Thứ Ba, ngày 15 tháng 10 năm 2024

Tạo điều kiện tối đa để người nghèo dễ dàng tiếp cận các sản phẩm của Ngân hàng Chính sách Xã hội

Đồng chí Trần Văn Tiên phát biểu tại Hội nghị.

(Thanhuytphcm.vn) – Chiều 6/9, Thành ủy TPHCM tổ chức Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư (khóa XI) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội.

Đến dự có các đồng chí: Nguyễn Hồng Sơn, Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương; Trần Lan Phương, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam; Lê Thị Đức Hạnh, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Chính sách Xã hội (CSXH) Việt Nam.

Về phía lãnh đạo TPHCM tham dự có các đồng chí: Phan Văn Mãi, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TPHCM; Nguyễn Mạnh Cường, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng Ban Dân vận Thành ủy TPHCM; Trần Thị Diệu Thúy, Thành ủy viên, Phó Chủ tịch UBND TPHCM.

Thực hiện hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ

Báo cáo kết quả 10 năm thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW, Giám đốc Ngân hàng CSXH chi nhánh TPHCM Trần Văn Tiên cho biết, Ban Thường vụ Thành ủy TPHCM đã lãnh đạo, chỉ đạo UBND, các sở, ban, ngành và UBND các quận, huyện, TP Thủ Đức, Ủy ban MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội tổ chức học tập, quán triệt, tuyên truyền, triển khai thực hiện nghiêm túc, đạt hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về tín dụng CSXH. Từ đó, góp phần thực hiện hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ về giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, phát triển nguồn nhân lực, đảm bảo an sinh xã hội, ổn định chính trị, an ninh quốc phòng và phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn TP.

Các cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp đã coi việc lãnh đạo, chỉ đạo đối với hoạt động tín dụng CSXH là một trong những nhiệm vụ trong chương trình, kế hoạch hoạt động thường xuyên. Hàng năm, bố trí ngân sách bổ sung nguồn vốn cho vay các đối tượng CSXH trên địa bàn; đồng thời tạo điều kiện về địa điểm, phương tiện, an ninh, an toàn đối với các phiên giao dịch của Ngân hàng CSXH tại trụ sở UBND cấp xã, giúp cho việc triển khai tín dụng CSXH được thuận tiện, nhanh chóng và ngày càng gần dân hơn, tiết kiệm chi phí và thời gian đi lại của người dân.

Theo Ngân hàng CSXH chi nhánh TPHCM, đến ngày 31/8/2024, tổng nguồn vốn tín dụng CSXH tại Ngân hàng CSXH chi nhánh TP đạt 12.169 tỷ đồng, tăng 9.931 tỷ đồng (gấp 4,4 lần) so với thời điểm cuối năm 2014. Tổng doanh số cho vay từ đầu năm 2015 đến ngày 31/8/2024 đạt 25.815 tỷ đồng, với trên 582.000 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn; doanh số thu nợ đạt 16.446 tỷ đồng, bằng 63,7% doanh số cho vay. Đến ngày 31/8/2024, tổng dư nợ các chương trình tín dụng CSXH đạt 11.500,7 tỷ đồng, tăng 9.276,3 tỷ đồng so năm 2014, với 196.381 hộ nghèo và các đối tượng chính sách còn dư nợ, bình quân một hộ dư nợ đạt 59 triệu đồng, tăng 41,8 triệu đồng so năm 2014. 

Đối với chương trình cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm, dư nợ cho vay của chương trình đạt 8.546,3 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 74,3% tổng dư nợ, với 145.663 khách hàng đang vay vốn. Riêng chương trình cho vay hỗ trợ giảm nghèo đến nay, dư nợ chương trình đạt 1.653,3 tỷ đồng với với 32.683 hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ mới thoát nghèo các giai đoạn đang vay vốn.

Chương trình tín dụng học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, dư nợ cho vay đạt 624,9 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 5,4% tổng dư nợ với 12.675 khách hàng đang vay vốn. Chương trình tín dụng nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn được triển khai trên 5 huyện ngoại thành của TP, dư nợ đạt 526,3 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 4,6% tổng dư nợ, với 31.138 hộ đang vay vốn. Các chương trình tín dụng ưu đãi khác có dư nợ đạt 149,9 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 1,3% tổng dư nợ, với 2.418 khách hàng đang vay vốn.

Giúp trên 120.000 lượt hộ vượt qua ngưỡng nghèo

Theo đồng chí Trần Văn Tiên, cùng với các chính sách an sinh xã hội của TP, nguồn vốn tín dụng CSXH đã góp phần giúp trên 120.000 lượt hộ vượt qua ngưỡng nghèo các giai đoạn; thu hút, tạo việc làm, duy trì mở rộng việc làm cho gần 386.000 lượt lao động; giúp gần 500 người lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài; giúp hơn 23.490 lượt học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập. Cùng với đó là góp phần xây dựng, cải tạo hơn 215.100 công trình nước sạch và vệ sinh môi trường trên địa bàn 5 huyện ngoại thành của TP; hỗ trợ cho vay để sửa chữa, cải tạo 1.232 căn nhà cho người nghèo của TP...

Bên cạnh đó, nguồn vốn tín dụng CSXH cũng giúp cho 197 lượt doanh nghiệp vay vốn để phục hồi sản xuất, kinh doanh và trả lương cho hơn 67.200 lượt người lao động bị ảnh hưởng dịch Covid-19; giúp cho 141 cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học ngoài công lập bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 được vay vốn để sửa chữa cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế phòng, chống dịch và mua sắm thiết bị nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục để phục hồi, duy trì hoạt động,…

Các đại biểu tham dự Hội nghị Các đại biểu tham dự Hội nghị

Đại diện Ngân hàng CSXH chi nhánh TPHCM cho biết, Ban Thường vụ Thành ủy đề ra các nhiệm vụ tiếp tục chỉ đạo thực hiện công tác tín dụng CSXH trên địa bàn TP trong thời gian tới. Trong đó, phấn đấu 100% đối tượng tín dụng CSXH theo quy định của Chính phủ có nhu cầu và đủ điều kiện vay vốn đều được tiếp cận các sản phẩm, dịch vụ do Ngân hàng CSXH chi nhánh TP cung cấp theo kế hoạch hàng năm. Nguồn vốn ngân sách TP bổ sung hàng năm đáp ứng đủ nhu cầu vay vốn của hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo theo tiêu chí của TP và từng bước đáp ứng cơ bản nhu cầu vay vốn giải quyết việc làm cũng như nhu cầu của các đối tượng chính sách khác trên địa bàn, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới và đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn TP.

Một trong những nội dung khác là đơn giản hóa thủ tục, tiêu chuẩn hóa quy trình nghiệp vụ và đa dạng hóa các sản phẩm, dịch vụ theo lộ trình của Chiến lược phát triển Ngân hàng CSXH; duy trì, nâng cao hiệu quả hoạt động tại Điểm giao dịch cấp xã, tạo điều kiện tối đa để người nghèo và các đối tượng chính sách khác dễ dàng tiếp cận các sản phẩm, dịch vụ của Ngân hàng CSXH; hiện đại hóa các hoạt động nghiệp vụ, hội nhập với hệ thống ngân hàng trên địa bàn; đẩy mạnh công tác chuyển đổi số, ứng dụng tin học chuyên sâu vào hoạt động quản lý, điều hành tại đơn vị và hỗ trợ cho thành viên Ban đại diện các cấp; các Hội đoàn thể trong nắm bắt tình hình, chỉ đạo hoạt động của cơ sở.

Bên cạnh đó, tăng cường công tác kiểm tra giám sát, xử lý kịp thời các tồn tại phát sinh để ngày càng phát huy hiệu quả hoạt động, đảm bảo an toàn nguồn vốn; tích cực, chủ động phối hợp, lồng ghép có hiệu quả hoạt động tín dụng chính sách với hoạt động hỗ trợ kỹ thuật, chuyển giao công nghệ, khuyến công, khuyến nông, khuyến ngư và hoạt động của các tổ chức chính trị - xã hội nhằm mục tiêu giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, hạn chế tối đa nạn tín dụng đen, bảo đảm tốt nhất cho an sinh xã hội trên địa bàn.

S. Hải


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo