Các đại biểu tham dự hội thảo. (Thanhuytphcm.vn) - Ngày 6/12, Đại học Kinh tế TPHCM (UEH) đã tổ chức Hội thảo Khoa học Quốc gia với chủ đề “Đóng góp đường lối phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam giai đoạn 2025 - 2030”.
Ban tổ chức hội thảo đã nhận được hơn 80 bài tham luận bao quát các lĩnh vực đa dạng từ kinh tế vĩ mô, thể chế phát triển, đến đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, kinh tế xanh,…
Tại hội thảo, các tham luận tập trung về 3 nội dung chính. Trong đó, về lý luận về đường lối, chính sách và thể chế phát triển kinh tế - xã hội, các bài viết tập trung vào việc hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; nhấn mạnh vai trò lãnh đạo của Đảng trong việc đổi mới tư duy lý luận, đưa ra các bước đột phá trong cải cách thể chế và minh bạch hóa pháp luật. Đồng thời, các nội dung này cũng đề cao việc nâng cao chất lượng quản trị công, cải cách khu vực công nhằm gia tăng hiệu quả hoạt động và tối ưu hóa phân bổ nguồn lực xã hội. Mục tiêu là đưa Việt Nam thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình và đạt ngưỡng quốc gia thu nhập cao vào năm 2045.
Về mô hình tăng trưởng kinh tế dựa trên nền tảng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và phát triển bền vững, các đại biểu đề xuất Việt Nam cần chuyển đổi mô hình tăng trưởng dựa trên nền tảng khoa học và công nghệ, lấy đổi mới sáng tạo làm động lực chính để gia tăng hiệu suất. Đồng thời, chuyển dịch cơ cấu kinh tế gắn liền với kinh tế tuần hoàn, kinh tế số và kinh tế xanh được xác định là những trụ cột quan trọng để đảm bảo duy trì sự tăng trưởng kinh tế dài hạn và phát triển bền vững.
Đối với phát triển nguồn nhân lực, thúc đẩy các mối liên kết vùng và hợp tác quốc tế, các tham luận đề xuất các giải pháp xây dựng các cơ chế liên kết vùng, tận dụng tối đa tiềm năng và lợi thế của các vùng, tạo động lực thúc đẩy phát triển bền vững. Bên cạnh đó, việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, phù hợp với yêu cầu của thị trường lao động, được coi là chìa khóa nâng cao năng lực cạnh tranh của các vùng và quốc gia. Đồng thời, mở rộng hợp tác quốc tế không chỉ giúp tiếp cận công nghệ tiên tiến và tri thức toàn cầu mà còn tạo nền tảng vững chắc cho hội nhập quốc tế sâu rộng trong thời kỳ mới.