Chủ Nhật, ngày 15 tháng 9 năm 2024

Thêm một công trình nghiên cứu về Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh

Bìa sách “Nghệ thuật tuyên truyền trong văn chính luận Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh”

(Thanhuytphcm.vn) - Trong một cuộc hội thảo về Chủ tịch Hồ Chí Minh, Giáo sư - nhà cách mạng lão thành Trần Văn Giàu có phát biểu: “Khai thác, nghiên cứu về Hồ Chí Minh là một đề tài không bao giờ cạn”.

Thực tế đã cho thấy như đúng vậy. Ở Người - danh xưng “Anh hùng Giải phóng dân tộc” và “Danh nhân Văn hóa thế giới” là hai cống hiến to lớn cho nhân loại được UNESCO tôn vinh. Sự kết tinh này trong một con người quả thật là vô cùng quý hiếm.

Đã có bao nhiêu công trình nghiên cứu cả tổng quát và chuyên sâu về sự nghiệp hoạt động của Hồ Chí Minh trên các lĩnh vực? Nguồn mạch tư tưởng, đạo đức, phong cách mà Người để lại là nguồn cảm hứng sáng tạo cho các thế hệ nghiên cứu khoa học, đặc biệt là những người trẻ tuổi. Công trình “Nghệ thuật tuyên truyền trong văn chính luận Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh” của tác giả - TS Phạm Thị Như Thúy (Ủy viên chuyên trách Hội đồng Lý luận, phê bình văn học - nghệ thuật; chuyên viên Phòng Văn hóa - văn nghệ, Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM) vừa được Nhà xuất bản Khoa học Xã hội ấn hành mới đây (tháng 8/2023) là cuốn chuyên khảo xứng đáng được đọc và đã được đông đảo bạn đọc đón nhận trong lễ ra mắt sách tại Đường Sách TPHCM.

Sách được tác giả chia làm 4 chương: Những vấn đề chung; Định vị di sản; Ý thức về đối tượng tiếp nhận; Nghệ thuật tuyên truyền. Các chương đều được dành số trang viết thích hợp và rõ chất khoa học của một công trình nghiên cứu công phu, có nêu vấn đề, giải thích, chứng minh, nhiều số liệu, nguồn dẫn cụ thể, khoa học.

Tất cả xoay quanh trục chính của đề tài nghiên cứu “Nghệ thuật tuyên truyền trong văn chính luận Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh” là chủ thể của quá trình làm nên các chất liệu ấy. Công việc của tác giả cuốn sách là làm nổi bật, chỉ ra được đặc sắc nghệ thuật tuyên truyền trên cái nền chung văn chính luận của Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh.

Thuận lợi lớn nhất đối với tác giả là: sự nghiệp hoạt động chính trị của đối tượng nghiên cứu từ danh xưng Nguyễn Ái Quốc đến Hồ Chí Minh không đứt đoạn suốt từ năm 1919 đến khi Bác qua đời năm 1969. Danh tiếng trải khắp năm châu bốn biển. Nổi bật là thời kỳ hoạt động ở Pháp, Liên Xô, Xiêm và Trung Quốc. Tầm vóc quốc tế của Người những năm còn trẻ đã chinh phục được bạn bè, đồng chí Cộng sản. Từ thực tiễn phong trào, từ thăng trầm cuộc sống, những áng thơ văn xuất hiện làm nên tên tuổi nhà thơ, nhà văn, nhà báo Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh. Nhưng Người chỉ khiêm tốn nhận mình là nhà báo, nhà hoạt động chính trị chuyên nghiệp. Cũng như Lênin, Người luôn chú ý đến công tác tuyên truyền của báo chí. Nó là lợi khí của Cách mạng và vận động quần chúng. Tuyên truyền được tỏa sáng trong văn chính luận một cách nghệ thuật là nét đặc sắc, phong cách viết Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh.

Tư liệu về nhà hoạt động chính trị, danh nhân văn hóa Hồ Chí Minh thật đồ sộ. Nó không ngừng được chỉnh lý, sưu tầm, bổ sung, tiếp tục nghiên cứu. Nó được soi chiếu từ góc độ tiểu sử, biên niên, các sách báo, phim ảnh… suốt một thế kỷ nay.

Riêng lĩnh vực báo chí, hàng mấy ngàn bài báo được đăng trên mấy chục tờ báo trong và ngoài nước với nhiều bút danh, thể hiện trong các phong cách viết khác nhau của thể loại phóng sự, ký sự, truyện ngắn, kịch, minh họa tranh…. đã làm nên sự phong phú, đa dạng trong nghệ thuật thể hiện của tác giả Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh. Lối viết, lối vẽ, cách chọn tìm thể loại thích hợp tạo hiệu quả cao nhất trong tuyên truyền để đạt được mục đích, là sở trường ngòi bút tài năng Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh.

Ở trong từng chương của tập sách, TS Phạm Thị Như Thúy đã cung cấp cho người đọc các cứ liệu tin cậy, khoa học, rõ ràng. Nguồn sách tham khảo, danh mục ở cuối sách chứng tỏ để viết được cuốn sách chuyên khảo dày gần 300 trang, tác giả đã bỏ khá nhiều công sức để nghiên cứu một đề tài mới, chuyên biệt và nhiều gợi ý trong xã hội truyền thông hôm nay.

Tác giả chọn các bài đặc sắc giàu yếu tố chính luận của Người trên báo Người cùng khổ (1922), Thanh niên (1925) và sách “Đường kách mệnh” (1927), Bản án chế độ thực dân Pháp (1925), Tuyên ngôn Độc lập (1945), Lời kêu gọi toàn quốc Kháng chiến (1946)… minh chứng cho các luận cứ khoa học của mình.

Nhà nghiên cứu giảng dạy Văn học - PGS.TS Lê Quang Hưng từng nhận xét: “Chuyên khảo là một tài liệu tham khảo bổ ích, thiết thực cho những người nghiên cứu, những người yêu mến sự nghiệp văn chương Hồ Chí Minh, cho những người làm công tác quản lý, tuyên truyền ở mọi lĩnh vực xã hội của chúng ta hiện nay”. Công trình “Nghệ thuật tuyên truyền trong văn chính luận Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh” của tác giả - TS Phạm Thị Như Thúy theo đó là một tài liệu tham khảo bổ ích, thiết thực cho bạn đọc.

Trần Đình Việt 

(Nguyên Giám đốc - Tổng Biên tập Nhà Xuất bản Tổng hợp TPHCM)

 

Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo