Thứ Ba, ngày 7 tháng 1 năm 2025

Bài 2:

Sức sống mới trên biên giới Tây Nam Tổ quốc

Các đoàn đại biểu tham quan mô hình điểm dân cư liền kề Chốt dân quân biên giới trên địa bàn tỉnh Bình Phước.

(Thanhuytphcm.vn) - Tuyến biên giới Việt Nam - Campuchia thuộc 3 tỉnh Bình Phước, Long An, Tây Ninh, tiếp giáp với 5 tỉnh của Vương quốc Campuchia. Giờ đây những tuyến đường tuần tra phẳng lỳ, kiên cố đã hoàn thành, đi qua những cánh đồng lúa mênh mông và bạt ngàn cao su, các điểm dân cư liền kề chốt dân quân biên giới và đồn, trạm biên phòng được phủ lên màu xanh của mía, của mì cùng vườn cây trái, dáng dấp nông thôn mới bắt đầu hiện hữu. Đây là minh chứng cho chủ trương "Đưa dân lên biên giới" được hiện thực hóa mạnh mẽ nhờ sự vào cuộc trách nhiệm, đồng thuận cao của Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Quân khu và cấp ủy, chính quyền các tỉnh, thành phố trên địa bàn, tạo thành “phên dậu” vững chắc trên biên cương Tổ quốc.

Xóa dần “vùng trắng” về dân cư trên tuyến biên giới

Thời điểm 2019, tuyến biên giới Quân khu 7 còn 59 Chốt dân quân, đồn, trạm biên phòng biên giới chưa có dân sinh sống liền kề. Thực hiện Đề án số 811 ngày 1/4/2019 của Quân khu về Xây dựng Điểm dân cư liền kề Chốt dân quân biên giới; đồn, trạm biên phòng, từ nguồn kinh phí của Quân khu kết hợp huy động ngân sách các địa phương phía sau và các doanh nghiệp hỗ trợ để xây dựng mỗi điểm 5 căn nhà. Các tỉnh Bình Phước, Tây Ninh, Long An bố trí đất, làm đường giao thông, kết nối điện, bảo đảm các điều kiện sinh hoạt, việc làm, thủ tục pháp lý, hành chính cho người dân. Mỗi căn nhà được xây dựng có diện tích từ 65m2 - 75m2, kinh phí từ 120 - 140 triệu đồng/căn, trong đó Quân khu hỗ trợ 90 - 100 triệu đồng/căn, số còn lại do địa phương hỗ trợ. Đối tượng thụ hưởng là các đồng chí dân quân đang công tác tại các chốt dân quân biên giới, dân quân thường trực, dự bị động viên, gia đình cán bộ, quân đội, công an, biên phòng chấp hành tốt chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước và các quy định của địa phương.

Ngoài kinh phí hỗ trợ của Quân khu, cấp ủy, chính quyền địa phương trích kinh phí từ ngân sách địa phương, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng (điện, đường, nước sinh hoạt), cấp đất sản xuất nhằm bảo đảm cho các hộ dân an cư, lạc nghiệp. Đồng thời tặng thêm bò, dê, các loại gia súc, gia cầm, chuyển giao kỹ thuật, hỗ trợ chăn nuôi, trồng trọt, kết hợp tham gia thương mại, dịch vụ, tuyển dụng làm công nhân trong các khu công nghiệp, nhà máy chế biến ở khu vực biên giới, bảo đảm cuộc sống ổn định cho cư dân.

Thủ trưởng cơ quan Bộ Quốc phòng và lãnh đạo tỉnh Bình Phước thăm các hộ dân tại điểm dân cư xã Thanh Hòa, huyện Bù Đốp Thủ trưởng cơ quan Bộ Quốc phòng và lãnh đạo tỉnh Bình Phước thăm các hộ dân tại điểm dân cư xã Thanh Hòa, huyện Bù Đốp

Trong quá trình triển khai Đề án, tùy tình hình thực tiễn tại địa phương, mỗi tỉnh đều có lộ trình, cách làm phù hợp; nguồn kinh phí được quan tâm đầu tư thỏa đáng. Riêng tỉnh Long An, sau khi hoàn thành, tổng trị giá mỗi căn nhà từ 200 triệu đồng đến 1 tỉ đồng. “Hiện nay, UBND tỉnh đang đầu tư gần 170 tỉ đồng kết nối điện lưới quốc gia cho toàn tuyến biên giới của tỉnh và trên 22 tỉ đồng đầu tư cho nước sạch để từng hộ dân thụ hưởng có cuộc sống ổn định” - Chủ tịch UBND tỉnh Long An Nguyễn Văn Út cho biết.

Quân khu hiện đã xây dựng được 43 điểm/411 căn nhà liền kề chốt dân quân, với kinh phí 117 tỉ đồng; cuối năm 2023, sẽ xây dựng thêm tại mỗi điểm một điểm Trường Mầm non. Những điểm dân cư này đã góp phần từng bước xóa dần “vùng trắng” về dân cư trên tuyến biên giới, hướng tới bố trí dân cư đều khắp trên toàn tuyến. “Từ các điểm dân cư này, giúp các chiến sĩ dân quân tự vệ, biên phòng dựa vào dân để nắm tình hình, góp phần bảo vệ đường biên mốc giới. Người dân dựa vào các lực lượng của Quân đội để yên tâm lao động, sản xuất, tạo nên “phên dậu” vững chắc bảo vệ Tổ quốc” - Trung tướng Trần Hoài Trung, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Quân khu nhấn mạnh.

Trung tướng Nguyễn Doãn Anh, Phó Tổng Tham mưu trưởng QĐND Việt Nam tặng quà các hộ dân và các đơn vị tại điểm dân cư liền kề chốt dân quân biên giới, đồn, trạm biên phòng xã Thanh Hòa, huyện Bù Đốp Trung tướng Nguyễn Doãn Anh, Phó Tổng Tham mưu trưởng QĐND Việt Nam tặng quà các hộ dân và các đơn vị tại điểm dân cư liền kề chốt dân quân biên giới, đồn, trạm biên phòng xã Thanh Hòa, huyện Bù Đốp

An dân, giữ vững biên cương

Nơi vành đai biên giới huyện Bù Đốp, tỉnh Bình Phước, điểm dân cư liền kề chốt dân quân biên giới xã Thanh Hòa, là minh chứng cho việc người dân đã “an cư lạc nghiệp”. Giờ đã không còn đơn lẻ, điểm dân cư được quy hoạch và xây dựng thành thôn, ấp đông đúc với tổng số 51 hộ dân sinh sống. Đường vào thôn ấp được Quân khu và các cấp quan tâm hỗ trợ kinh phí, người dân góp sức, góp công cùng làm đẹp không gian sống trên vùng đất mới. Nét nổi bật ở đây là từ căn nhà được cấp, nhiều hộ dân đã đầu tư thêm hàng trăm triệu đồng để mở rộng nhà bếp, lót gạch sân, làm mái che, hàng rào cổng ngõ kiên cố, khang trang và một số công trình phụ khác. Đặc biệt, cuối tháng 6/2023, điểm dân cư này vinh dự được đón các đoàn đại biểu trong và ngoài quân đội từ các tỉnh, thành phố trên cả nước về tham quan, tìm hiểu, học tập mô hình.

Phấn khởi trước sự kiện này, ông Phạm Hữu Phụ, Tổ trưởng Điểm dân cư liền kề chốt dân quân biên giới Thanh Hòa cho biết: “Đây là kỷ niệm đáng nhớ với tất cả 51 hộ dân, tình cảm và sự quan tâm của Bộ Quốc phòng, Quân khu 7, tỉnh Bình Phước… Chúng tôi xác định vinh dự, tự hào gắn với trách nhiệm lớn lao, quyết tâm gắn kết tình làng nghĩa xóm, tích cực lao động sản xuất, kết hợp với các lực lượng bảo vệ bình yên biên giới và xây dựng nơi đây ngày thêm giàu đẹp”.

Trung tướng Nguyễn Trường Thắng, Ủy viên Trung ưogn Đảng, Tư lệnh Quân khu 7, tặng quà các đơn vị và các hộ dân tại điểm dân cư xã Thanh Hòa, huyện Bù Đốp Trung tướng Nguyễn Trường Thắng, Ủy viên Trung ương Đảng, Tư lệnh Quân khu 7, tặng quà các đơn vị và các hộ dân tại điểm dân cư xã Thanh Hòa, huyện Bù Đốp

Tại điểm dân cư Bình Thạnh xã Bình Thạnh, huyện Mộc Hóa, tỉnh Long An, có 7 hộ dân thì đều có kinh tế khá giả, tiêu biểu như gia đình gia đình ông Nguyễn Ngọc Minh (Sáu Minh) năm nay 60 tuổi, cùng vợ là bà Nguyễn Thị Mum (59 tuổi) được Quân khu 7 và tỉnh Long An hỗ trợ xây dựng nhà từ cuối năm 2020, trên tổng diện tích đất trồng lúa nước hơn 7ha của gia đình, ông đã mạnh dạn chuyển sang trồng cây ăn quả gồm bưởi da xanh, dừa, sầu riêng… Đến nay mô hình vườn - ao - chuồng, kết hợp chăn nuôi thỏ đã mang lại nguồn thu rất lớn cho gia đình ông, sau khi trừ chi phí đầu tư, mỗi năm lợi nhuận thu được từ 400 - 500 triệu đồng.

Tây Ninh là một trong 3 tỉnh biên giới thuộc Quân khu 7 xây dựng nhiều điểm dân cư biên giới. Từ năm 2019 đến nay, toàn tỉnh đã hoàn thành 21 điểm, 115 căn nhà, vượt chỉ tiêu 10 căn nhà so với Đề án Quân khu xác định. Các điểm, khu dân cư biên giới đều được bố trí liền kề các Chốt dân quân biên giới, đồn, trạm biên phòng tạo thành thế trận liên hoàn vững chắc. “Nhiều điểm dân cư đã phát triển thành cụm dân cư biên giới với hàng chục hộ dân đến sinh sống, lao động. Hiệu quả của đề án đã tạo sức sống vùng biên, góp phần thúc đẩy kinh tế, xã hội địa phương phát triển” - Phó Chủ tịch UBND huyện Bến Cầu, tỉnh Tây Ninh Nguyễn Thị Mai chia sẻ.

Hiện vẫn còn một số điểm dân cư liền kề chốt dân quân biên giới, đồn, trạm biên phòng gặp khó khăn về đất sản xuất, an sinh xã hội. Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Quân khu, Tỉnh ủy, UBND các tỉnh Tây Ninh, Bình Phước, Long An tiếp tục nghiên cứu, đề xuất đến Đảng, Nhà nước, các bộ, ban ngành Trung ương tháo gỡ, để ngày càng phát huy hiệu quả đề án, kiến tạo nên diện mạo mới về cuộc sống vùng biên, góp phần bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa.

Thế Anh

Bài 1: Vững vàng những “điểm tựa” vùng biên


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo