Thứ Bảy, ngày 23 tháng 11 năm 2024

Bế mạc phiên họp thứ 32 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Quang cảnh phiên họp thứ 32 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội

(Thanhuytphcm.vn) - Tiếp tục phiên họp thứ 32, chiều 13/3, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội liên quan đến vấn đề xử lý nợ đọng thuế.

Theo tờ trình của Chính phủ, số thu hồi nợ đọng tăng dần qua các năm, bình quân từ 2011-2017 thu đạt 81% số nợ có khả năng thu hồi, tốc độ tăng bình quân 16,3%/năm. Tỷ trọng tổng nợ trên tổng thu nội địa đã giảm mạnh từ 12,2% năm 2014, đến năm 2017 giảm xuống ở mức 7,6% và tính đến cuối năm 2018 giảm xuống chỉ còn 7%.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, số nợ đọng về tuyệt đối vẫn còn cao, tổng số tiền thuế nợ tính đến hết năm 2017 là 78.466 tỉ đồng, trong đó tiền thuế nợ không có khả năng thu ngân sách là 35.303 tỷ đồng, chiếm gần 44,9% tổng số tiền thuế nợ.

“Tình hình trên do nhiều nguyên nhân khác nhau, trong đó có việc một số người nộp thuế được pháp luật coi là đã chết, mất tích, mất khả năng hành vi dân sự. Cả chục nghìn doanh nghiệp tự giải thể nhưng không thực hiện thủ tục giải thể doanh nghiệp theo quy định với số tiền nợ đọng cả nghìn tỷ đồng...”, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho hay.

Chính phủ đề xuất xóa nợ tiền chậm nộp hoặc tiền phạt chậm nộp còn nợ đến trước ngày 1/1/2019 và không tính tiền chậm nộp phát sinh kể từ ngày 1/1/2019 đến ngày Luật Quản lý thuế (sửa đổi) có hiệu lực thi hành của người nộp thuế gặp thiên tai, hỏa hoạn, tai nạn bất ngờ, bị bệnh hiểm nghèo hoặc trường hợp bất khả kháng khác.

Theo đó, Bộ trưởng Bộ Tài chính quyết định xóa nợ đối với doanh nghiệp và tổ chức nợ tiền thuế, tiền phạt, tiền phạt chậm nộp và tiền chậm nộp từ 5 tỉ đồng trở lên. Trường hợp đặc biệt, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét trước khi quyết định việc xóa nợ.

Tổng Cục trưởng Tổng cục Thuế, Tổng Cục trưởng Tổng cục Hải quan quyết định xoá nợ đối với trường hợp người nộp thuế nợ tiền thuế, tiền phạt, tiền phạt chậm nộp và tiền chậm nộp từ một tỉ đồng đến dưới năm tỉ đồng. Cục trưởng Cục Thuế, Cục trưởng cục Hải quan xóa nợ đối với trường hợp người nộp thuế nợ tiền thuế, tiền phạt, tiền phạt chậm nộp và tiền chậm nộp dưới một tỉ đồng.

Đối với hộ gia đình, cá nhân, Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quyết định xóa nợ tiền thuế và các khoản thu khác phải nộp ngân sách nhà nước, trên cơ sở hồ sơ đề nghị xóa nợ của cơ quan quản lý thuế.

Tổng số tiền dự kiến được xóa nợ và không tính tiền chậm nộp của việc ban hành nghị quyết khoảng 27.753 tỉ đồng.

Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển lưu ý, 10.000 tỷ đồng đã là công trình trọng điểm quốc gia, trong khi các khoản nợ đọng thuế là con số tương đối lớn, do đó phải xem xét thận trọng.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải nêu băn khoăn về kẽ hở trong quy định không tính tiền chậm nộp với "người nộp thuế không còn hoạt động kinh doanh tại địa chỉ kinh doanh đã đăng ký với cơ quan đăng ký kinh doanh...". Điều này có thể khiến người nộp thuế lợi dụng, bỏ địa điểm kinh doanh đã đăng ký và chuyển trụ sở sang địa điểm kinh doanh ở địa bàn khác hoặc có thể thành lập pháp nhân mới ở địa chỉ khác để trốn thuế. Trong trường hợp rủi ro, bị cơ quan nhà nước phát hiện sau nhiều năm và đề nghị truy thu số thuế nợ vẫn chỉ bằng số thuế khi bỏ địa chỉ kinh doanh. Bên cạnh đó, cần cân nhắc việc xử lý tiền nợ thuế đối với các doanh nghiệp nhà nước, vì hiện nay đang trong tiến trình cổ phần hóa, sắp xếp lại các doanh nghiệp nhà nước.

Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách cho rằng đây là Nghị quyết đặc thù, nhạy cảm, với các chính sách được ban hành chưa được quy định trong Luật Quản lý thuế hiện hành, có phạm vi rộng, tác động khá lớn đến nguồn thu ngân sách nhà nước, sự công bằng giữa các đối tượng, tâm lý của người nộp thuế và tính nghiêm minh của pháp luật về thuế. Do vậy, cần rà soát, nghiên cứu một cách kỹ lưỡng, thận trọng.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng yêu cầu rà soát kỹ để không bị lợi dụng nhằm trốn thuế, tạo thành tiền lệ xấu. Trước mắt tập trung hoàn thiện dự án Luật Quản lý thuế sửa đổi để Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 7, sau đó trình Nghị quyết cho chặt chẽ.

Cũng trong chiều 13/3, Thường vụ Quốc hội đã xem xét, thông qua Nghị quyết quy định chức vụ, chức danh có cấp bậc hàm cao nhất là Trung tướng, Thiếu tướng chưa được quy định cụ thể trong Luật Công an nhân dân năm 2018 và bế mạc phiên họp thứ 32.

Phát biểu bế mạc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị sau phiên họp này, Chính phủ, Thường trực Hội đồng Dân tộc, Thường trực các Ủy ban của Quốc hội, Kiểm toán Nhà nước và các cơ quan hữu quan nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội để tiếp tục hoàn chỉnh 5 dự án luật, 1 dự thảo nghị quyết để kịp gửi xin ý kiến Đại biểu Quốc hội đúng quy định hoặc trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp tháng 4/2019 tới; đồng thời hoàn thiện dự thảo 4 nghị quyết để ký ban hành. Chính phủ và các cơ quan của Quốc hội, các cơ quan, tổ chức hữu quan chủ động, khẩn trương chuẩn bị nội dung thuộc trách nhiệm, không để tình trạng chậm gửi tài liệu hoặc đề nghị chuyển sang phiên họp tháng 5/2019.

Vân Thanh


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo