Đến dự có các đồng chí: Nguyễn Trọng Nghĩa, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; Nguyễn Mạnh Hùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông; Lê Quốc Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam; Phan Xuân Thủy, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương và gần 750 đại biểu đại diện lãnh đạo các bộ, ban, ngành, hội ở Trung ương và địa phương; các cơ quan chỉ đạo, quản lý báo chí, cơ quan chủ quản báo chí; lãnh đạo các cơ quan báo chí.
Tuyên truyền đậm nét, sâu rộng, có tính lan tỏa cao
Năm 2024, các cơ quan báo chí tiếp tục đẩy mạnh thông tin tuyên truyền việc triển khai, cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội XIII vào cuộc sống; tuyên truyền đậm nét, sâu rộng, có tính lan tỏa cao các sự kiện chính trị, ngoại giao quan trọng, ngày lễ lớn của đất nước; tiếp tục chủ động đẩy mạnh tuyên truyền về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng; phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí…
Bên cạnh đó, công tác thông tin, tuyên truyền bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng và đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch ngày càng đi vào chiều sâu, đạt hiệu quả tích cực. Từ tháng 8/2024, các báo chí dành diện tích, thời lượng, xây dựng các chuyên trang, chuyên mục, tổ chức các cuộc tọa đàm, trao đổi để thông tin, tuyên truyền, phân tích về kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam; làm nổi bật các thông điệp, các nội dung chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư về đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, về chuyển đổi số, về xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, về tháo gỡ điểm nghẽn thể chế, về phòng chống lãng phí, về sắp xếp, tổ chức bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực hiệu quả…
Đặc biệt, báo chí đã đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền góp phần tạo sự thống nhất cao về nhận thức và hành động trong toàn Đảng và cả hệ thống chính trị trong triển khai thực hiện tổng kết Nghị quyết số 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”; thông tin báo chí nêu bật chỉ đạo của Bộ Chính trị, xác định việc tổng kết Nghị quyết 18 và sắp xếp, hoàn thiện tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, là cuộc cách mạng về tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, cần thống nhất rất cao về nhận thức và hành động trong toàn Đảng và cả hệ thống chính trị.
Khắc phục triệt để tình trạng “tư nhân hóa” báo chí
Về phương hướng nhiệm vụ năm 2025, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Phan Xuân Thủy cho biết, Hội Nhà báo Việt Nam, Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước; sự phối hợp với Hội Nhà báo và cơ quan chủ quản báo chí nhằm giữ vững vai trò chỉ đạo, định hướng để báo chí thực hiện tốt sứ mệnh trong kỷ nguyên mới. Đồng thời, Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan triển khai thực hiện tổng kết Nghị quyết số 18-NQ/TW gắn với việc tổng kết Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025.
Bên cạnh đó, Ban Tuyên giáo Trung ương tiếp tục chủ trì, phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông thực hiện nghiêm Quy định số 101-QĐ/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng về trách nhiệm và quyền hạn việc bổ nhiệm, miễn nhiệm, khen thưởng, kỷ luật lãnh đạo cơ quan báo chí và các quy định của Đảng liên quan hoạt động báo chí.
Bộ Thông tin và Truyền thông xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Báo chí theo kế hoạch để giải quyết căn cơ những bất cập, tồn tại thời gian qua và thúc đẩy báo chí phát triển mạnh mẽ, đúng định hướng và làm tốt công tác quản lý nhà nước. Đồng thời, Bộ tiếp tục bám sát, thúc đẩy việc điều chỉnh một số quy định về cơ chế tự chủ tài chính đơn vị sự nghiệp công lập, cơ chế đặt hàng, định giá dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách Nhà nước nhằm tháo gỡ khó khăn cho cơ quan báo chí.
Bên cạnh đó, Bộ chủ trì, phối hợp Ban Tuyên giáo Trung ương và các cơ quan liên quan tiếp tục thường xuyên, tăng cường rà soát, chấn chỉnh, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động báo chí của cơ quan báo chí, người làm báo; có giải pháp khắc phục triệt để tình trạng “tư nhân hóa” báo chí, tư nhân “núp bóng” chi phối hoạt động báo chí; tình trạng “báo hóa” tạp chí điện tử, “báo hóa” trang thông tin điện tử tổng hợp và mạng xã hội; “thương mại hóa” báo chí…
Hội Nhà báo Việt Nam đẩy mạnh công tác giáo dục chính trị tư tưởng; quán triệt các cấp hội, hội viên, người làm báo, nhất là đối với các cấp hội, hội viên, người làm báo đang công tác tại các cơ quan báo chí thực hiện xây dựng môi trường văn hóa trong cơ quan báo chí và văn hóa của người làm báo; xử lý nghiêm tình trạng vi phạm đạo đức báo chí của một bộ phận người làm báo, gây bức xúc trong dư luận.
Quang cảnh hội nghị Nâng cao chất lượng hiệu quả hoạt động của báo chí
Đối với cơ quan chủ quản báo chí, đồng chí Phan Xuân Thủy cho biết, trong năm 2025, cấp ủy, tổ chức đảng, các cơ quan chủ quản báo chí sẽ nỗ lực cao, quyết tâm lớn, tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả Quy hoạch báo chí, tinh gọn bộ máy theo đúng chỉ đạo của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Nghị quyết số 18- NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII, Quyết định số 362/QĐ-TTg, của Thủ tướng Chính phủ; xác định đây là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, là cuộc cách mạng về tinh gọn tổ chức bộ máy, cần thống nhất rất cao về nhận thức và hành động trong toàn hệ thống báo chí.
Đồng thời, tăng cường thực hiện nhiệm vụ chủ quản báo chí; chú trọng công tác xây dựng Đảng của cơ quan chủ quản, cơ quan báo chí; quan tâm công tác đào tạo, quy hoạch cán bộ lãnh đạo báo chí; hỗ trợ, bảo đảm điều kiện hoạt động, đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy và nâng cao chất lượng hiệu quả hoạt động của các cơ quan báo chí.
Bên cạnh đó, chủ động, thường xuyên phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chỉ đạo, quản lý báo chí và chính quyền địa phương trong việc rà soát, chấn chỉnh hoạt động của cơ quan báo chí, đặc biệt là văn phòng đại diện, phóng viên thường trú của cơ quan báo chí bảo đảm tuân thủ đúng pháp luật; phối hợp chặt chẽ với các cơ quan quản lý nhà nước trong công tác quản lý báo chí; kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về cơ chế tài chính, kinh tế báo chí, bản quyền, tổ chức bộ máy, nhân sự...
Đối với cơ quan báo chí, đồng chí Phan Xuân Thủy cũng cho biết, tiếp tục quán triệt, nhận thức sâu sắc, triển khai thực hiện đầy đủ, đúng các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; tăng cường bồi dưỡng nâng cao bản lĩnh chính trị, giáo dục đạo đức cách mạng, đạo đức nghề nghiệp, chuyên môn nghiệp vụ của người làm báo. Đồng thời, làm tốt công tác tư tưởng cho cán bộ, phóng viên, biên tập viên, người lao động về việc triển khai thực hiện tổng kết Nghị quyết số 18-NQ/TW…
Ngoài ra, các cơ quan tạp chí nhận thức đúng đắn về vai trò, tính chất hoạt động của tạp chí; tập trung thông tin chuyên sâu, chuyên ngành, bảo đảm chất lượng, hàm lượng nội dung mang tính học thuật, lý luận, phân tích, kiến giải chuyên sâu, chuyên ngành, bám sát tôn chỉ, mục đích; tăng cường rèn luyện, nâng cao bản lĩnh chính trị, đạo đức nghề nghiệp, chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ nhà báo…
13.178 đầu mối cung cấp thông tin cho báo chí
Sau 1 năm thực hiện Chỉ thị số 07/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác truyền thông chính sách, đã có 91/93 bộ, ngành, địa phương xây dựng chương trình, kế hoạch triển khai Chỉ thị 07 của Thủ tướng Chính phủ; có 13.178 đầu mối cung cấp thông tin cho báo chí thuộc 93 bộ, ngành, địa phương; số lượng tin, bài về truyền thông chính sách/tổng số tin bài trên báo chí tăng từ 11% lên 20%; có nhiều mô hình ứng dụng công nghệ số để làm truyền thông chính sách tốt như: nền tảng Hue-S (Thừa Thiên Huế) cung cấp thông tin cho báo chí và người dân đã có trên 1 triệu lượt tải và hàng triệu tương tác; Ngày hội truyền thông (Hà Giang)…; kinh phí dành cho truyền thông chính sách của các địa phương sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị 07 tăng khoảng 10%, trong đó có một số tỉnh kinh phí cho truyền thông chính sách tăng 50%.