CNH-HĐH là nhiệm vụ trung tâm chiến lược phát triển kinh tế - xã hội
Trao đổi về Nghị quyết số 29-NQ/TW, ngày 17/11/2022, Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục đẩy mạnh CNH-HĐH đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, đồng chí Trần Tuấn Anh cho biết, CNH-HĐH là chủ trương xuyên suốt và nhất quán của Ðảng, Nhà nước ta trong quá trình xây dựng và phát triển đất nước. Vấn đề CNH-HĐH đất nước đã được đặt ra từ nhiều nhiệm kỳ Đại hội Đảng. Tuy nhiên, cho đến trước khi ban hành Nghị quyết 29-NQ/TW, Đảng ta vẫn chưa có nghị quyết riêng về nội dung này. “Có thể nói trong bối cảnh mới của tình hình trong nước, quốc tế, Nghị quyết này là cơ sở và căn cứ chính trị hết sức quan trọng trong định hướng các tư duy mới, chủ trương, nhiệm vụ, giải pháp đảm bảo có động lực thúc đẩy CNH-HĐH đất nước và các mục tiêu Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đã đề ra.” - đồng chí Trần Tuấn Anh khẳng định.
Đồng chí Trần Anh Tuấn đã nhấn mạnh đến 5 nhóm quan điểm chỉ đạo của Nghị quyết số 29–NQ/TW. Cụ thể, Nghị quyết đã làm rõ nội hàm và nhận thức về CNH-HĐH. Trong đó, Nghị quyết nêu rõ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước là quá trình chuyển đổi căn bản, toàn diện nền kinh tế và đời sống xã hội, dựa chủ yếu vào sự phát triển của công nghiệp và dịch vụ trên nền tảng khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo. “Điểm mới của Nghị quyết là nhận thức rõ quá trình CNH-HĐH phải là quá trình bao trùm các ngành, các lĩnh vực hoạt động của một quốc gia và đặt ra trong bối cảnh kỷ nguyên số, sự phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, sẽ là yếu tố quan trọng hàng đầu quyết định sự thành công CNH-HĐH.” – đồng chí Trần Tuấn Anh nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, Đảng ta cũng khẳng định đến vai trò vị trí tầm quan trọng CNH-HĐH với sự phát triển kinh tế - xã hội, coi CNH-HĐH là nhiệm vụ trung tâm chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, chủ động, tích cực hội nhập kinh tế sâu rộng phát triển nhanh bền vững để trở thành nước phát triển có thu nhập cao theo định hướng xã hội chủ nghĩa.
Nghị quyết cũng nêu rõ, đẩy mạnh CNH-HĐH đất nước là sự nghiệp của toàn dân và cả hệ thống chính trị, lấy con người là trung tâm, doanh nghiệp là chủ thể, bảo đảm hài hòa giữa phát triển kinh tế đi đôi với thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, bảo vệ môi trường; gắn kết chặt chẽ và đồng bộ với quá trình đô thị hóa, xây dựng nông thôn mới, đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế và chuyển dịch cơ cấu lao động.
CNH-HĐH phải khai thác và phát huy tốt nhất mọi tiềm năng, lợi thế của đất nước, của từng vùng và địa phương; lợi thế của nền kinh tế đi sau và đang trong thời kỳ dân số vàng; kết hợp đồng bộ, hiệu quả giữa phát triển tuần tự với đi tắt đón đầu; chuyển dịch nhanh từ gia công, lắp ráp sang nghiên cứu, thiết kế và sản xuất tại Việt Nam, tập trung phát triển một số ngành dịch vụ có lợi thế, có hàm lượng tri thức và công nghệ cao, chú trọng đẩy mạnh dịch vụ hóa các ngành công nghiệp. Coi phát triển công nghiệp chế tạo, chế biến là then chốt; chuyển đổi số là phương thức mới có tính đột phá để rút ngắn quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa; CNH-HĐH nông nghiệp, nông thôn là một trong những nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu.
Nhấn mạnh quan điểm chỉ đạo về lộ trình, bước đi, đồng chí Trần Tuấn Anh cho biết, Nghị quyết cũng nêu việc thực hiện CNH-HĐH cần có lộ trình và bước đi cụ thể, có trọng tâm, trọng điểm; ưu tiên nguồn lực, có các cơ chế, chính sách đột phá, phù hợp để phát triển các cực tăng trưởng, các ngành công nghiệp nền tảng, công nghiệp ưu tiên, công nghiệp mũi nhọn, công nghiệp hỗ trợ, các ngành dịch vụ có giá trị gia tăng cao; tăng cường liên kết ngành và liên kết vùng; xác định nguồn lực trong nước là cơ bản, chiến lược, lâu dài và quyết định, nguồn lực bên ngoài là quan trọng, đột phá; doanh nghiệp trong nước (bao gồm cả doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp tư nhân) là động lực chính, chủ đạo; doanh nghiệp FDI có vai trò quan trọng, đột phá.
Nghị quyết số 29-NQ/TW đã đặt mục tiêu tổng quát đến năm 2030 Việt Nam cơ bản đạt được các tiêu chí của nước công nghiệp, là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đời sống của Nhân dân được nâng cao. Xây dựng nền công nghiệp quốc gia vững mạnh với năng lực sản xuất mới, tự chủ, khả năng thích ứng, chống chịu cao, từng bước làm chủ công nghệ lõi, công nghệ nền của các ngành công nghiệp nền tảng, công nghiệp ưu tiên, công nghiệp mũi nhọn. Nông nghiệp phát triển nhanh, bền vững theo hướng sinh thái, ứng dụng mạnh mẽ khoa học - công nghệ tiên tiến. Các ngành dịch vụ được cơ cấu lại đồng bộ, hiệu quả trên nền tảng công nghệ hiện đại, công nghệ số với chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh được nâng cao, hình thành được nhiều ngành dịch vụ mới, có giá trị gia tăng cao. Tầm nhìn đến năm 2045 là Việt Nam trở thành nước phát triển, có thu nhập cao, thuộc nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu khu vực châu Á.
Đồng chí Trần Tuấn Anh truyền đạt chuyên đề: “Tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”. (Ảnh: VGP)Thúc đẩy ứng dụng mạnh mẽ khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo
Đồng chí Trần Tuấn Anh cũng đã trình bày về 10 nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu được nêu ra trong Nghị quyết số 29-NQ/TW. Trong đó, tập trung đổi mới tư duy, nhận thức và hành động quyết liệt; tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Cụ thể là xác định nội dung cốt lõi của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước giai đoạn 2021-2030 là thúc đẩy ứng dụng mạnh mẽ khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, nhất là thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, tạo ra bứt phá về năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của các ngành, lĩnh vực và cả nền kinh tế.
Cùng với đó là xây dựng và hoàn thiện thể chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Trong đó có hoàn thiện cơ chế, chính sách cho phát triển khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo phù hợp với thực tế Việt Nam và thông lệ quốc tế. Rà soát, hoàn thiện chính sách khuyến khích phát triển các ngành công nghiệp nền tảng, công nghiệp ưu tiên, công nghiệp mũi nhọn theo hướng không ưu đãi theo diện rộng, dàn trải đến các phân ngành công nghiệp, tập trung vào các lĩnh vực được xác định theo tiêu chí phù hợp cho từng giai đoạn; bổ sung các chính sách khuyến khích phát triển vùng nguyên liệu, công nghệ, vốn đầu tư, mua bán, sáp nhập doanh nghiệp... Có chiến lược, cơ chế, chính sách mới vượt trội, cạnh tranh quốc tế cao để thúc đẩy hình thành một số trung tâm du lịch, trung tâm logistics, trung tâm đổi mới sáng tạo tầm cỡ khu vực và quốc tế tại một số đô thị.
Một trong những nhiệm vụ giải pháp khác là xây dựng nền công nghiệp quốc gia vững mạnh, tự lực, tự cường; nâng cao năng lực ngành xây dựng. Ở nội dung này, Nghị quyết đã nêu rõ ưu tiên nguồn lực và có cơ chế, chính sách khuyến khích đủ mạnh để phát triển những lĩnh vực ưu tiên của các ngành công nghiệp nền tảng: luyện kim (ưu tiên phát triển thép hợp kim, thép đặc chủng phục vụ công nghiệp chế tạo máy thế hệ mới, nhất là cho quốc phòng, an ninh); cơ khí chế tạo (ưu tiên phát triển cơ khí chế tạo cho sản xuất máy nông nghiệp, ô-tô, tàu biển, thiết bị công trình, thiết bị năng lượng, thiết bị điện, thiết bị y tế); hóa chất (ưu tiên phát triển các loại hóa chất cơ bản, hóa dầu, hóa dược, phân bón); công nghiệp năng lượng (ưu tiên phát triển công nghiệp năng lượng tái tạo, năng lượng mới); vật liệu (ưu tiên phát triển vật liệu mới); công nghệ số (ưu tiên phát triển trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn, chuỗi khối, điện toán đám mây, internet kết nối vạn vật, thiết bị điện tử - viễn thông, thiết kế và sản xuất chíp bán dẫn). “Như vậy xương sống ngành công nghiệp quốc gia đã được xác định với 6 ngành công nghiệp này.” - đồng chí Trần Tuấn Anh cho hay.
Nhấn mạnh vai trò của CNH-HĐH nông nghiệp, nông thôn trong chiến lược CNH-HĐH đất nước, đồng chí Trần Tuấn Anh cho biết, Nghị quyết yêu cầu triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương Ðảng về nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Ưu tiên đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn, hạ tầng kết nối nông thôn với đô thị, nhất là hạ tầng thủy lợi, giao thông vận tải, hạ tầng thương mại, kho bãi, bảo quản, chế biến nông sản; đẩy nhanh xây dựng hạ tầng số và dữ liệu số nông nghiệp, nông thôn. Song song đó là phát triển khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo và nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa. “Đây là nhóm nhiệm vụ then chốt và phải tạo được sự bức phá.” – đồng chí Trần Tuấn Anh lưu ý.
Bên cạnh đó là phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại; thúc đẩy đô thị hóa nhanh và bền vững, gắn kết chặt chẽ và tạo động lực cho công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Phát triển các thành phần kinh tế nhằm thúc đẩy CNH-HĐH. Đổi mới chính sách tài chính, tín dụng thúc đẩy CNH-HĐH đất nước nhanh, bền vững. Quản lý, sử dụng hiệu quả, tiết kiệm tài nguyên, bảo vệ môi trường, chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu; tăng cường hội nhập quốc tế sâu rộng, hiệu quả đi đôi với bảo vệ và phát triển thị trường trong nước. Phát huy giá trị văn hóa, bản lĩnh, trí tuệ con người Việt Nam, xây dựng giai cấp công nhân hiện đại, lớn mạnh; đội ngũ trí thức và doanh nhân xung kích, đi đầu trong CNH-HĐH đất nước; bảo đảm tốt an sinh xã hội.