Các đại biểu Quốc hội tiến hành biểu quyết * Quốc hội thông qua việc thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương
(Thanhuytphcm.vn) - Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 30/11, với tỷ lệ tán thành cao, Quốc hội chính thức thông qua Luật Tư pháp người chưa thành niên.
Luật thể hiện tính nhân đạo, nhân văn sâu sắc. Việc Quốc hội xem xét, thông qua Luật Tư pháp người chưa thành niên tại kỳ họp này là một dấu ấn thể hiện sự đóng góp quan trọng của Quốc hội khóa XV về công tác cải cách tư pháp.
Luật này quy định về xử lý chuyển hướng, hình phạt đối với người chưa thành niên phạm tội; thủ tục tố tụng đối với người chưa thành niên là người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố, người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, người bị buộc tội, bị hại, người làm chứng; thi hành án phạt tù, tái hòa nhập cộng đồng đối với người chưa thành niên; nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân, gia đình trong hoạt động tư pháp người chưa thành niên.
Việc tiếp nhận, giải quyết nguồn tin về tội phạm, khởi tố, giải quyết vụ án hình sự, xử lý chuyển hướng, thi hành án phạt tù, tái hòa nhập cộng đồng đối với người chưa thành niên được áp dụng theo quy định của Luật này và theo quy định của Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng hình sự, Luật Thi hành án hình sự, luật khác không trái với quy định của Luật này.
Thủ tục tố tụng đối với người chưa thành niên phải bảo đảm đơn giản, thân thiện, phù hợp với tâm lý, lứa tuổi, mức độ trưởng thành và khả năng nhận thức của người chưa thành niên. Đồng thời bảo đảm công bằng, không kỳ thị, không phân biệt đối xử đối với người chưa thành niên; quan tâm đến nhu cầu chính đáng của người chưa thành niên về giới tính, của người chưa thành niên là người dân tộc thiểu số, đối tượng dễ bị tổn thương.
Đáng chú ý, Luật quy định 12 biện pháp xử lý chuyển hướng đối với người chưa thành niên phạm tội như: Khiển trách; Xin lỗi bị hại; Bồi thường thiệt hại; Giáo dục tại xã, phường, thị trấn; Quản thúc tại gia đình; Hạn chế khung giờ đi lại; Cấm tiếp xúc với người có nguy cơ dẫn đến người chưa thành niên phạm tội mới; Cấm đến địa điểm có nguy cơ dẫn đến người chưa thành niên phạm tội mới, Tham gia chương trình học tập, dạy nghề; Tham gia điều trị hoặc tư vấn tâm lý; Thực hiện công việc phục vụ cộng đồng; Giáo dục tại trường giáo dưỡng.
Mục đích xử lý chuyển hướng nhằm xử lý kịp thời và hiệu quả đối với người chưa thành niên; giúp người chưa thành niên thay đổi nhận thức, nhận biết, sửa chữa sai lầm đã gây ra, tự rèn luyện khắc phục, ngăn ngừa nguyên nhân dẫn đến hành vi phạm tội và giáo dục họ trở thành công dân có ích cho xã hội. Đồng thời, đẩy mạnh việc hòa giải giữa người chưa thành niên và bị hại bị ảnh hưởng bởi hành vi phạm tội của người chưa thành niên; nâng cao trách nhiệm của gia đình và cộng đồng tham gia trực tiếp vào hoạt động xử lý chuyển hướng.
Về thẩm quyền áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng, Luật quy định Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra, Viện trưởng, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát có thẩm quyền áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng tại cộng đồng, trừ trường hợp vụ án có yêu cầu giải quyết vấn đề bồi thường thiệt hại hoặc phải giải quyết vấn đề tịch thu tài sản. Thẩm phán, Hội đồng xét xử có thẩm quyền áp dụng các biện pháp xử lý chuyển hướng theo quy định.
Liên quan đến tách vụ án hình sự có người chưa thành niên, Luật quy định trong vụ án hình sự có bị can là người chưa thành niên và người thành niên thì Cơ quan điều tra tách vụ án hình sự để giải quyết vụ án độc lập đối với bị can là người chưa thành niên. Tài liệu, chứng cứ thu thập được trong quá trình giải quyết vụ án có người chưa thành niên và vụ án có người thành niên theo quy định được sử dụng trong quá trình giải quyết các vụ án này. Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao chủ trì, phối hợp với Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Bộ trưởng Bộ Công an và Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quy định chi tiết.
Quốc hội ngày 30/11 Về thủ tục xét xử thân thiện, Luật quy định phiên tòa phải được tổ chức xét xử thân thiện, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người chưa thành niên. Thẩm phán Chủ tọa phiên tòa mặc trang phục hành chính của Tòa án; Kiểm sát viên mặc trang phục phù hợp, không mặc trang phục Kiểm sát nhân dân.
Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2026.
Cũng trong sáng 30/11, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết thành lập Thành phố Huế trực thuộc Trung ương.
Theo Nghị quyết, thành lập Thành phố Huế là thành phố trực thuộc trung ương trên cơ sở toàn bộ diện tích tự nhiên là 4.947,11 km2 và quy mô dân số là 1.236.393 người của tỉnh Thừa Thiên - Huế.
Thành phố Huế giáp Thành phố Đà Nẵng, tỉnh Quảng Nam, tỉnh Quảng Trị; nước Cộng hoà dân chủ nhân dân Lào và Biển Đông. Nghị quyết này có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2025.
Quyết định thành lập Thành phố Huế trực thuộc trung ương có ý nghĩa hết sức quan trọng, ghi nhận và đánh dấu thành tựu nổi bật trong việc thực hiện chủ trương đẩy mạnh đô thị hóa gắn với phát triển kinh tế đô thị của cả nước.
Thành phố Huế được thành lập với nhiệm vụ trọng tâm là để bảo tồn, phát huy giá trị đặc sắc cố đô và di sản văn hóa vật thể đã được UNESCO công nhận nên về nguyên tắc sẽ không nhấn mạnh yêu cầu về tỷ lệ đô thị hóa mà chú trọng nhiều hơn cho việc bảo đảm chất lượng và tính bền vững trong phát triển đô thị.
Quốc hội cũng biểu quyết thông qua Nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị tại Thành phố Hải Phòng.