Thứ Ba, ngày 15 tháng 4 năm 2025

Tái cơ cấu các ngân hàng một cách hiệu quả và minh bạch

Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển thị trường tài chính và bất động sản toàn cầu phát biểu tại hội thảo

(Thanhuytphcm.vn) - Sáng 11/4, tại TPHCM, Báo Tiền Phong đã tổ chức hội thảo “Tái cơ cấu ngân hàng, làm sao đạt hiệu quả tối đa?” nhằm hỗ trợ các nhà đầu tư và cơ quan quản lý nhà nước tìm ra mô hình tối ưu để tái cơ cấu các ngân hàng một cách hiệu quả và minh bạch.

Theo ông Phùng Công Sưởng, Tổng Biên tập Báo Tiền Phong, lịch sử ngành ngân hàng Việt Nam đã chứng kiến nhiều đợt tái cơ cấu với những thành công và cả bài học kinh nghiệm sâu sắc. Việc nghiên cứu, phân tích kỹ lưỡng những tiền lệ này là vô cùng quan trọng để các chuyên gia, nhà quản lý đưa ra những quyết sách đúng đắn, hiệu quả cho giai đoạn hiện tại. Mục tiêu cuối cùng không chỉ là giúp các ngân hàng yếu kém vượt qua khó khăn mà còn là xây dựng một hệ thống ngân hàng Việt Nam ngày càng vững mạnh, minh bạch và đóng góp tích cực vào sự phát triển bền vững của nền kinh tế.

Trong bối cảnh ngành ngân hàng Việt Nam đang trải qua những giai đoạn quan trọng với nhiều nỗ lực tái cơ cấu mạnh mẽ, đặc biệt là việc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã công bố và hoàn tất chuyển giao bắt buộc đối với một số ngân hàng. Đồng thời tích cực tìm kiếm nhà đầu tư cho Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB), hội thảo được tổ chức nhằm tạo ra một diễn đàn chuyên sâu, nơi các bên liên quan có thể cùng nhau nhìn nhận, đánh giá và đề xuất những giải pháp tối ưu cho quá trình này.

Chia sẻ tại hội thảo, Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển thị trường tài chính và bất động sản toàn cầu cho biết, sau khi Luật sửa đổi Luật Tổ chức tín dụng ban hành năm 2024, NHNN đã hoàn tất việc chuyển giao bắt buộc bốn ngân hàng thương mại được kiểm soát đặc biệt. Cụ thể, Ngân hàng Xây dựng được chuyển giao cho Vietcombank và đổi tên thành VCBNeo; Oceanbank được chuyển giao cho MBBank và đổi tên thành Modern Bank of Vietnam; GPBank được giao cho VPBank; Đông Á Bank được chuyển giao cho HDBank và đổi tên thành Vikki Bank. Ngoài 4 ngân hàng 0 đồng này, Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) đang nằm trong diện kiểm soát đặc biệt.

Cũng theo chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu, sau 10 năm, cho đến năm 2024, 4 ngân hàng vẫn làm ăn thua lỗ và không vực lại được. Việc tái cơ cấu 4 ngân hàng qua việc NHNN mua lại với giá 0 đồng và giao lại cho một số ngân hàng lớn để tái cấp vốn và tái tổ chức được xem là thất bại. Theo chuyên gia, nguyên nhân sâu xa của sự thất bại, đó là sự thiếu nhất quán trong thiết kế chính sách, thiếu trách nhiệm trong quản trị, không minh bạch thông tin và thiếu sự giám sát chặt chẽ từ các bên liên quan, dẫn đến việc tái cơ cấu không đạt hiệu quả như mong muốn.

Quang cảnh hội thảo Quang cảnh hội thảo

Cụ thể, Luật sửa đổi cho phép ngân hàng nhận chuyển giao sở hữu 100% ngân hàng yếu kém mà không phải hợp nhất báo cáo tài chính. Đây là điều trái với nguyên tắc kế toán quốc tế, gây ra rủi ro khi ngân hàng mẹ hưởng lợi từ tài sản và nhân lực, nhưng lại không chịu trách nhiệm với lỗ lãi và rủi ro của ngân hàng con. Điều này dẫn đến sự “vô tâm” và thiếu trách nhiệm trong quản trị, làm mất đi ý nghĩa của tái cơ cấu.

Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI, Trọng tài viên VIAC cho rằng, “Chuyển giao bắt buộc” để cơ cấu lại ngân hàng thương mại là một khái niệm đã có trong Luật Các tổ chức tín dụng từ năm 2017. Tuy nhiên, cuối năm 2024 mới được áp dụng lần đầu tiên trên thực tế. Có khá nhiều vấn đề pháp lý chung quanh việc hình thành, thực hiện và lý giải về mô hình này.

PGS. TS. Nguyễn Đức Trung, Hiệu trưởng Trường Đại học Ngân hàng TPHCM cho rằng, câu chuyện 0 đồng là các ngân hàng được tái cơ cấu 2 năm nhưng không đủ sức vực dậy, buộc phải xử lý. Mục đích cơ bản là đảm bảo quyền lợi cho người gửi tiền, có người đứng ra nhận trách nhiệm nếu người gửi muốn rút tiền, không chỉ ở việc giúp ngân hàng từ yếu kém mạnh lên lập tức. Việc tái cơ cấu ngân hàng thành công hay không trong 10 năm qua cần xem xét ở nhiều góc độ. Theo ông Nguyễn Đức Trung, khi tái cơ cấu ngân hàng bảo vệ được người gửi tiền, không có cuộc xung đột nào với người gửi tiền. Điều đó chứng tỏ việc tái cơ cấu ngân hàng đã thành công.

Ông Nguyễn Xuân Thành - Giảng viên chính sách công, Đại học Fulbright Việt Nam cho biết, quy mô khu vực ngân hàng thương mại (NHTM) hiện có 35 ngân hàng, trong đó có 5 ngân hàng 0 đồng, yếu kém và được kiểm soát đặc biệt. Nhiều ngân hàng tốt cho cạnh tranh, tốt cho doanh nghiệp tiếp cận tín dụng, tốt cho người gửi tiền; tuy nhiên cũng rất thách thức cho việc quản lý, đảm bảo hoạt động an toàn bởi trong lĩnh vực ngân hàng thì rủi ro, thất bại thị trường rất lớn.

Tính từ năm 2010, hệ thống ngân hàng có sự tăng trưởng bùng nổ, thậm chí có ngân hàng tăng trưởng từ 10-15 lần trong 15 năm. Việc này tạo ra thách thức đối với việc quản lý nhưng đồng thời cũng là cơ hội, là cơ sở để chúng ta tái cấu trúc ngân hàng.

Minh Hiệp


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo