Đại biểu Nguyễn Lân Hiếu (Bình Định)(Thanhuytphcm.vn) - Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 7, ngày 19/6, Quốc hội thảo luận về chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2035.
Các đại biểu (ĐB) Quốc hội cơ bản nhất trí với việc đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 – 2035. ĐB Trần Thị Hoa Ry (Bạc Liêu) nhấn mạnh, nếu tổ chức thực hiện hiệu quả Chương trình này sẽ giải quyết được những bất cập, hạn chế trong thực hiện chính sách phát triển văn hóa hiện nay, tạo nên bước chuyển biến mạnh mẽ và toàn diện trong phát triển văn hóa, nâng cao đời sống tinh thần, khả năng tiếp cận, thụ hưởng văn hóa của Nhân dân, khắc phục sự chênh lệch trong thụ hưởng văn hóa giữa các vùng, miền, các tầng lớp dân cư, góp phần bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa đặc sắc của dân tộc.
Một số ĐB khẳng định đây là một chương trình quan trọng, song cho rằng hồ sơ còn thiếu nhiều nội dung làm cơ sở để đánh giá tính khả thi của chương trình. ĐB Hoàng Đức Thắng (Quảng Trị) cho rằng, Chương trình hướng đến nhiều người dân, cộng đồng dân cư và các tổ chức thiết chế văn hóa trên phạm vi không gian rộng lớn. Do đó, sự tham gia của người dân và cộng đồng dân cư là cơ sở bảo đảm sự thành công của Chương trình nói riêng cũng như sự nghiệp văn hóa nói chung, với tư cách người dân là chủ thể sáng tạo, làm nên văn hóa và cũng là người thụ hưởng giá trị văn hóa mang lại. ĐB đề nghị rà soát, bổ sung các chính sách khuyến khích sự tham gia của đông đảo người dân, cộng đồng dân cư vào hoạt động văn hóa, sáng tạo văn hóa, thực hành văn hóa, lan tỏa, lưu truyền và phát triển giá trị văn hóa.
Các đại biểu dự họp Quốc hội ngày 19/6Cùng với đó là vị trí, vai trò của doanh nghiệp và các tổ chức kinh tế đối với Chương trình, cần khắc họa rõ nét hơn để khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực văn hóa thông qua các chính sách ưu đãi, hỗ trợ cho doanh nghiệp. ĐB Hoàng Đức Thắng cho rằng, điều này không chỉ tăng cường nguồn lực xã hội cho hoạt động văn hóa mà còn tạo ra sự gắn kết giữa phát triển văn hóa với phát triển kinh tế. Kinh tế phát triển nhất thiết phải có văn hóa, văn hóa phát triển nhất thiết phải có nguồn lực kinh tế hỗ trợ.
Quan tâm đến một nội dung cụ thể trong chương trình là việc xây dựng các trung tâm văn hóa Việt Nam ở nước ngoài, ĐB Nguyễn Lân Hiếu (Bình Định) nhận định, đây cũng không phải ý tưởng mới, vậy liệu có nguồn lực để duy trì hoạt động hay không, không khéo sẽ lại tồn tại lay lắt. Nhiều ĐB cũng cho rằng, nếu không được tính toán thận trọng, kỹ lưỡng thì chương trình sẽ bị chồng lấn với các chương trình đã và đang được thực hiện. Thực tế, trong 3 chương trình mục tiêu quốc gia đang triển khai đều có nội dung đầu tư về phát triển văn hóa nhưng cũng chưa được phát huy hiệu quả tốt nhất.
ĐB Trịnh Thị Tú Anh (Lâm Đồng) lưu ý, Chương trình yêu cầu 100% đơn vị hành chính cấp tỉnh có đủ 3 loại hình thiết chế văn hóa. Tuy nhiên, việc xác lập mục tiêu này đối với tất cả các vùng, miền, địa phương là chưa hợp lý. Vì vậy, cần xem xét, thiết kế chỉ tiêu phù hợp với đặc điểm của từng địa bàn cụ thể, theo hướng mỗi vùng, khu vực có đặc trưng riêng, cần có sự lựa chọn cốt lõi làm nền tảng để phát huy và bảo tồn giá trị văn hóa của vùng đó, bảo đảm tính đa dạng về văn hóa và tính khả thi.
Quốc hội ngày 19/6Mặt khác, chương trình cũng đề ra mục tiêu, ít nhất 95% di tích quốc gia quốc gia đặc biệt và 70% di tích quốc gia được tu bổ, tôn tạo. Tính đến năm 2020, nước ta có trên 40.000 di tích đã được kiểm kê theo Luật Di sản văn hóa, trong đó có 112 di tích quốc gia đặc biệt, khoảng 4.000 di tích quốc gia và nhiều di tích đang bị xuống cấp có nguy cơ hư hỏng, xuống cấp. Nhiều di tích đã được quan tâm tu bổ, nhưng một lượng lớn lại bị sửa chữa sai quy cách. Việc tu bổ, tôn tạo di tích là công việc phức tạp, cần nhiều thời gian để thực hiện, chi phí đầu tư lớn. Do đó, các ĐB đề nghị cần làm rõ cơ sở, căn cứ xác định và làm rõ tính khả thi của mục tiêu, đồng thời có giải pháp phù hợp để thực hiện thành công.
Theo tờ trình của Chính phủ, để triển khai chương trình mục tiêu quốc gia phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2035, cần huy động nguồn lực khoảng 122.250 tỷ đồng cho giai đoạn 2025-2030, trong đó vốn ngân sách trung ương hỗ trợ trực tiếp được bố trí tối thiểu khoảng 77.000 tỷ đồng (chiếm 63%). Chương trình có đối tượng thụ hưởng rất lớn là: cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài; đội ngũ văn nghệ sĩ, đội ngũ trí thức, nhân lực quản lý, đào tạo, nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực văn hóa; doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật; không gian văn hóa công cộng, không gian văn hóa cộng đồng; các cơ sở, điểm vui chơi giải trí cho trẻ em; các cơ sở giáo dục, đào tạo lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật...