PGS.TS Vũ Tuấn Hưng phát biểu tại Hội thảo. (Thanhuytphcm.vn) - Ngày 31/10, tại TPHCM, Viện Khoa học xã hội Vùng Nam bộ và Chi nhánh Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia Sự thật tại TPHCM tổ chức Hội thảo khoa học “Giải pháp thực hiện hiệu quả Nghị quyết 24-NQ/TW của Bộ Chính trị về Đông Nam bộ”.
PGS.TS Vũ Tuấn Hưng, Phó Viện trưởng phụ trách Viện Khoa học xã hội Vùng Nam bộ cho biết, Đông Nam bộ là vùng kinh tế năng động, sáng tạo, đi đầu trong đổi mới và phát triển, đóng góp lớn vào tăng trưởng kinh tế, xuất khẩu, thu ngân sách nhà nước và giải quyết việc làm. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, vùng Đông Nam bộ cũng còn nhiều hạn chế, thách thức lớn như tăng trưởng kinh tế của vùng có xu hướng chậm lại và thấp hơn cả nước; các công trình kết nối vùng, trọng điểm của khu vực triển khai tiến độ chậm; nguồn nhân lực chất lượng cao chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển...
Tại Hội thảo, các ý kiến đại biểu đã tập trung trao đổi, thảo luận, đánh giá thực tiễn và đưa ra nhiều khuyến nghị, tư vấn chính sách đối với các cơ quan, ban ngành, địa phương liên quan về trong việc triển khai, cụ thể hóa các nội dung của Nghị quyết 24-NQ/TW của Bộ Chính trị về “Phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.
Đề cập đến các chính sách đối với sự phát triển của khu vực Đông Nam bộ, PGS.TS Lê Thanh Sang, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học xã hội vùng Nam bộ cho rằng, cần quy hoạch phát triển cơ sở hạ tầng nội vùng và liên vùng đồng bộ. Trong đó, ưu tiên xây dựng các trục đường vành đai xuyên qua các tỉnh Đông Nam bộ để thúc đẩy liên kết vùng và tạo ra tác động tổng hợp có tính tối ưu và lan tỏa nhanh đối với các khu vực ven đô và nông thôn.
Các đại biểu tham dự Hội thảo. Nhấn mạnh về chính sách xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn mới, PGS.TS Lê Thanh Sang cho rằng cần chuyển từ trọng tâm là đáp ứng các nhu cầu dân sinh sang đáp ứng các yêu cầu sản xuất của nền kinh tế nông thôn gắn với quy hoạch tổ chức không gian sản xuất, đáp ứng các yêu cầu nông nghiệp công nghệ cao, hữu cơ và tuần hoàn. Cùng với đó, đối với chính sách an sinh xã hội cần tập trung vào việc cải thiện năng lực thích ứng và hội nhập của hộ di dân nông thôn, đặc biệt là của các dân tộc thiểu số, trong đó có các yếu tố đóng vai trò nổi bật là nội lực của hộ gia đình, sự hỗ trợ của cộng đồng, giáo dục của trẻ em và thông tin truyền thông chính sách.
Riêng công tác quy hoạch và thúc đẩy liên kết vùng, TS Phùng Ngọc Bảo, Trưởng Cơ quan thường trực Tạp chí Cộng sản tại miền Nam đề xuất, TPHCM và các địa phương trong vùng cần đẩy mạnh phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, làm động lực phát triển kinh tế của vùng và cả nước. Các địa phương cũng phải đổi mới tư duy, phương pháp lập quy hoạch; rà soát, nghiên cứu điều chỉnh quy hoạch TPHCM gắn với quy hoạch vùng Đông Nam bộ và triển khai các quy hoạch phân khu. Đồng thời, nghiên cứu tổ chức bộ máy quản lý đô thị đồng bộ theo vùng, ứng dụng công nghệ thông tin hiện đại (GIS), thu hút nhân lực quản lý chất lượng cao để khai thác tối đa các thế mạnh của vùng để phát triển.
Các đại biểu cũng đã nhấn mạnh đến các giải pháp xây dựng các cơ chế, chính sách khuyến khích, huy động hiệu quả các nguồn lực, nhất là nguồn vốn ngoài ngân sách nhà nước để đầu tư xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng kết nối vùng quan trọng, quy mô lớn và cho khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo…