Thứ Sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024

Sớm triển khai các giải pháp và mang lại cuộc sống tốt đẹp hơn cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt

Phó Chủ tịch Hội bảo vệ Quyền trẻ em TPHCM Phạm Đình Nghinh phát biểu tại tọa đàm

(Thanhuytphcm.vn) - “Cần thực hiện các chương trình truyền thông rộng rãi trong cộng đồng để nâng cao nhận thức về quyền lợi và nghĩa vụ liên quan đến cấp giấy khai sinh, mã định danh, đăng ký cư trú, căn cước công dân cho trẻ em và thanh thiếu niên có hoàn cảnh đặc biệt, từ đó, nhận được sự hỗ trợ và hợp tác từ gia đình và người bảo hộ” - đó là giải pháp được đại biểu đưa ra tại tọa đàm “Thực trạng và giải pháp công tác cấp giấy khai sinh, mã số định danh, đăng ký cư trú và thẻ căn cước cho trẻ em, thanh thiếu niên có hoàn cảnh đặc biệt” do Ban Văn hóa - Xã hội HĐND TPHCM phối hợp Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, Sở Tư pháp, Công an TPHCM, Hội bảo vệ Quyền trẻ em TP và Công đoàn viên chức TPHCM tổ chức sáng 21/11.

Cần cán bộ dám làm, đeo bám để trẻ em có giấy tờ tùy thân

Báo cáo tại tọa đàm, Phó trưởng Ban Văn hóa - Xã hội HĐND TPHCM Nguyễn Minh Nhựt cho biết, trong 7 tháng qua, Ban Văn hóa - Xã hội HĐND TP phối hợp với Sở Tư Pháp, Công an TP, các sở ngành có liên quan và chính quyền địa phương tổ chức khảo sát, rà soát và cấp các loại giấy tờ tùy thân cho các đối tượng đặc biệt này. Kết quả, tổng số trẻ em, thanh niên (16 - 18 tuổi) có hoàn cảnh đặc biệt và nguy cơ trong các cơ sở trợ giúp trẻ em, lớp học tình thương trên địa bàn TP theo danh sách 575 trường hợp. Qua rà soát đang thực tế cư trú trên địa bàn TP, có 405/444 trường hợp cấp giấy khai sinh, chiếm tỷ lệ 91,2%.

Trong đó, cấp số định danh cá nhân, 391/444 trường hợp, chiếm tỷ lệ 88%; giải quyết cư trú 391/391 trường hợp, chiếm tỷ lệ 100%; đăng ký thường trú 205/391, chiếm tỷ lệ 52,4%; vận động cấp Căn cước công dân/Căn cước 167/391, chiếm tỷ lệ 42,7%; chưa cấp giấy khai sinh 39/444 trường hợp, chiếm tỷ lệ 8,7%. Hiện nay, có 14/22 đơn vị quận, huyện đã giải quyết, vẫn còn 8 đơn vị chưa hoàn thành. Theo đồng chí Nguyễn Minh Nhựt, việc xác minh thông tin trẻ trong các trường hợp này gặp nhiều khó khăn và là áp lực lớn với cán bộ địa phương. Do đó, cần cán bộ dám làm, đeo bám để trẻ em có giấy tờ tùy thân.

Để giải quyết vấn đề, đồng chí Nguyễn Minh Nhựt cho rằng cần số hóa các dữ liệu để cán bộ công chức thuận tiện trong việc tiếp cận và truy xuất thông tin liên quan đến trẻ em chưa có giấy tờ tùy thân. Theo đồng chí, các trường hợp này rất khó, các quy định pháp luật có nhưng cán bộ, công chức có dám nghĩ, dám làm, dám đeo bám để trẻ em có giấy tờ tùy thân. Đồng chí Nguyễn Minh Nhựt đề nghị cần có cơ chế phối hợp giữa chính quyền địa phương với các cơ sở bảo trợ xã hội công lập, ngoài công lập để có thông tin trẻ em chưa có giấy tờ.

Đồng chí Nguyễn Minh Nhựt kiến nghị phối hợp chặt chẽ và tăng cường công tác kiểm tra, hướng dẫn các đơn vị trực thuộc của ngành Tư pháp và Công an TP trong việc xử lý, giải quyết hồ sơ, thủ tục đối với các trường hợp không có thông tin dân cư và các tình huống cụ thể liên quan đến các vấn đề về quốc tịch, hộ tịch và việc cấp Giấy khai sinh cho các nhân khẩu đặc biệt. Bên cạnh đó, thực hiện các chương trình truyền thông rộng rãi trong cộng đồng để nâng cao nhận thức về quyền lợi và nghĩa vụ liên quan đến cấp giấy khai sinh, mã định danh, đăng ký cư trú, căn cước công dân cho trẻ em và thanh thiếu niên có hoàn cảnh đặc biệt, từ đó nhận được sự hỗ trợ và hợp tác từ gia đình và người bảo hộ.

Nâng cao ý thức về quyền lợi và trách nhiệm đối với các trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt

Tại buổi tọa đàm, các đại biểu cho rằng, hiện nay, việc cấp giấy khai sinh, mã số định danh, đăng ký cư trú và thẻ căn cước cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt vẫn còn gặp nhiều trở ngại. Những vấn đề như thiếu giấy tờ chứng minh từ cha mẹ, khó khăn trong thủ tục hành chính và thiếu sự liên kết dữ liệu giữa các cơ quan đã khiến quá trình cấp giấy tờ trở nên phức tạp; đồng thời, nhận thức về tầm quan trọng của giấy tờ pháp lý ở một số gia đình, đặc biệt là gia đình di cư, còn hạn chế, dẫn đến tình trạng không làm giấy tờ cho trẻ em hoặc bỏ sót các thủ tục.

Theo Cục trưởng Cục Trẻ em, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đặng Hoa Nam, việc cấp giấy tờ tùy thân cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt là điểm nghẽn nhiều năm không chỉ ở TPHCM mà còn với các tỉnh, thành khác. “Việc không thể cấp giấy tờ tùy thân cho các trường hợp này dẫn đến việc nhiều trẻ em, thanh niên sống ngoài pháp luật và không được hưởng các chính sách, các quyền mà đáng lẽ phải được hưởng”- đồng chí Đặng Hoa Nam nhấn mạnh.

Đồng chí Đặng Hoa Nam cho rằng, cần rà soát và xử lý từng trường hợp trẻ em để đảm bảo ưu tiên không trẻ nào bị bỏ lại đằng sau. Đồng thời, tăng cường phối hợp liên ngành, đặc biệt giữa công an và tư pháp.

Phó Chủ tịch Hội bảo vệ Quyền trẻ em TPHCM Phạm Đình Nghinh cho rằng, bảo vệ trẻ em dù ở lĩnh vực nào cũng rất quan trọng, nhưng vấn đề pháp lý, giấy tờ tùy thân là cái gốc để bảo vệ quyền trẻ em. “Nếu không có giấy tờ tùy thân, trẻ em sẽ bị ảnh những quyền về giáo dục, y tế, chính sách an sinh xã hội,… Vì vậy, có nhiều cháu đến việc đi học cũng gặp khó khăn” - đồng chí  Phạm Đình Nghinh nêu thực tế.

Theo đồng chí Phạm Đình Nghinh, có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc các cơ quan còn gặp khó trong việc cấp giấy tờ tùy thân cho trẻ em. Cụ thể, do sự thiếu chủ động của chính gia đình, một số cơ sở trợ giúp trẻ em và địa phương trong việc làm giấy tờ, thủ tục hành chính; tính phức tạp của nhiều trường hợp từ thời ông, bà đã không có giấy tờ tùy thân.

Tại tọa đàm, các chuyên gia cho rằng, nguyên nhân chính gây ra tình trạng này bao gồm quy định pháp lý chưa đồng bộ, hạn chế trong nguồn lực của các cơ quan chức năng và thiếu phối hợp liên ngành. Đặc biệt, các quy định pháp lý hiện hành chưa có sự linh hoạt cho các trường hợp đặc biệt, trong khi nhiều gia đình và trẻ em không nhận được sự hỗ trợ cần thiết về thông tin và pháp lý.

Đại biểu phát biểu tại tọa đàm Đại biểu phát biểu tại tọa đàm

Phó Giám đốc Công an TPHCM Nguyễn Đình Dương đề nghị các đơn vị liên quan cùng phối hợp và tập trung giải quyết việc cấp giấy tờ tùy thân cho trẻ em. “Với các trường hợp nào đặc biệt khó khăn còn chưa giải quyết được, các đơn vị phải cùng ngồi lại với nhau, bàn thảo giải pháp và gỡ từng bước với mục đích cuối cùng để cho các em được có giấy tờ” - Phó Giám đốc Công an TPHCM Nguyễn Đình Dương nhấn mạnh.

Kết thúc buổi tọa đàm, Trưởng Ban Văn hóa - Xã hội HĐND TPHCM Cao Thanh Bình cho rằng, việc bảo đảm quyền lợi cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt là một nhiệm vụ ưu tiên và có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển toàn diện của xã hội. Do vậy, các cơ quan, đơn vị và địa phương cần xem việc cải thiện quy trình và triển khai quy chế phối hợp kịp thời đến cán bộ, công chức, viên chức ngành công an và tư pháp ở địa phương trong công tác cấp giấy tờ cho trẻ em đến là một nhiệm vụ trọng tâm, có tính chiến lược và cấp bách.

Đồng chí Cao Thanh Bình kêu gọi các cơ quan hành chính tăng cường cải cách thủ tục và đẩy mạnh áp dụng công nghệ số để rút ngắn thời gian và đảm bảo quy trình cấp phát giấy tờ diễn ra thuận lợi; đồng thời, cần triển khai các chương trình đào tạo nhằm nâng cao năng lực cán bộ trong việc xử lý các trường hợp đặc biệt, giúp họ hiểu và linh hoạt trong giải quyết từng trường hợp cụ thể. “Mỗi người, mỗi gia đình trong xã hội đều có vai trò quan trọng trong việc bảo vệ quyền lợi trẻ em” - đồng chí Cao Thanh Bình nhấn mạnh. Đồng chí kêu gọi cộng đồng nâng cao ý thức về quyền lợi và trách nhiệm đối với các trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, đặc biệt là việc đảm bảo các em được cấp giấy tờ đầy đủ. Đây là điều cơ bản để các em tiếp cận với các dịch vụ y tế, giáo dục và an sinh xã hội, giúp các em tự tin phát triển và hội nhập trong xã hội.

Với tinh thần trách nhiệm và quyết tâm, đồng chí Cao Thanh Bình mong rằng, TP sẽ sớm triển khai thành công các giải pháp và mang lại cuộc sống tốt đẹp hơn cho trẻ em và thanh thiếu niên có hoàn cảnh đặc biệt tại TPHCM.

Long Hồ


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo