Thứ Bảy, ngày 25 tháng 1 năm 2025

Quy hoạch tổng thể quốc gia: Hướng đến phát triển có trọng tâm, trọng điểm

Quốc hội sáng 7/1

(Thanhuytphcm.vn) - Tiếp tục chương trình kỳ họp bất thường lần thứ 2, sáng 7/1, Quốc hội thảo luận ở hội trường về Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Phát biểu tại hội trường, các đại biểu (ĐB) bày tỏ ấn tượng về sự bài bản, cầu thị của việc xây dựng quy hoạch thông qua việc trao đổi, tiếp thu ý kiến nhiều lần của Hội đồng thẩm định các bộ, ngành trung ương và địa phương, các chuyên gia, nhà khoa học trong nước và quốc tế. Qua thảo luận cho thấy, các đại biểu cũng góp ý nhiều nội dung để hoàn thiện nội dung quy hoạch, bảo đảm cho quy hoạch thực hiện khả thi.

Phát biểu tại phiên họp, ĐB Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) cho rằng, cần tính toán hiệu quả việc phát triển các vùng, ngành, lĩnh vực cụ thể như lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo, công nghiệp phụ trợ, tình trạng khai thác khoáng sản, tài nguyên dưới lòng đất... Về phát triển vùng, liên kết vùng, ĐB Phạm Văn Hòa cho rằng, cần đánh giá đầy đủ những bất cập chưa giải quyết được, để có định hướng toàn diện khắc phục. Liên kết vùng là vấn đề quan trọng, tuy nhiên đến nay liên kết còn lỏng lẻo, chưa chặt chẽ, cần có những giải pháp mạnh mẽ hơn, triệt để hơn, căn cơ hơn để phát huy hiệu quả.

Trong khi đó, ĐB Hà Sỹ Đồng (Quảng Trị) nhất trí với sự cần thiết thông qua Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050 tại kỳ họp này. Nhưng theo ĐB, quy hoạch đề cập hai kịch bản tăng trưởng, với các mục tiêu tăng trưởng GDP cụ thể. Về vấn đề này, ĐB Hà Sỹ Đồng cho biết, nếu nhìn vào mục tiêu đến năm 2045 trở thành có nước có thu nhập cao thì cần chọn phương án tăng trưởng cao. Tuy nhiên, nếu nhìn lại những tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19 đến kinh tế - xã hội thời gian qua, nếu chọn phương án tăng trưởng cao thì tính khả thi không cao.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng giải trình, làm rõ vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng giải trình, làm rõ vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm

ĐB nhấn mạnh, quy hoạch nhất là quy hoạch tổng thể quốc gia cần hạn chế thấp nhất việc phải điều chỉnh, không nên đưa những con số quá cụ thể, bởi mục tiêu cao nhất vẫn là tổ chức không gian phát triển hiệu quả, thống nhất trên quy mô toàn quốc. Còn nếu vẫn giữ các mục tiêu cụ thể, kịch bản tăng trưởng cao, cần làm rõ quy hoạch tổng thể quốc gia sẽ đóng vai trò cụ thể như thế nào để tạo ra những đột phá, những động lực hay những trụ cột chính góp phần vào thực hiện mục tiêu đó.

Đáng chú ý, ĐB Tạ Văn Hạ (Quảng Nam) đề nghị quan tâm hơn nữa đến chất lượng và tính khả thi của Quy hoạch tổng thể quốc gia. Còn ĐB Trần Anh Tuấn (TPHCM) đánh giá cao quy hoạch đã định hướng đến việc phát triển kinh tế Việt Nam định hướng theo kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế số... Theo ĐB, cần chú trọng đến 4 vùng kinh tế trọng lực. Trong đó, Hà Nội và TPHCM cần quan tâm hơn đến đường sắt đô thị, bởi hiện nay, việc phát triển đường sắt đô thị trong hai thành phố trên đang có hướng phát triển rồi nhưng các đô thị của những vùng động lực này cũng phải tính toán tới sự phát triển của các đường sắt đô thị, kết nối với hạt nhân đang phát triển là Hà Nội và TPHCM.

Ngoài ra, về hành lang kinh tế cần phải phát triển kinh tế theo trục Bắc - Nam, với hai hành lang quan trọng là Lào Cai, Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh ở phía Bắc và ở phía Nam là TPHCM, Bà Rịa - Vũng Tàu phải gắn với kinh tế cửa khẩu. Như vậy phải tính toán thêm về kinh tế mậu biên và cửa khẩu, vì kết nối kinh tế mậu biên và khu vực dọc biên giới, kinh tế biên giới cũng khá quan trọng, có sự giao thoa giữa giữa Việt Nam và các nước lân cận.

Nhiều ĐB cũng đề nghị cần lưu ý về phát triển nguồn nhân lực khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo có trình độ cao; nâng cao năng suất lao động, định hướng phát triển nguồn nhân lực; nghiên cứu rõ vấn đề tài nguyên, khoa học công nghệ để đảm bảo sự phát triển của đất nước; bổ sung các định hướng và các nội dung lớn về liên kết vùng…

Giải trình trước Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết quy hoạch tổng thể quốc gia là cơ sở để triển khai các quy hoạch trong hệ thống quy hoạch quốc gia và các quy hoạch khác, cũng như để thu hút đầu tư đầu tư cho các các thành phần kinh tế trong và ngoài nước. Các nội dung chi tiết về phân chia tiểu vùng trong các vùng, liên kết nội vùng, định hướng phát triển cụ thể của từng ngành, từng tỉnh sẽ được quy hoạch cụ thể hóa ở các quy hoạch cấp thấp hơn để tránh sự trùng lắp và chồng chéo về nội dung của các quy hoạch.

Đại biểu Trần Anh Tuấn - Đoàn ĐBQH TPHCM Đại biểu Trần Anh Tuấn - Đoàn ĐBQH TPHCM

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho hay quan điểm mới và quan trọng của quy hoạch lần này là phải hướng đến phát triển có trọng tâm, trọng điểm để tạo ra được động lực phát triển mới, đồng thời phải đảm bảo các vấn đề về an sinh xã hội và môi trường. Theo đó, phân chia ra 2 giai đoạn. Giai đoạn trước 2030 phát triển có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào một số địa bàn có điều kiện thuận lợi để hình thành các vùng động lực, các hành lang kinh tế, các cực tăng trưởng, thúc đẩy kinh tế phát triển nhanh và hiệu quả nhưng vẫn đảm bảo quan tâm các vấn đề về an sinh xã hội, môi trường, các đối tượng chính sách, những người nghèo, dân tộc thiểu số miền núi nhất là về y tế, giáo dục và văn hóa. Giai đoạn sau năm 2030 sẽ hướng đến phát triển cân bằng, hài hòa và bền vững giữa các vùng miền và địa phương.

Về hình thành và phát triển các vùng động lực, sẽ xác định là 4 vùng động lực, sau đó có 4 cực tăng trưởng. Bộ trưởng cũng cho biết thêm, trong quá trình phát triển, nếu thấy đủ điều kiện sẽ điều chỉnh và bổ sung các vùng động lực mới để phát huy được tối đa tất cả các lợi thế, tiềm năng, thế mạnh của các vùng, các địa phương chứ bó hẹp. Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nêu rõ, đã nghiên cứu kỹ lưỡng để lựa chọn kịch bản phát triển trên cơ sở đánh giá đầy đủ các yếu tố tác động, cân đối các nguồn lực phù hợp với cả các thực tiễn, đáp ứng được yêu cầu phát triển, bám sát để cụ thể hóa mục tiêu của Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII đã đưa ra.

Phát biểu kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo cơ quan thẩm tra phối hợp với cơ quan soạn thảo và các cơ quan liên quan nghiên cứu các ý kiến ĐB phát biểu tại hội trường và các ý kiến thảo luận tại tổ để khẩn trương tiếp thu, hoàn chỉnh Nghị quyết trình Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp này.

Trung Kiên


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo