấn trong cùng gói thầu đối với các gói thầu thuộc tập đoàn kinh tế nhà nước, công ty mẹ, công ty con; áp dụng phương thức một giai đoạn hai túi hồ sơ cho các gói thầu có yêu cầu kỹ thuật cao, công nghệ cao; cho phép cơ sở y tế công lập tự quyết định mua sắm thuốc, thiết bị y tế và vaccine dịch vụ…

Trung Kiên


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo