Kinh tế TP tiếp tục tăng trưởng
Theo UBND TPHCM, trong năm 2018, kinh tế TP tiếp tục tăng trưởng, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) đạt hơn 1,33 triệu tỷ đồng, ước tăng 8,3% (cùng kỳ tăng 8,25%), hoàn thành chỉ tiêu đề ra; chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng, cơ cấu kinh tế tiếp tục tăng dần tỷ trọng các ngành dịch vụ chất lượng cao, giá trị gia tăng lớn, 9 nhóm ngành dịch vụ chủ yếu có tiềm năng và là thế mạnh của TP chiếm tỷ trọng cao trong tổng GRDP.
Đối với thu hút đầu tư nước ngoài, tính chung cả vốn thu hút được dưới hình thức cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và vốn thu hút được qua hình thức góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp trong các DN trong nước, TP thu hút được 7,07 tỷ USD.
Về tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ ước tăng 13,2% so cùng kỳ (cùng kỳ tăng 11,3%), các DN sản xuất, kinh doanh và cung ứng trong nước đưa hàng vào kênh bán lẻ hiện đại với các sản phẩm phong phú, đa dạng làm tăng sức mua của người tiêu dùng. Tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 38,32 tỷ USD, tăng 7,8% so cùng kỳ (cùng kỳ tăng 16,1%); kim ngạch nhập khẩu ước đạt 47,3 tỷ USD, tăng 9,3% so cùng kỳ (cùng kỳ tăng 13,6%) với mặt hàng nhập khẩu chủ yếu là trang thiết bị, nguyên vật liệu cho sản xuất.
Đối với hoạt động du lịch tiếp tục khẳng định vị thế TP là một trong những trung tâm du lịch hàng đầu của cả nước, tổng lượng khách quốc tế đến TP đạt 7,5 triệu lượt, tăng 17,38% so cùng kỳ, đạt 100% kế hoạch năm; tổng lượng khách du lịch nội địa đạt 29 triệu lượt, tăng 16,7% so với cùng kỳ, đạt 100% kế hoạch năm; tổng doanh thu ngành đạt 140.000 tỷ đồng, tăng 21,55% so cùng kỳ.
Về lĩnh vực sản xuất công nghiệp tăng trưởng khá gắn với việc đầu tư đổi mới thiết bị, cải tiến sản phẩm, tăng sức cạnh tranh, liên kết mở rộng thị trường tiêu thụ. Cụ thể, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 8,15% so với cùng kỳ (cùng kỳ tăng 7,9%). Bốn ngành công nghiệp trọng yếu (cơ khí chế tạo, điện tử, hóa chất - cao su - nhựa và chế biến tinh lương thực thực phẩm) tiếp tục mở rộng thị trường, đầu tư đổi mới thiết bị, nâng cao chất lượng, năng lực cạnh tranh của sản phẩm.
Đối với ngành nông nghiệp tiếp tục đẩy mạnh hoạt động khuyến nông, chuyển giao các tiến bộ về giống và ứng dụng công nghệ cao, công nghệ sinh học để tạo nhiều giống cây trồng, vật nuôi có năng suất, chất lượng và giá trị cao, đặc biệt đẩy mạnh cơ giới hóa trong sản xuất hoa lan; phát triển giống cây, giống con chất lượng cao, cá cảnh, hoa - cây kiểng, bò thịt, nâng cao chất lượng đàn bò sữa. Qua đó, giá trị sản xuất đạt hơn 20.000 tỷ đồng, tăng 6,2% so cùng kỳ (tương đương cùng kỳ).
TP cần có giải pháp để tiếp cận, kêu gọi nguồn vốn đầu tư
Bên cạnh kết quả đạt được nêu trên, trong năm 2018, TP có 2 chỉ tiêu đề ra chưa đạt kết quả là thu ngân sách nhà nước và thành lập DN mới. Lý giải về hai chỉ tiêu chưa đạt, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong cho rằng: Về thu ngân sách Nhà nước năm 2018 đạt 369.621 tỷ đồng, đạt 98,1% dự toán, trong đó, thu nội địa 234.677 tỷ đồng, đạt 91,6% dự toán. Một trong những nguyên nhân dẫn đến khó hoàn thành chỉ tiêu thu ngân sách là do năm 2018 dự toán giao khá cao. Ngoài ra, nhiều yếu tố khách quan cũng tác động đến nguồn thu như: Vướng mắc về thủ tục, DN có phần e ngại đầu tư nên nguồn thu từ tiền sử dụng đất giảm, tác động của các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, chính sách nhập khẩu ô tô, xăng dầu, chia sẻ hàng hóa với cảng Cái Mép - Thị Vải ở Vũng Tàu, cảng tổng hợp ở Bình Dương theo chính sách của Trung ương nên nguồn thu từ xuất nhập khẩu cũng giảm đáng kể.
Đối với việc thành lập DN mới, năm 2018, TP cấp phép thành lập mới 44.126 DN, chưa đạt kế hoạch 46.000 DN, chủ yếu do số lượng hộ cá thể chuyển lên DN chưa đạt như đề ra. Mặc dù, TP đã tích cực hỗ trợ, vận động, tuy nhiên người dân vẫn e ngại do việc chuyển lên loại hình DN đòi hỏi thực hiện nhiều thủ tục hành chính hơn và hoạt động quản lý DN phức tạp hơn.
Bên cạnh đó, chi phí kinh doanh tại TP ngày càng trở lên đắt đỏ. Cụ thể như chi phí thuê mặt bằng văn phòng tại TP theo một số đánh giá ngang với chi phí thuê tại các TP lớn như Seoul, Đài Bắc (Đài Loan), thậm chí cao hơn gấp đôi so với các thành phố trong khu vực như Bangkok, Manila. Đây là một trở ngại rất lớn cho các DN mới thành lập.
Ngoài ra, đối với xu hướng hiện nay trong lĩnh vực thương mại dịch vụ, các DN dần chuyển đổi sang mô hình kinh doanh theo chuỗi (hệ thống cửa hàng, hệ thống siêu thị), từ đó hình thành các DN lớn, cạnh tranh thị phần với các DN nhỏ; thương mại điện tử nở rộ cũng làm giảm số lượng DN nhỏ, siêu nhỏ hoạt động trong lĩnh vực thương mại, bán lẻ truyền thống.
Theo đánh giá của Phó trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội TPHCM Phan Nguyễn Như Khuê, năm 2018, kinh tế TP tiếp tục tăng trưởng và khá ổn định. Tuy nhiên, sự bền vững cho ổn định tiếp theo năm 2019 và những năm sắp tới cần phải mổ xẻ kỹ để có giải pháp hết sức kiên quyết trong bối cảnh TP có những khó khăn và thách thức mới. Cụ thể là vấn đề thu ngân sách nhà nước khi dự toán được Trung ương giao khá cao.
Trong năm 2018, lĩnh vực sản xuất công nghiệp TPHCM tăng trưởng khá Đồng quan điểm, PGS.TS Võ Thị Ngọc Thúy, Phó Viện trưởng Viện Đào tạo Quốc tế (Đại học Quốc gia TPHCM) cho rằng: Năm 2018 là năm khẳng định sự phát triển tăng trưởng bền vững của kinh tế TPHCM trong cả ba năm vừa qua. Tuy nhiên, để đạt và giữ vững chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế 8,3%, kỳ vọng là 8,4% - 8,5% về GRDP năm 2019, TP cần có giải pháp căn cơ hơn để tiếp cận, kêu gọi nguồn vốn đầu tư; đồng thời có giải pháp tăng năng suất lao động.
Còn Phó trưởng Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND TP Cao Thanh Bình phân tích: Trong phần nhận định của Ủy ban MTTQ Việt Nam TP trình bày tại kỳ họp thứ 12 vừa qua có nêu là tính cạnh tranh hấp dẫn của môi trường đầu tư chưa cao, kết quả cải cách hành chính còn hạn chế, cơ sở hạ tầng quá tải, ngập nước, ô nhiễm môi trường, ùn tắc giao thông, tình trạng cướp giật diễn biến phức tạp. Đây là vấn đề TP cần đặc biệt quan tâm, bởi vì nó ảnh hưởng đến môi trường đầu tư của TP và nuôi dưỡng nguồn thu của TP khó bền vững. Do đó, TP cần có phân tích, đánh giá sâu các giải pháp về PCI (chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh) và quy trách nhiệm rõ ràng đối với từng nội dung, tăng cường kiểm tra, giám sát xử lý đối với những đơn vị sở, ngành, địa phương chưa cải cách tốt về chỉ số PCI.