Thứ Hai, ngày 13 tháng 1 năm 2025

Tiếp tục xây dựng thế hệ trẻ Quận 7 phát triển toàn diện

Nghệ sĩ Vân Anh giới thiệu các loại nhạc cụ dân tộc cho các em học sinh Trường Tiểu học Lê Văn Tám, phường Tân Phú, Quận 7.

(Thanhuytphcm.vn) - Ngày 9/6/2014, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI đã ban hành Nghị quyết số 33-NQ/TW về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước” (sau đây gọi tắt là Nghị quyết 33). Nghị quyết 33 không chỉ đáp ứng với sự đòi hỏi thực tiễn của đời sống hiện nay mà còn là những định hướng lớn mang tính chiến lược về phương diện văn hóa, con người xuyên suốt trong thời kỳ quá độ lên Chủ nghĩa xã hội ở nước ta.

Nhìn lại 10 năm qua, từ khi Nghị quyết 33 được triển khai, vai trò, vị trí của văn hóa ngày càng được khẳng định và cũng không thể tách rời với nhiệm vụ xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện, gắn kết chặt chẽ, hài hòa giữa giá trị truyền thống và giá trị hiện đại, vừa phát huy những giá trị tốt đẹp của dân tộc, vừa tiếp thu tinh hoa văn hóa của nhân loại để văn hóa thực sự là nền tảng tinh thần, nguồn lực nội sinh và là động lực đột phá cho phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế.

Đổi mới nhận thức về vai trò, vị trí của văn hóa trong giáo dục

Tại Quận 7, cụ thể hóa Nghị quyết 33 và Chương trình hành động số 45-CTrHĐ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ TPHCM về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”, Ngành Giáo dục và Đào tạo Quận 7 đặt nhiệm vụ xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện ở vị trí trung tâm, xác định xây dựng văn hóa học đường gắn liền với việc thực thi các quy tắc ứng xử trong trường học, các chuẩn giá trị của trường học. Lấy việc thực hiện kỷ cương trường học làm nền tảng, coi trọng phương diện tu dưỡng rèn luyện cá nhân của đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, học sinh làm gốc cho phát triển văn hóa, môi trường văn hóa.

Theo đó, nhiều hoạt động văn hóa được gắn liền với nhiệm vụ giáo dục học sinh trong trường học được cán bộ, giáo viên, học sinh hưởng ứng tham gia tích cực như phong trào “xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”, “mỗi người thầy, cô giáo là một tấm gương đạo đức tự học và sáng tạo”; “mỗi ngày đến trường là một ngày vui”; tổ chức một cách nghiêm túc, thực chất, đồng thời phát huy hiệu quả việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong giáo dục nhân cách trẻ bằng hình thức kể chuyện, tổ chức hội thi, xây dựng tiểu phẩm về Bác, trong đó lồng ghép nội dung giảng dạy về cuộc đời, sự nghiệp của Bác phù hợp với đặc điểm của từng cơ sở giáo dục trên địa bàn quận. Từ đó, hướng đến giáo dục những giá trị văn hóa tốt đẹp, giá trị đạo đức, lối sống cho học sinh học tập và làm theo. Thông qua các nội dung dạy học, sinh hoạt chuyên đề trong buổi chào cờ đầu tuần, những buổi học tập trải nghiệm tại các di tích lịch sử, địa chỉ đỏ tại Quận 7 và TPHCM để giáo dục giá trị văn hóa truyền thống cho học sinh.

Bên cạnh đó, thực hiện tốt nuôi dưỡng, vun trồng môi trường văn hóa nhà trường thông qua việc thu thập ý kiến đóng góp của tập thể giáo viên, nhân viên, phụ huynh học sinh, định rõ những giá trị đặc trưng, cốt lõi để nhà trường tập trung, phát triển. Qua đó, tạo bầu không khí thoải mái, tin cậy, thúc đẩy giáo viên quan tâm đến chất lượng và hiệu quả trong giảng dạy; tạo môi trường học tập thân thiện, hạnh phúc, thuận lợi cho học sinh; thực hiện tốt quy tắc giao tiếp, ứng xử và giữ gìn vệ sinh trường lớp, bảo vệ môi trường xung quanh, tiết kiệm năng lượng…, đã góp phần đã tạo lên một môi trường văn hóa lành mạnh, xây dựng nếp sống văn minh tại các cơ sở trường học trên địa bàn Quận 7.

Thời gian qua, Ngành Giáo dục và Đào tạo Quận 7 thường xuyên tổ chức các hoạt động, phong trào hướng đến phát huy các giá trị văn hóa truyền thống và hình thành kỹ năng sống cho học sinh, trong đó, chú trọng kỹ năng mềm cho các em trong giao tiếp, ứng xử, giải quyết tình huống, tự bảo vệ, quản lý thời gian, lập kế hoạch… để các em có thể hội nhập vào cộng đồng một cách tự tin, có mục tiêu lý tưởng, nhân cánh tốt, tri thức lẫn kỹ năng.

Buổi trải nghiệm ngoại khóa “Em tập làm chiến sĩ” của học sinh Trường Mầm non Tân Phong 2, phường Tân Phong, Quận 7. Buổi trải nghiệm ngoại khóa “Em tập làm chiến sĩ” của học sinh Trường Mầm non Tân Phong 2, phường Tân Phong, Quận 7.

Tiếp nhận nhưng phải có chọn lọc phù hợp với bản sắc văn hóa

Trước những mặt trái của quá trình hội nhập, cần xuất phát từ khía cạnh văn hóa tạo nên nền tảng tinh thần vững chắc để tác động sâu vào lý tưởng, niềm tin, từ đó hình thành cho con người, nhất là thế hệ trẻ cơ chế tự miễn đối với những tác động tiêu cực đó. Nghĩa là thay vì ngăn chặn và cấm đoán, hãy giáo dục và định hướng một cánh thường xuyên cho học sinh biết chủ động, cởi mở tiếp nhận nhưng phải có chọn lọc phù hợp với bản sắc văn hóa, thuần phong mỹ tục của dân tộc.

Mỗi cơ sở giáo dục gắn việc xây dựng và tổ chức thực hiện văn hóa học đường với đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, xây dựng và phát triển văn hóa học đường thực sự trở thành môi trường để học sinh rèn luyện nhân cách, trở thành con người phát triển toàn diện hướng đến đức - trí - thể - mỹ, có tinh thần yêu nước, khát vọng cống hiến, tuân thủ pháp luật, trách nhiệm đối với bản thân, gia đình và xã hội; đồng thời, điều chỉnh những hành vi ứng xử lệch lạc, thiếu chuẩn mực văn hóa của mọi thành viên trong cơ sở giáo dục, ngăn chặn các hành vi bạo lực, tệ nạn xã hội, các hành vi trái với thuần phong mỹ tục, truyền thống văn hóa Việt Nam. Cùng với đó, duy trì hoạt động, sử dụng không gian văn hóa Hồ Chi Minh làm không gian giảng dạy, học tập, góp phần nâng cao nhận thức, tình cảm, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về ý thức tu dưỡng, rèn luyện phẩm chất, đạo đức, lối sống trong học sinh và tập thể sư phạm nhà trường.

Tăng cường đối thoại giữa lãnh đạo nhà trường, giáo viên với học sinh để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng và kịp thời xử lý những vấn đề khó khăn, bức xúc trong học sinh; chủ động phát hiện và phối hợp với cơ quan công an, chính trị địa phương và các cơ quan, tổ chức hữu quan xử lý các vấn đề phức tạp về chính trị, tư tưởng liên quan đến học sinh; không để học sinh bị dụ dỗ, lôi kéo tham gia các hội, nhóm, tổ chức tôn giáo hoạt động trái pháp luật và các hoạt động chống phá Đảng, Nhà nước, gây rối an ninh, trật tự an toàn xã hội.

Có thể thấy rằng, khi chúng ta thực hiện tốt nhiệm vụ xây dựng con người với sự quan tâm, chú trọng xây dựng nền tảng văn hóa tinh thần, gắn kết chặt chẽ, hài hòa giữa giá trị truyền thống và giá trị hiện đại sẽ tạo nên những con người phát triển toàn diện, từng bước trở thành một trong những nguồn lực quan trọng của sự nghiệp phát triển bền vững và hội nhập kinh tế quốc tế.

Trần Hiển


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo