Thứ Năm, ngày 28 tháng 3 năm 2024

Tập trung cao giải quyết khó khăn cho doanh nghiệp, hỗ trợ thị trường bất động sản, tập trung giải ngân đầu tư công

Phiên họp trực tuyến Chính phủ với các địa phương. ​(ảnh: VGP)

(Thanhuytphcm.vn) – Sáng 3/6, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp thường kỳ tháng 5 trực tuyến với các địa phương.

Cùng dự phiên họp có các đồng chí: Lê Minh Khái, Bí thư Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ; Trần Hồng Hà, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ; Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an; Đại tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng…

Tham dự phiên họp tại điểm cầu TPHCM có đồng chí Phan Văn Mãi, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch UBND TPHCM.

Tháo gỡ khó khăn cho sản xuất công nghiệp

Chương trình phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5 tập trung 6 nội dung: tình hình kinh tế-xã hội (KT-XH) tháng 5 và 5 tháng đầu năm 2023; tình hình triển khai chương trình phục hồi và phát triển KT-XH; tình hình phân bổ, giải ngân vốn đầu tư công; Tình hình triển khai công tác lập quy hoạch theo quy định; Báo cáo tổng hợp kết quả làm việc của các thành viên Chính phủ chủ trình đôn đốc, làm việc với các địa phương về tình hình sản xuất, kinh doanh, đầu tư công, xây dựng hạ tầng, xuất nhập khẩu và kiến nghị, đề xuất theo Quyết định số 435/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Phát biểu khai mạc phiên họp, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5 được tổ chức trong thời điểm sau thành công của Hội nghị giữa nhiệm kỳ của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII và kỳ họp thứ 5, Quốc hội Khóa XV đang diễn ra với nhiều nội dung quan trọng, trong đó có nội dung thảo luận, đánh giá về tình hình KT-XH.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu khai mạc phiên họp, (ảnh: VGP) Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu khai mạc phiên họp, (ảnh: VGP)

Do cuộc họp thảo luận nhiều nội dung, đồng chí Phạm Minh Chính mong các đại biểu, địa phương dành thời gian, trí tuệ phân tích kỹ mặt làm được, nêu rõ hạn chế, khó khăn, thách thức, đánh giá khách quan về nguyên nhân khách quan, chủ quan, trên cơ sở đó đề ra các giải pháp tháo gỡ khó khăn, nhất là tháo gỡ khó khăn cho sản xuất công nghiệp, phân tích, chỉ ra nguyên nhân, nhất là nguyên nhân khách quan, đề ra giải pháp xử lý, tháo gỡ.

Báo cáo về tình hình KT-XH tháng 5 và 5 tháng đầu năm 2023, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nêu rõ, bên cạnh những kết quả tích cực đã đạt được, với vị thế là một nền kinh tế có độ mở lớn, quy mô còn khiêm tốn và năng lực cạnh tranh quốc tế còn hạn chế, kinh tế nước ta tiếp tục chịu ảnh hưởng nặng nề bởi bối cảnh kinh tế thế giới, nhất là xuất nhập khẩu, công nghiệp chế biến chế tạo, thu hút đầu tư…

Hoạt động sản xuất kinh doanh, sản xuất công nghiệp, xuất khẩu, thị trường bất động sản, đầu tư trong nước và thu hút FDI, tình hình doanh nghiệp (DN), lao động việc làm,… tiếp tục gặp nhiều khó khăn; khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế còn hạn chế. Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) 5 tháng giảm 2% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2022 tăng 8,1%). Du lịch có dấu hiệu chậm lại, khách quốc tế đến nước ta tháng 5 giảm 6,9% so với tháng trước. DN đối mặt với thách thức lớn để tồn tại, duy trì sản xuất kinh doanh, chờ đợi cơ hội tích cực hơn từ thị trường. Tính chung 5 tháng, có hơn 88 nghìn DN rút lui khỏi thị trường, tăng 22,6% so với cùng kỳ năm 2022. Do đó, cần có các giải pháp chỉ đạo, điều hành quyết liệt, chủ động, phối hợp nhịp nhàng, chặt chẽ hơn; phát huy kết quả đã đạt được, tranh thủ mọi nguồn lực, cơ hội, tận dụng thời gian để phục hồi kinh tế, thực hiện các giải pháp trong trung và dài hạn như tăng trưởng xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn,...

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 5/2023 tăng 0,01% so với tháng 4/2023, chủ yếu do giá lương thực, thực phẩm tăng, giá điện, nước sinh hoạt tăng do thời tiết nắng nóng kéo dài, tăng 0,4% so với tháng 12/2022 và tăng 2,43% so với cùng kỳ năm 2022. Bình quân 5 tháng đầu năm 2023, CPI tăng 3,55% so với cùng kỳ năm 2022, tiếp tục xu hướng giảm (4 tháng tăng 3,84%) dù đã điều chỉnh giá điện tăng 3% từ ngày 4/5/2023; lạm phát cơ bản tăng 4,83% (4 tháng tăng 5,9%, quý I tăng 5,01%). Trong mức tăng 0,01% của CPI tháng 5/2023 so với tháng trước, có 8 nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá tăng, 3 nhóm hàng có chỉ số giá giảm.

Tổng thu cân đối ngân sách nhà nước 5 tháng đầu năm ước đạt 778 nghìn tỷ đồng, bằng 48% dự toán, bằng 95,3% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, thu nội địa đạt 48,4% dự toán, bằng 98,5%; thu từ dầu thô đạt 61,6% dự toán, giảm 11,2%; thu cân đối ngân sách từ hoạt động xuất nhập khẩu đạt 44,55% dự toán, giảm 19,1% so với cùng kỳ năm 2022.

Cân đối ngân sách trung ương và ngân sách các cấp địa phương được đảm bảo. Tính đến ngày 25/5/2023, đã thực hiện phát hành gần 162,3 nghìn tỷ đồng trái phiếu Chính phủ, kỳ hạn bình quân 12,18 năm, lãi suất bình quân 3,8 %/năm.

Nhiều chuyển biến tích cực trong phát triển KT-XH

Báo cáo tại cuộc họp, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thấy KT-XH cả nước, trong đó có TPHCM chuyển biến khá tích cực trong 5 tháng đầu năm, đặc biệt trong tháng 5, các địa phương, cộng đồng DN và người dân có ấn tượng với Chính phủ, Thủ tướng, các thành viên Chính phủ trong nỗ lực ban hành các quyết sách tháo gỡ vướng mắc về thể chế, cũng như sự chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng, các Phó Thủ tướng, các thành viên các vấn đề đầu tư công, sản xuất kinh doanh, tháo gỡ thị trường bất động sản, chấn chỉnh kỷ cương cải cách hành chính, kết quả này rất nổi bật, lan tỏa trong cả hệ thống.

Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi phát biểu tại điểm cầu TPHCM Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi phát biểu tại điểm cầu TPHCM

Tại TPHCM cũng ghi nhận những chuyển biến tích cực trong phát triển KT-XH, sản xuất công nghiệp, bán lẻ, doanh thu hàng hóa, du lịch, giải ngân đầu tư công, khởi sắc trong thị trường tín dụng, trái phiếu DN, thị trường bất động sản, các lĩnh vực văn hóa-xã hội, quốc phòng-an ninh-đối ngoại có chuyển biến tích cực. Những kết quả này thể hiện dấu ấn các quyết sách vĩ mô của Chính phủ, cộng với nỗ lực của địa phương để đạt được kết quả này.

Đồng chí Phan Văn Mãi cho hay, trong những tháng đầu năm, đặc biệt trong tháng 5, TP đã tập trung cao tháo gỡ vướng mắc khó khăn cho DN. TP đã cùng với tổ công tác của Chính phủ tháo gỡ thị trường bất động sản và TP đang tập trung tháo gỡ các vướng mắc được thống kê theo từng sở, ngành, phân nhóm. TP cũng vừa củng cố, kiện toàn tổ giải quyết vướng mắc, bổ sung thêm thành viên, hàng tuần nghe giải quyết cụ thể theo từng nhóm vấn đề.

Tuy nhiên, tình hình TP cũng còn khó khăn, do tác động từ bên ngoài như tình hình kinh tế thế giới. DN còn khó khăn về đơn hàng, thủ tục PCCC, số thành lập mới có tăng nhưng quy mô vốn giảm. Do vậy, DN cần sự quan tâm hỗ trợ tiếp theo  của Chính phủ, chính quyền địa phương. Hiện thị trường phục hồi nhưng vẫn còn yếu như thị trường bất động sản, tín dụng, trái phiếu cần củng cố và phát huy. Tình hình thu ngân sách đang có xu hướng giảm, cần có biện pháp củng cố bảo đảm nuôi dưỡng nguồn thu, bảo đảm thu đủ không để sót.

Các đại biểu tham dự phiên họp tại điểm cầu TPHCM Các đại biểu tham dự phiên họp tại điểm cầu TPHCM

Về nhiệm vụ thời gian tới, Chủ tịch UBDN TP Phan Văn Mãi cho biết, TP sẽ tập trung sơ kết nửa nhiệm kỳ về KT-XH, gắn với triển khai mục tiêu nhiệm vụ Nghị quyết 24, Nghị quyết 31 của Bộ Chính trị, cụ thể hóa Nghị quyết mới thay thế Nghị quyết 54 khi được Quốc hội thông qua trong thời gian tới. 

Đồng thời, TP cũng tập trung cao giải quyết khó khăn cho DN, hỗ trợ thị trường bất động sản, tập trung giải ngân đầu tư công, dự kiến quý 2 đạt 35% tổng vốn đầu tư công (gần 26 ngàn tỷ), đây là nhiệm vụ cũng khó khăn. Dự kiến ngày 18/6 TP sẽ khởi công dự án Vành đai 3.

Trong thời gian tới, TP sẽ triển khai các chương trình khuyến mãi, kích cầu tiêu dùng, kích cầu du lịch. Trong 3 tháng hè khuyến khích du lịch, tiêu dùng và tập trung cao chăm lo an sinh xã hội dự báo còn khó khăn trong thời gian tới.

Chủ tịch UBND TP Phan Văn Mãi cũng nêu một số kiến nghị đến Thủ tướng Chính phủ:  kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo quyết liệt các chính sách đã hình thành từ đầu năm, hỗ trợ để TP có nghị định hướng dẫn về cơ chế đột phá cho TP, thúc đẩy hoàn thiện đề án Trung tâm tài chính quốc tế để trình vào kỳ họp Quốc hội cuối năm. Đề nghị Thủ tướng Chính phủ sớm phê duyệt kế hoạch sắp xếp DN có vốn Nhà nước tại TP.

Liên quan đến cơ chế bảo vệ người dám nghĩ, dám làm, TPHCM kiến nghị Chính phủ có chuẩn bị để Quốc hội có Nghị quyết về vấn đề này, như thế hành lang pháp lý rộng hơn, toàn diện hơn.

Minh Hiệp


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo