Là người đầu tiên chất vấn Thủ tướng, ĐB Mai Thị Phương Hoa (Nam Định) đề nghị Thủ tướng làm rõ giải pháp đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong thời gian tới. Chính phủ đã đặt ra nhiệm vụ muốn nâng cao hiệu lực, hiệu quả một cách thực chất hoạt động của bộ máy hành chính phải gắn với phân cấp, phân quyền hợp lý giữa các cấp. Tuy nhiên, thời gian qua, trong quá trình triển khai, vẫn còn một số tồn tại, hạn chế. Trả lời, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng, phân cấp, phân quyền là vấn đề lớn, đã nói nhiều, thực tế chúng ta đã làm. Riêng nhiệm kỳ này đến nay, Chính phủ đã trình Quốc hội ban hành 14 luật, 9 nghị quyết liên quan, bổ sung, thay thế 27 nghị định. Tuy nhiên, vẫn còn một số vướng mắc, tập trung chủ yếu ở trung ương.
Về các giải pháp, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng, cần rà soát lại quy định của pháp luật, quy định của Đảng, rà soát lại chức năng nhiệm vụ của các cơ quan, như phải rà lại Luật Tổ chức Chính phủ, Luật Tổ chức Quốc hội, Luật Tổ chức chính quyền địa phương; hoàn thiện quy chuẩn, tiêu chuẩn; tăng cường giám sát, kiểm tra. Phân cấp phân quyền cần đi đôi với phân bổ nguồn lực, nâng cao năng lực thực thi của các cấp.
Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng cho rằng trọng tâm trong cải cách thể chế là phân cấp, phân quyền. Bên cạnh đó, cần ưu tiên tăng trưởng, muốn tăng trưởng thì phải có nguồn lực. Nếu cứ tăng trưởng với tốc độ bình bình 6-7%/năm như hiện nay thì ta rất khó đạt được mục tiêu đã đặt ra vào thời điểm kỷ niệm 100 năm thành lập nước. Để thực hiện được ưu tiên tăng trưởng, phải tháo gỡ vướng mắc thể chế để huy động, giải phóng, khơi thông mọi nguồn lực của nhà nước, nhân dân, xã hội, của nước ngoài trực tiếp và gián tiếp. Do đó, nếu được chọn những điểm nhấn quan trọng nhất trong thời gian tới thì Thủ tướng sẽ chọn 2 điều đó là phân cấp phân quyền và tháo gỡ thể chế.
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu kết thúc phiên chất vấn Trả lời ĐB Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng) về các dự án tồn đọng và tổ chức tín dụng yếu kém vẫn chưa được xử lý, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, có nhiều dự án tồn đọng, kéo dài. Thời gian qua, sau nhiều nỗ lực của cả hệ thống chính trị thì 12 đại dự án tồn đọng, kéo dài cơ bản hoàn tất xin chủ trương của Bộ Chính trị, trên cơ sở đó Chính phủ đang thực hiện theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình, cái nào vượt thầm quyền thì Chính phủ báo cáo Quốc hội. Trên cơ sở đó, Chính phủ cũng sẽ rà soát các dự án tương tự, xử lý trên tinh thần tôn trọng hiện trạng, tháo gỡ những vướng mắc của pháp luật…
ĐB Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho biết giải pháp trong chỉ đạo điều hành sắp tới để thực hiện thành công các dự án quan trọng quốc gia? Trả lời ĐB, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định phải bứt phá lên, phải tăng trưởng, đây là điểm nghẽn phải tháo gỡ trong thời gian tới, muốn thế hạ tầng phải phát triển; tập trung cho các động lực tăng trưởng; đầu tư cho các công trình lớn của quốc gia, tạo ra đột phá cho đất nước. Chủ trương của Đảng, của các đồng chí lãnh đạo chủ chốt là phải có những đột phá về hạ tầng, trong đó có hạ tầng điện (khởi động lại điện hạt nhân, năng lượng gió ngoài khơi); đường sắt cao tốc… Cùng với đó là đột phá về nhân lực. Thủ tướng Phạm Minh Chính mong Quốc hội ủng hộ cho các dự án lớn, ở kỳ họp này là đường sắt cao tốc, mở rộng sân bay Long Thành…
Liên quan đến vấn đề chuyển đổi xanh của doanh nghiệp; không hình sự hóa các quan hệ kinh tế cũng như việc nâng cao năng lực, hoàn thiện thể chế trong các lĩnh vực ngân hàng, y tế, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, chúng ta muốn đột phá, cũng phải đột phá từ thể chế. Trong quá trình triển khai cũng nảy sinh một số việc, cái được là cơ bản nhưng cũng còn một số cái cần tiếp tục hoàn thiện, do vậy cần rà soát lại, trong đó nhiệm vụ xây dựng cái thể chế để quy định cái gì được làm, cái gì không được làm, cái gì là mở rộng không gian sáng tạo. Quan điểm của Đảng là bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho mọi công dân, cho doanh nghiệp, tôn trọng quyền con người trong kinh doanh, trong phát triển kinh tế - xã hội. Vì thế, đi theo đó là không hình sự hóa các quan hệ kinh tế, quan hệ dân sự, cũng như quan hệ hành chính, nhưng cũng phải xây dựng thể chế, quy định rõ ràng, mở ra không gian phát triển linh hoạt cho người dân, doanh nghiệp làm ăn. Tuy nhiên, đối với tình trạng buôn lậu, trốn thuế, thao túng, găm hàng đội giá, thao túng thị trường… thì không được làm, sai thì phải xử lý.
ĐB Mai Thị Phương Hoa (Nam Định) Về quản lý không gian trên mạng, Thủ tướng nhấn mạnh, trên đời thực quản lý thế nào thì trên không giang mạng quản lý như thế, nhưng phải bỏ tư duy không quản được thì cấm. Tức là tinh thần xây dựng thể chế phải vừa phục vụ cho việc quản lý, nhưng vừa mở ra không gian đổi mới sáng tạo, khuyến khích mọi người dân, mọi doanh nghiệp, mọi chủ thể đổi mới sáng tạo.
Sau 2 ngày làm việc, Quốc hội đã hoàn thành toàn bộ chương trình phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 8. Phát biểu kết luận phiên chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết, có 136 lượt ĐB chất vấn, 18 lượt ĐB tranh luận, còn 80 ĐB đăng ký phát biểu nhưng chưa được phát biểu do hết thời gian. “Có một điểm chung mà các thành viên Chính phủ nhắc nhiều lần trong phiên chất vấn lần này là: trân trọng cảm ơn - nghiêm túc tiếp thu - nhận trách nhiệm cá nhân - sẽ quyết tâm thực hiện - và tha thiết mong các cơ quan, các địa phương vào cuộc mạnh mẽ cùng Chính phủ, bộ, ngành. Tôi nêu như vậy để thấy rằng các bộ trưởng, trưởng ngành luôn thể hiện sự nghiêm túc, cầu thị, nỗ lực trong thực hiện chức trách được giao” - Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh.
Theo Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, với những cam kết mạnh mẽ trong chỉ đạo, quản lý, điều hành, Quốc hội đề nghị các bộ trưởng, trưởng ngành với tinh thần “nói đi đôi với làm và làm ngay”, phát huy những kết quả đạt được, khẩn trương khắc phục những hạn chế, vướng mắc, có giải pháp mới để thực hiện hiệu quả hơn các mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra.