Thứ Bảy, ngày 27 tháng 7 năm 2024

Thay đổi văn hóa “doanh nghiệp phải đi xin, đi chạy”

Đại biểu Trịnh Xuân An (Đồng Nai)

(Thanhuytphcm.vn) - Chiều 31/5, Quốc hội tiếp tục thảo luận về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2023.

Tham gia thảo luận, các đại biểu (ĐB) đều khẳng định: cử tri và nhân dân ghi nhận những nỗ lực của Chính phủ trong thời gian qua, đặc biệt trong việc giải quyết chính sách cho người lao động. Tuy nhiên, nhiều ĐB đều bày tỏ lo lắng đến tình hình khó khăn hiện nay, khi mà số doanh nghiệp (DN) thành lập mới và quay trở lại thị trường giảm, tình hình sản xuất kinh doanh của nhiều DN bị thua lỗ, số DN phá sản tăng, người lao động thiếu việc làm, giảm thu nhập, tình hình rút bảo hiểm xã hội một lần vẫn đang tăng. Thất nghiệp, thiếu việc làm dẫn đến tình trạng mất an toàn xã hội, gây nguy cơ tăng tỷ lệ tội phạm, vi phạm pháp luật.

Về vĩ mô, GDP quý I là 3,32%, với mức thấp như vậy, để đạt được mục đích 6,5% cho cả năm, các ĐB cho rằng cần phải có quyết tâm và nỗ lực thật cao thì mới đạt được mục tiêu (mỗi quý còn lại phải đạt 7,5%). Cần phải tập trung theo dõi sát diễn biến tình hình kinh tế trong nước và trên thế giới để có giải pháp chính sách chủ động, kịp thời. Đồng thời, chú trọng củng cố, tăng cường nền tảng kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, nâng cao năng lực nội tại và tính tự chủ của nền kinh tế, phát huy tối đa nguồn lực nội tại để phát triển.

Đại biểu Phan Thị Mỹ Dung - Long An Đại biểu Phan Thị Mỹ Dung - Long An

ĐB Phan Thị Mỹ Dung (Long An) cho biết, cử tri, người lao động đang rất mong chờ các quyết sách để giải quyết vấn đề lao động, việc làm, bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội, đặc biệt là muốn được tiếp cận với nguồn nhà ở xã hội. ĐB đề nghị Chính phủ đánh giá toàn diện hơn về vấn đề này, phân tích rõ độ vênh trong các báo cáo của Chính phủ với các số liệu thực tế về tình hình kinh tế, sản xuất công nghiệp, lao động việc làm, theo dõi sát sao, nhìn nhận cầu thị tình hình thực tiễn, phân tích rõ các nguyên nhân khách quan, nguyên nhân chủ quan. Từ đó rút ra bài học kinh nghiệm để chủ động, kịp thời đề ra các giải pháp căn cơ, giải quyết hiệu quả tình hình lao động việc làm, đảm bảo an sinh xã hội.

ĐB Hà Ánh Phượng (Phú Thọ) đề nghị Chính phủ rà soát, đánh giá để có giải pháp tháo gỡ ngay điểm nghẽn trong việc thực hiện chính sách hỗ trợ lãi suất 2%, khơi thông dòng vốn phục hồi và phát triển kinh tế.

Một số ĐB phản ảnh tình trạng việc thực hiện Thông tư của Bộ Xây dựng về Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn phòng cháy chữa cháy cho công trình đã khiến không ít DN kinh doanh gặp khó khăn, gây đình trệ trong sản xuất kinh doanh. Dù Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, nhưng việc triển khai rất chậm, các bộ ngành cần khẩn trương rà soát thực hiện chỉ đạo của Chính phủ để giảm bớt khó khăn cho doanh nghiệp. Theo ĐB Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp), cần tháo gỡ ngay khó khăn, vướng mắc những quy định về phòng cháy, chữa cháy, tiêu chuẩn, quy chuẩn ban hành, không phân biệt quy mô dự án, tính chất công trình chưa tính đến khả năng khi áp dụng vào thực tiễn. Nếu không có sự thay đổi về tiêu chuẩn, quy chuẩn thì sẽ có hàng nghìn DN, cơ sở DN phải đóng cửa.

Đại biểu Tạ Thị Yên - Điện Biên Đại biểu Tạ Thị Yên - Điện Biên

ĐB Phạm Văn Hòa cũng đề nghị Chính phủ chỉ đạo giải ngân quyết liệt giải ngân đầu tư công, nhất là các chương trình mục tiêu quốc gia, các công trình giao thông trọng điểm. Khắc phục tình trạng vốn chờ công trình. Kiên quyết điều chuyển vốn đầu tư công bị chậm giải ngân. Có giải pháp hữu hiệu để sớm khó khăn, vướng mắc trong đăng kiểm. Cùng với đó, tập trung giải quyết các giải pháp hỗ trợ DN, giảm, giãn, thuế, phí cho DN để khuyến khích họ quay trở lại hoạt động.

ĐB Tạ Thị Yên (Điện Biên), Phó Trưởng Ban Công tác đại biểu cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, cần đặc biệt chú trọng tới công tác đánh giá, phân tích, dự báo thị trường cả trong và ngoài nước, nhất là khi có những biến động lớn về thị trường xuất, nhập khẩu bị thu hẹp, đơn hàng giảm, cạnh tranh trên thị trường quốc tế gia tăng. Làm sao để cho dù tình hình kinh tế - chính trị thế giới biến động phức tạp thế nào đi nữa cũng không để xảy ra tình trạng “vượt quá khả năng dự báo”. Hạn chế tối đa những bất cập trong phân tích, dự báo tình hình, trong đề xuất và triển khai thực hiện các kế hoạch trong ngắn hạn cũng như dài hạn, nhằm nâng cao khả năng chống chịu và phản ứng trước các cú sốc từ bên ngoài. Cùng quan điểm, ĐB Khang Thị Mào (Yên Bái) đề nghị tăng cường công tác dự báo trong lĩnh vực xuất khẩu để tránh tình trạng mất cân đối cung cầu, gây khó khăn cho việc tiêu thụ sản phẩm trong nước.

ĐB Trịnh Xuân An (Đồng Nai) cũng cho rằng, trong bối cảnh khó khăn hiện nay, cần thay đổi văn hóa “DN phải đi xin, đi chạy”. Chính quyền, nhà quản lý cần thể hiện thái độ “phụng sự DN”, chủ động, thực tâm, thực lòng đến với DN để gỡ khó.

Quốc hội chiều 31/5 Quốc hội chiều 31/5

Về các vấn đề xã hội, đáng chú ý, ĐB Hà Ánh Phượng (Phú Thọ) kiến nghị Chính phủ xem xét có chính sách miễn giảm học phí và hỗ trợ tiền ăn trưa cho tất cả trẻ em trong độ tuổi mầm non ở các xã đặc biệt khó khăn. Điều này sẽ giúp cha mẹ các em yên tâm sản xuất, ổn định đời sống. ĐB Nguyễn Quốc Luận (Yên Bái) cũng cho rằng, hiện nay, nguồn lực giáo viên để phục vụ cho công tác giảng dạy theo chương trình mới ở nhiều địa phương còn thiếu. Vì vậy, đề nghị Chính phủ tạo điều kiện để các địa phương có thể tự tuyển chọn giáo viên Tiểu học theo tiêu chuẩn như giai đoạn trước, các địa phương sẽ có lộ trình đào tạo, bồi dưỡng đến năm 2030.

ĐB Thạch Phước Bình (Trà Vinh) thì lo ngại về thực trạng hút thuốc lá ở Việt Nam đang gây ra nhiều hệ lụy trong xã hội. Chính phủ cần có những nỗ lực mạnh mẽ hơn nữa để có thể đạt được mục tiêu giảm thiểu sử dụng thuốc lá 30% tương đối vào năm 2030 so với tỷ lệ của năm 2015; tổng kết, đánh giá việc thực hiện Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá năm 2012 để phát huy kết quả đạt được, cũng như khắc phục những bất cập, hạn chế nếu có.

Trung Kiên


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo