Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cùng các đại biểu tại phiên họp (Thanhuytphcm.vn) – Chiều 6/1, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi).
Báo cáo một số vấn đề lớn về việc tiếp thu, giải trình và chỉnh lý dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh cho biết, về đăng ký lao động, Thường trực Ủy ban Xã hội đã chỉnh lý theo hướng quy định rõ ràng, mạch lạc hơn về nguyên tắc đăng ký lao động, trình tự đăng ký, điều chỉnh thông tin và quyền, nghĩa vụ của người lao động trong đăng ký lao động.
Để tiếp tục hoàn thiện dự thảo Luật cũng như để quy định các nội dung thuộc thẩm quyền của Chính phủ, Thường trực Ủy ban Xã hội đề nghị Chính phủ, cơ quan chủ trì soạn thảo lưu ý, việc đăng ký, cập nhật thông tin của người lao động tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc phải bảo đảm không phát sinh chi phí hoặc chi phí phát sinh thì không lấy từ Quỹ Bảo hiểm xã hội. Việc xây dựng cơ sở dữ liệu về người lao động và hệ thống thông tin thị trường lao động sẽ có phát sinh lớn về chi phí và bộ máy hành chính. Do đó, đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo đánh giá tác động, dự kiến đầy đủ chi phí, bộ máy phát sinh, cân nhắc để quy định trong dự thảo Luật bảo đảm tính khả thi.
Về hỗ trợ tiền đóng bảo hiểm thất nghiệp, dự thảo Luật Chính phủ trình bổ sung chế độ hỗ trợ người sử dụng lao động khi sử dụng lao động là người khuyết tật thông qua việc hỗ trợ tiền đóng bảo hiểm thất nghiệp thuộc trách nhiệm của người sử dụng lao động. Thường trực Ủy ban Xã hội ủng hộ cần có chính sách này để hỗ trợ người sử dụng lao động nhận lao động là người khuyết tật, thể hiện chính sách ưu việt của Đảng và Nhà nước ta trong việc chăm lo đối tượng yếu thế.
Tham gia thảo luận tại phiên họp, về hỗ trợ tiền đóng bảo hiểm thất nghiệp, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga cho rằng, hiện nay, dự thảo Luật Chính phủ trình bổ sung chế độ hỗ trợ người sử dụng lao động khi sử dụng lao động là người khuyết tật thông qua việc hỗ trợ tiền đóng bảo hiểm thất nghiệp thuộc trách nhiệm của người sử dụng lao động. Quy định này thể hiện chính sách ưu việt của Đảng, Nhà nước trong việc chăm lo cho đối tượng yếu thế là người khuyết tật.
Đối với việc thực hiện tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp đề nghị, khi quy định về chức năng, nhiệm vụ, tên gọi của các tổ chức, nên quy định chung để đảm bảo linh hoạt trong quá trình sắp xếp. Đồng thời, cần bổ sung nguyên tắc, giao Chính phủ quy định về đảm bảo cân đối Quỹ bảo hiểm thất nghiệp trong các trường hợp sắp xếp lại tổ chức, bộ máy.
Phát biểu tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết, về đăng ký lao động, đây là việc rất cần thiết, không thể không làm, nhất là đối với lao động phi chính thức. Dự thảo Luật chỉ nêu các nguyên tắc trong đăng ký lao động, quản lý cơ sở dữ liệu lao động, còn các nội dung cụ thể, chi tiết hơn thì Chính phủ sẽ làm rõ trong các văn bản dưới luật.
Chiều cùng ngày, UBTVQH cho ý kiến với dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo.
Trình bày báo cáo một số vấn đề lớn về tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh cho biết, tiếp thu ý kiến đại biểu, dự thảo Luật chỉnh sửa, quy định nguyên tắc đối với yêu cầu có tính năng, biểu tượng dễ nhận biết cho phép người tiếp nhận quảng cáo tắt quảng cáo, thông báo nội dung quảng cáo vi phạm cho nhà cung cấp dịch vụ và từ chối xem nội dung quảng cáo không phù hợp. Về thời gian chờ tắt quảng cáo, 6 giây được đánh giá là khoảng thời gian đủ để người xem nhận biết về sản phẩm, dịch vụ, hàng hoá được quảng cáo và phù hợp với thông lệ quốc tế. Vì vậy, xin giữ quy định này và đề nghị Chính phủ quy định cụ thể về việc “tắt quảng cáo” trong văn bản hướng dẫn thi hành luật.
Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh trình bày Báo cáo Cho ý kiến với dự thảo Luật, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị, các cơ quan tiếp tục rà soát danh mục sản phẩm, hàng hóa dịch vụ đặc biệt... để Chính phủ ban hành nghị định, các bộ ban hành thông tư hướng dẫn, không để bỏ sót nội dung sau khi ban hành luật, gây khó khăn cho quá trình thực hiện.
Về quảng cáo mạng, xuyên biên giới, Chủ tịch Quốc hội đề nghị, các cơ quan tiếp tục nghiên cứu kỹ, tham khảo kinh nghiệm quốc tế, nhất là các quốc gia phát triển có thị trường quảng cáo chuyên nghiệp và hiện đại để hoàn thiện các quy định liên quan tại dự thảo Luật. “Phải tạo dựng một hành lang pháp lý đầy đủ, đồng bộ và thống nhất để quản lý quảng cáo” – Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, quảng cáo thuốc, thực phẩm chức năng hiện đang xuất hiện nhiều trên các phương tiện truyền thông và cũng là vấn đề liên quan mật thiết đến đời sống của người dân. Do đó, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cũng đề nghị, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cần phối hợp với Bộ Y tế và các cơ quan liên quan để hoàn thiện các quy định điều chỉnh đối với quảng cáo về thuốc, thực phẩm chức năng tại dự thảo luật, qua đó bảo đảm sẽ quản lý chặt chẽ hoạt động quảng cáo này. “Các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Quảng cáo phải có quy định để kiểm soát chặt chẽ nội dung quảng cáo thuốc, thực phẩm chức năng”, Chủ tịch Quốc hội lưu ý.