Cách đây 85 năm, ngày 21/6/1925, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã xuất bản tờ Thanh Niên – tờ báo cách mạng đầu tiên của Việt Nam - làm công cụ tuyên truyền chủ nghĩa Mác-Lênin, giác ngộ những người yêu nước, dẫn dắt họ trong cuộc đấu tranh cách mạng giành độc lập cho dân tộc, tự do cho nhân dân.
Sự nghiệp cách mạng và cuộc đời của Bác Hồ luôn gắn với báo chí. Trên hành trình tìm đường cứu nước, Bác học viết báo, học làm báo để tuyên truyền cách mạng, giác ngộ quần chúng, tố cáo tội ác của chủ nghĩa thực dân. Khi có Ðảng cầm quyền, Bác viết báo phục vụ Tổ quốc, phục vụ nhân dân, dùng báo chí để tổ chức và giáo dục cán bộ, đảng viên, nhân dân. Bác viết báo để phát động các phong trào thi đua yêu nước, phong trào Tết trồng cây, thực hành tiết kiệm, chống tham ô lãng phí, sửa đổi lối làm việc của Ðảng và chính quyền, nâng cao đạo đức cách mạng, chống chủ nghĩa cá nhân, chăm sóc thiếu niên nhi đồng... Tất cả các bài báo của Bác luôn gắn với các phong trào cách mạng, gắn với nhân dân. Đề tài viết báo của Bác là tuyên truyền độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Bác đã dùng báo chí làm phương tiện đấu tranh cách mạng và phục vụ nhân dân, đoàn kết nhân dân và nhân loại để giải phóng dân tộc, giải phóng xã hội, giải phóng con người. Là người từng trải nghiệm công việc làm báo, Bác truyền lại cho các thế hệ những người làm báo Việt Nam nhiều bài học kinh nghiệm quý giá. Người thường dạy, báo chí là một nghề, cho nên người làm báo cách mạng cần được bồi dưỡng lập trường cách mạng vững vàng, thường xuyên rèn luyện đạo đức và được đào tạo nghề nghiệp tinh thông. Những người làm báo cần ra sức trau dồi kiến thức, học tập lý luận, lăn lộn trong thực tiễn và gắn bó với nhân dân. Bác nói với các nhà báo: Nếu các bạn viết báo mà quần chúng hiểu, quần chúng ham đọc, quần chúng khen hay - thế là các bạn tiến bộ. Trái lại - là các bạn chưa thành công.
Ðạo đức và sự nghiệp báo chí của Bác là tài sản tinh thần quý giá của Ðảng và của nhân dân ta. Ðội ngũ những người làm báo có vinh dự và trách nhiệm lớn được kế thừa và phát triển tài sản báo chí của Bác. Học tập và làm theo Bác, những người làm báo cần ra sức nghiên cứu đường lối chính sách của Ðảng, luật pháp của Nhà nước, đi sát cuộc sống của nhân dân, không ngừng tu dưỡng, rèn luyện để nâng cao đạo đức và chuyên môn, tinh thông nghề nghiệp, tận tụy phục vụ nhân dân, góp phần tích cực trong cuộc đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, thực hành tiết kiệm... xứng đáng với chỉ dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Nhà báo là chiến sĩ trên mặt trận văn hóa, cây bút, trang giấy là vũ khí trong đấu tranh phò chính, trừ tà, phục vụ lợi ích cách mạng, phục vụ nhân dân.
Năm nay, nước ta kỷ niệm 85 năm Ngày báo chí cách mạng Việt Nam (21/6/1925 – 21/6/2010), đây là dịp kỷ niệm có ý nghĩa quan trọng đối với xã hội nói chung và báo giới nói riêng. Tìm hiểu về mục đích và phong cách viết báo của Bác Hồ là nhằm nâng cao phẩm chất, đạo đức và năng lực của đội ngũ những người làm báo cách mạng để phục vụ sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc và xây dựng đất nước ngày càng tốt hơn.