Thứ Ba, ngày 17 tháng 9 năm 2024

Tăng cường các biện pháp phòng chống dịch, thu dung điều trị giảm ca nặng và tử vong do bệnh sởi

Đồng chí Nguyễn Thị Liên Hương kiểm tra hoạt động phòng chống dịch sởi tại Bệnh viện Nhi đồng 1.

(Thanhuytphcm.vn) - Ngày 29/8, đoàn công tác Bộ Y tế do Thứ trưởng Nguyễn Thị Liên Hương làm trưởng đoàn đã đến kiểm tra hoạt động phòng chống dịch sởi tại Bệnh viện Nhi đồng 1. Tại buổi kiểm tra, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương nhấn mạnh đến việc tiếp tục tăng cường các biện pháp phòng chống dịch, thu dung điều trị giảm ca nặng và tử vong, kiểm soát lây nhiễm chéo, có phương án phối hợp với các bệnh viện khác trên địa bàn TP để hỗ trợ; không để xảy ra tình trạng dịch chồng dịch với tay chân miệng, sốt xuất huyết.

Các ca sởi nặng cần hồi sức đều không tiêm đủ 2 mũi vaccine

Báo cáo với đoàn công tác, TS.BS Ngô Ngọc Quang Minh, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng 1 cho biết, từ đầu năm đến tháng 6/2024, bệnh viện không có bệnh nhân sởi. Tuy nhiên sau đó, số ca sởi tăng cao theo đường thẳng đứng và cao nhất từ tháng 8 đến nay với 368 trường hợp, trong đó 11% bệnh nặng cần hồi sức. Bệnh nhân ở tỉnh chiếm 2/3 số bệnh nhi và hơn 50% là trẻ dưới 1 tuổi; tất cả các ca sởi nặng cần hồi sức đều không tiêm đủ 2 mũi vaccine. Hiện bệnh viện chưa ghi nhận ca tử vong vì bệnh sởi.

TS.BS Ngô Ngọc Quang Minh, ngay từ đầu năm bệnh viện đã ban hành kế hoạch phòng chống dịch, dự trù nhân sự, thuốc, vật tư và trang thiết bị, đặc biệt là các tình huống chi tiết để xử trí nhuần nhuyễn. Bệnh nhân sởi được phân luồng ngay tại Khoa Khám bệnh, có phòng khám sàng lọc sởi. Trong trường hợp trẻ bị suy hô hấp sẽ được chuyển vào phòng cách ly tại Khoa Cấp cứu. Việc chuyển bệnh được thực hiện bằng lối đi riêng lên khu cách ly sởi của Khoa Nhiễm - Thần kinh. Với các bệnh nhân ổn định, bác sĩ sẽ hướng dẫn cách ly chăm sóc tại nhà, tái khám tại phòng sàng lọc.

Công tác kiểm soát nhiễm khuẩn được thực hiện chặt chẽ xuyên suốt, tổ chức tiêm vaccine cho trẻ chưa chủng ngừa đầy đủ và nhân viên y tế tiếp xúc trực tiếp với bệnh nhân sởi.

TS.BS Ngô Ngọc Quang Minh đề xuất Bộ Y tế sớm cập nhật phác đồ điều trị sởi và cần cụ thể hơn 1 số nội dung đáp ứng thực tế lâm sàng. Cùng với đó là, tiếp tục tăng cường năng lực tuyến trước, hạn chế chuyển tuyến để giảm gánh nặng cho các bệnh viện trên địa bàn TPHCM.

PGS.TS.BS Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế TPHCM thông tin, tỷ lệ trẻ có kháng thể phòng bệnh sởi từ tháng 9/2022 đến tháng 4/2024 luôn thấp dưới 95%. Mẫu khảo sát mới nhất của Bệnh viện Nhi đồng 1 cũng cho thấy chỉ có 71% có trẻ kháng thể phòng sởi. Trước thực trang này, ngành y tế TP đã chủ động nhiều giải pháp để phòng chống dịch sởi trong đó có công tác tiêm vaccine.

Đồng chí Nguyễn Thị Liên Hương phát biểu tại buổi làm việc. Đồng chí Nguyễn Thị Liên Hương phát biểu tại buổi làm việc.

Không để xảy ra tình trạng dịch sởi chồng dịch với tay chân miệng, sốt xuất huyết

Tại buổi kiểm tra, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương đánh giá cao Bệnh viện Nhi đồng 1 có kế hoạch và phương án tốt, chủ động ứng phó phòng chống dịch. Trong đó, việc phân luồng ban đầu, hướng dẫn cho phụ huynh tự cách ly điều trị ở nhà với những ca sởi ổn định góp phần quan trọng giúp giảm tải tại bệnh viện.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương thông tin, 3 tháng đầu năm 2024, thế giới có gần 57.000 ca mắc sởi ở 45 quốc gia, bao gồm cả Việt Nam. Một số quốc gia đã ban bố tình trạng khẩn cấp với dịch sởi. Riêng đối với Việt Nam, số ca bệnh sởi gia tăng ở một số tỉnh thành, TPHCM cũng đã công bố dịch sởi, tình hình ngày càng khó khăn và thách thức.

Đồng chí Nguyễn Liên Hương đề nghị các cục, vụ của Bộ Y tế ghi nhận các ý kiến đề xuất của Bệnh viện Nhi đồng 1 và  kịp thời xem xét phối hợp giải quyết. Đối với Bệnh viện Nhi đồng 1, đồng chí đề nghị tiếp tục tăng cường các biện pháp phòng chống dịch, thu dung điều trị giảm ca nặng và tử vong, kiểm soát lây nhiễm chéo, có phương án phối hợp với các bệnh viện khác trên địa bàn TP để hỗ trợ; không để xảy ra tình trạng dịch chồng dịch với tay chân miệng, sốt xuất huyết. Cùng với đó, cần thường xuyên trao đổi thông tin với Cục Y tế dự phòng và các tỉnh thành nơi mà bệnh nhân sởi cư trú; đảm bảo thuốc và trang thiết bị phòng chống dịch, năng lực xét nghiệm. Đồng chí cũng nhấn mạnh đến việc tăng cường truyền thông phòng chống dịch sởi nhưng không gây hoang mang, tránh xáo trộn không cần thiết; tăng cường đào tạo năng lực cho các cơ sở y tế tuyến dưới, cơ sở tư nhân.

Đồng chí Nguyễn Thị Liên Hương lưu ý, TPHCM trong giai đoạn này ưu tiên tiêm vaccine phòng sởi cho trẻ từ 1 đến 5 tuổi, sau đó cần mở rộng cho trẻ trên 5 tuổi đến 10 tuổi, đồng thời tiêm cho nhân viên y tế chưa được chủng ngừa và nguy cơ cao.

S. Hải


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo