Các đại biểu Quốc hội bấm nút thông qua nghị quyết * Đề xuất bổ sung một đường băng ở sân bay Long Thành, giãn thời gian đến năm 2026
(Thanhuytphcm.vn) - Cuối giờ chiều 12/11, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025.
Mục tiêu tổng quát năm 2025 là năm tăng tốc, bứt phá, về đích; phấn đấu đạt kết quả cao nhất các mục tiêu, chỉ tiêu của Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025. Tiếp tục ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng trên cơ sở giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.
Các chỉ tiêu chủ yếu gồm: tốc độ tăng tổng sản phẩm trong nước (GDP) khoảng 6,5-7,0% và phấn đấu khoảng 7,0-7,5%; GDP bình quân đầu người đạt khoảng 4.900 USD; tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GDP đạt khoảng 24,1%.
Tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân khoảng 4,5%; tốc độ tăng năng suất lao động xã hội bình quân khoảng 5,3-5,4%; tỷ trọng lao động nông nghiệp trong tổng lao động xã hội đạt 25-26%; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt khoảng 70%, trong đó có bằng, chứng chỉ đạt khoảng 29-29,5%; tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị dưới 4%; tỷ lệ hộ nghèo (theo chuẩn nghèo đa chiều) giảm khoảng 0,8-1%.
Quốc hội cơ bản tán thành các nhiệm vụ, giải pháp do Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán Nhà nước trình và các cơ quan của Quốc hội kiến nghị, đồng thời đề nghị Chính phủ và các cơ quan liên quan có giải pháp mạnh mẽ, quyết liệt để tháo gỡ thể chế, khắc phục điểm nghẽn; đẩy mạnh hơn nữa việc rà soát, bổ sung, hoàn thiện thể chế, pháp luật, cơ chế, chính sách gắn với nâng cao hiệu lực, hiệu quả tổ chức thực hiện pháp luật; tập trung cắt giảm, đơn giản hoá thủ tục hành chính, quy định kinh doanh, tạo thuận lợi, tiết giảm chi phí cho người dân, doanh nghiệp.
Quốc hội cũng yêu cầu đổi mới tư duy trong xây dựng pháp luật theo hướng vừa bảo đảm yêu cầu quản lý nhà nước vừa khuyến khích sáng tạo, giải phóng toàn bộ sức sản xuất, khơi thông mọi nguồn lực; từ bỏ tư duy "không quản được thì cấm"; các quy định của luật phải ổn định, phổ quát, lâu dài, chỉ quy định những vấn đề khung, mang tính nguyên tắc; chủ động, tích cực, khẩn trương xây dựng hành lang pháp lý, cơ chế khuyến khích cho những vấn đề mới, dự án công nghệ cao, dự án lớn, xu hướng mới, tạo khung khổ pháp lý cho chuyển đổi số, tăng trưởng xanh, kinh tế tuần hoàn.
Cùng với đó, tập trung cắt giảm, đơn giản hoá thủ tục hành chính, quy định kinh doanh, không để phát sinh thủ tục, quy định kinh doanh, tiêu chuẩn, quy chuẩn, kỹ thuật mới không phù hợp, thiếu tính khả thi nhằm tạo thuận lợi, tiết giảm chi phí cho người dân, doanh nghiệp. Quốc hội yêu cầu chú trọng tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để phục hồi và phát triển ổn định, lành mạnh, bền vững các loại thị trường, nhất là thị trường tài chính, thị trường vàng, thị trường trái phiếu doanh nghiệp và thị trường bất động sản.
Bộ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải Nguyễn Văn Thắng trình bày tờ trình về việc điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành Tập trung nguồn lực, phấn đấu hoàn thành mục tiêu cả nước có 3.000 km đường bộ cao tốc vào năm 2025. Đẩy nhanh thủ tục chuẩn bị đầu tư các dự án hạ tầng giao thông chiến lược, quan trọng quốc gia; đặc biệt là các tuyến đường cao tốc giai đoạn 2026 - 2030, kịp thời nâng cấp, mở rộng một số tuyến đường cao tốc phân kỳ theo quy mô quy hoạch; phấn đấu hoàn thành thủ tục và khởi công đầu tư trong năm 2025 đối với tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng; chuẩn bị đầu tư tuyến đường sắt Lạng Sơn - Hà Nội và Móng Cái - Hạ Long - Hải Phòng và đẩy nhanh tiến độ chuẩn bị hoàn thiện thủ tục đầu tư toàn tuyến dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam…
Cuối giờ chiều 12/11, Bộ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải Nguyễn Văn Thắng, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày trước Quốc hội tờ trình về việc điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành.
Theo đó, Chính phủ kiến nghị Quốc hội xem xét, điều chỉnh về quy mô, thời gian thực hiện giai đoạn 1 như sau: “giai đoạn 1, đầu tư xây dựng 2 đường cất hạ cánh ở phía Bắc và 1 nhà ga hành khách cùng các hạng mục phụ trợ đồng bộ với công suất 25 triệu hành khách/năm, 1,2 triệu tấn hàng hóa/năm; chậm nhất cuối năm 2026 hoàn thành và đưa vào khai thác”.
Như vậy, so với hiện tại, Chính phủ đề nghị kéo dài tiến độ hoàn thành sang cuối năm 2026 thay vì cuối năm 2025 như hiện nay. Đồng thời, Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1 cũng bổ sung thêm 1 đường cất hạ cánh.
Thẩm tra, Ủy ban Kinh tế nhất trí với các đề nghị điều chỉnh trên của Chính phủ. Tuy nhiên, có ý kiến đề nghị làm rõ hơn các nguyên nhân chủ quan dẫn đến chậm tiến độ dự án; làm rõ trách nhiệm và bài học kinh nghiệm đối với việc tổ chức thực hiện dự án nói riêng và các dự án quan trọng quốc gia khác nói chung, bảo đảm sử dụng có hiệu quả ngân sách nhà nước.