Thứ Ba, ngày 28 tháng 1 năm 2025

Soạn giả Lê Thanh Tùng - nghệ nhân dành cả đời cho đờn ca tài tử

Nghệ nhân ưu tú, soạn giả Lê Thanh Tùng và học trò

(Thanhuytphcm.vn) - Cách chợ Hóc Môn (TPHCM) hơn 2 cây số, lớp dạy đờn ca tài tử của thầy Lê Thanh Tùng là điểm hẹn của những học trò đủ mọi nghề nghiệp, lứa tuổi cùng có chung niềm đam mê bộ môn nghệ thuật truyền thống của dân tộc. Người nghệ nhân ở quê hương “Mười tám thôn vườn trầu” nay đã bước sang cái tuổi thất thập cổ lai hi, song ngọn lửa đam mê đờn ca tài tử trong ông dường như chưa bao giờ giảm. Ông là nghệ nhân ưu tú, soạn giả Lê Thanh Tùng (tên thật là Lê Khắc Tùng).

Lớp học của nghệ nhân ưu tú, soạn giả Lê Thanh Tùng ở ấp Thới Tây 1, xã Tân Hiệp, huyện Hóc Môn, TPHCM hiện có 50 học viên từ 6 tuổi đến 70 tuổi đang học các loại đờn và ca vào các ngày trong tuần, do thầy Lê Thanh Tùng cùng với hai học trò là anh Đặng Thành Được và chị Nguyễn Thị Thu Hằng phụ dạy.

Soạn giả Lê Thanh Tùng kể, năm 8 tuổi ông bắt đầu học đờn kìm với thầy Huệ Trì ở chùa Giác Huệ tại xã Tân Hiệp. Sau 4 năm học tập và rèn luyện nghề, ông đã sử dụng thành thạo các loại đờn kìm, đờn tranh, đờn cò, đờn sến, violon, guitar Việt Nam, đờn tỳ bà, ống tiêu… Năm 18 tuổi, nhận thấy bản thân có năng khiếu về đàn, ca và có khả năng truyền dạy nên ông bắt đầu dạy đàn trong nhạc tài tử và ca cổ cho những bạn bè, con cháu đam mê đờn ca tài tử. Năm 1995, ông mở lớp truyền dạy tại Trung tâm Văn hóa huyện Hóc Môn. Năm 2000, ông cùng với nghệ sĩ ưu tú Ba Tu mở lớp dạy đờn ca tài tử cho tỉnh Long An và An Giang…

Trong khoảng thời gian khi còn công tác, với vai trò là Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa huyện Hóc Môn, soạn giả Lê Thanh Tùng thành lập được 2 câu lạc bộ sáng tác và 5 câu lạc bộ biểu diễn sân khấu. Các câu lạc bộ cải lương do ông đào tạo đã có nhiều đóng góp trong việc đi biểu diễn giao lưu và phục vụ đời sống tinh thần cho nhân dân trong huyện. Bên cạnh truyền dạy, ông còn tham gia sáng tác ca khúc nhạc tài tử với chủ đề ca ngợi tình yêu quê hương, đất nước, trong đó có nhiều bài ca do ông sáng tác đạt giải thưởng cấp Thành phố, các quận, huyện bạn như Thủ Đức, Củ Chi... Từ năm 2002 đến 2008, ông làm chủ nhiệm câu lạc bộ đờn ca tài tử của Trung tâm Văn hóa TPHCM với khoảng 300 thành viên.

Căn cứ vào bài bản của nhạc tài tử và những kinh nghiệm thực tiễn, ông đã biên soạn thành giáo trình để hướng dẫn cho học viên theo từng bước với phương pháp cụ thể và dễ hiểu nhất. “Đối với đàn, căn cứ vào giáo trình, đầu tiên người học đàn học nốt đàn trên từng cây đàn, kế tiếp là học cách lên dây đàn, tập nhịp và học bản đàn. Sau đó người học bắt đầu tập luyện ngón tay phải để khẩy đàn, ngón tay trái để nhấn và rung… Đối với ca, dựa vào tài liệu giáo trình, người học ca được hướng dẫn gạch nhịp để phân biệt nhịp nội và nhịp ngoại, sau đó sẽ học cách xướng âm. Giáo viên sẽ ca trước nhiều lần để người học cảm âm, sau đó người học sẽ được hướng dẫn để ca sao cho đúng nhịp…”, soạn giả Lê Thanh Tùng cho biết.

Lớp học đờn ca tài tử tại nhà Nghệ nhân ưu tú, soạn giả Lê Thanh Tùng Lớp học đờn ca tài tử tại nhà Nghệ nhân ưu tú, soạn giả Lê Thanh Tùng

Với quyết tâm và lòng đam mê đờn ca tài tử, từ ngày về hưu năm 2008, ông vẫn tiếp tục mở lớp dạy đờn, ca tại huyện nhà. Nhiều học trò do ông đào tạo đã vững về chuyên môn, đạt giải cao trong các cuộc thi. Ông còn tham gia làm cố vấn cho Nhà Thiếu nhi huyện Hóc Môn và Củ Chi trong việc mở lớp đào tạo cho thiếu nhi về đờn ca tài tử, làm giám khảo trong Liên hoan đờn ca tài tử giải Hoa sen vàng và Liên hoan đờn ca tài tử các xã nông thôn mới của TP…

Hiện tại lớp dạy đờn của thầy Tùng đủ mọi lứa tuổi, nghề nghiệp khác nhau. Như anh Lê Văn Úy, 51 tuổi, làm công nhân ngành điện, ở quận Tân Phú cách nhà thầy Tùng hơn 20 cây số vẫn đều đặn đến với lớp học mỗi tuần vì quá đam mê bộ môn nghệ thuật này. Còn bạn Văn Công Thắng, 29 tuổi, làm kỹ sư công nghệ thông tin của một công ty nước ngoài thì cho hay, mỗi khi bị áp lực công việc thường tìm đến lớp học, luyện đờn để cuộc sống cân bằng trở lại. Với tâm nguyện muốn đưa nhạc cụ dân tộc truyền dạy trong nhà trường, cô giáo Trần Thị Bích Thuần, giáo viên Trường Tiểu học Trần Văn Mười, huyện Hóc Môn chia sẻ, cô đã tìm đến lớp học của thầy Tùng được hơn một năm nay để học đàn tranh.

Bằng giọng bùi ngùi, soạn giả Lê Thanh Tùng nói: “Các thế hệ hiểu và tâm huyết với đờn ca tài tử không còn nhiều, số lượng câu lạc bộ đờn ca tài tử tại huyện Hóc Môn nói riêng và TPHCM nói chung hiện nay tuy đông nhưng chưa phát triển mạnh, các sân chơi dành cho loại hình nghệ thuật này cũng còn ít, không được đầu tư nhiều, vì thế nếu mà nỗi trăn trở lớn nhất hiện nay của tôi là làm sao chỉ dạy được cho nhiều thế hệ học trò để các em có sự hiểu biết và yêu mến nghệ thuật đờn ca tài tử. Tiếc là bộ môn này đến nay chưa được đưa vào giảng dạy trong các nhà trường”.

Nghệ nhân ưu tú, soạn giả Lê Thanh Tùng đã được trao tặng nhiều bằng khen, danh hiệu cao quý. Ông được phong Nghệ nhân ưu tú loại hình “Nghệ thuật trình diễn dân gian TPHCM” năm 2015; Bằng công nhận Nghệ nhân dân gian của Hội Văn nghệ dân gian 2012; Bằng khen của Thủ tướng tặng về việc có thành tích trong bảo tồn, phát huy nghệ thuật đờn ca tài tử Nam Bộ năm 2014; Bằng khen của UBND TPHCM tuyên dương Tấm gương thầm lặng cao cả; Huy chương Vì sự nghiệp văn hóa; Huy chương Vì thế hệ trẻ… Từ khi được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú, dù tuổi cao sức yếu nhưng soạn giả Lê Thanh Tùng vẫn không ngừng rèn luyện ngón đàn của mình. Ông đem hết những kiến thức, kinh nghiệm cũng như bí quyết đã tìm tòi được truyền dạy lại cho thế hệ trẻ và những người đam mê bộ môn nghệ thuật dân tộc này.

Anh Huy

Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo