Thứ Sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024

Đình chùa, hội quán tại TPHCM thu hút du khách

Chùa Ngọc Hoàng trưa ngày 11/2, nhằm Mùng 7 tháng Giêng vẫn nườm nượp khách đến hành hương

(Thanhuytphcm.vn) - Không chỉ là những địa điểm tâm linh để người dân đến cầu bình an, may mắn, mà các đình chùa, hội quán tại TPHCM còn là những địa chỉ du lịch thu hút du khách, đặc biệt là khách nước ngoài.

Có mặt tại các hội quán, đình chùa trong ngày 11/2 (nhằm Mùng 7 Tết Kỷ Hợi 2019), chúng tôi ghi nhận có rất đông các đoàn khách nước ngoài đến viếng cảnh chùa, tham quan và tìm hiểu về nét văn hóa truyền thống của người dân TPHCM đầu năm mới. Trong đó, chùa Ngọc Hoàng, chùa Vĩnh Nghiêm, chùa Phổ Quang, chùa Long Hoa, Hội quán Ôn Lăng, Nghĩa An, Tuệ Thành,… là nơi thu hút du khách nhiều nhất.

Tại Hội quán Ôn Lăng (tọa lạc tại số 12 Lão Tử, Quận 5), ngay từ sáng sớm đã có rất đông người dân đến cúng bái. Đây là ngôi chùa lâu đời của người Hoa, bên trong chùa đặt một bàn thờ khá lớn thờ Bồ Tát Quan Âm nên thường được gọi là chùa Quan Âm. Ngoài ra, Hội quán còn thờ các vị Ngọc Hoàng Đại Đế, Chúa Sinh Nương Nương, Phúc Đức Chánh Thần, Thái Tuế, Bao công… Ngày 7 tháng Giêng hàng năm là ngày người dân đến cúng Thái Tuế, hay còn gọi là cúng tuổi xui giải hạn. Ngoài ra, nơi đây còn được người dân đến để cúng cầu an chuyển vận, cầu duyên… Hội quán Ôn Lăng là di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia.

Cùng với chùa Quan Âm, di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia - Hội quán Tuệ Thành (tọa lạc 710 Nguyễn Trãi, Quận 5) hay còn được gọi là Chùa bà Thiên Hậu cũng là một địa chỉ tâm linh và du lịch nổi tiếng thu hút các đoàn khách nước ngoài. Nơi đây được nhiều nhà nghiên cứu đánh giá là di tích có kiến trúc độc đáo nhất trong số các di tích tại TPHCM với lối kiến trúc cổ. Hội quán Tuệ Thành được trang trí bởi các phù điêu gốm trên tường, trên mái ngói. Công trình sau hơn 250 năm tồn tại này vẫn giữ được sự tinh tế, sắc xảo của nghệ thuật chạm khắc gỗ trên các phù điêu hương án, các bao lam, khám thờ, liễn đối; nghệ thuật hội họa và thư pháp trên các tranh tường. Đặc biệt, nội dung các liễn đối là di sản văn học giá trị, thể hiện lòng tri ân Thiên Hậu và tài hoa của người sáng tác.

Chùa Vĩnh Nghiêm là một địa chỉ quen thuộc của hầu hết người dân thành phố và các du khách thập phương đến đây chiêm bái và vãn cảnh Chùa Vĩnh Nghiêm là một địa chỉ quen thuộc của hầu hết người dân thành phố và các du khách thập phương đến đây chiêm bái và vãn cảnh

Là một công trình tiêu biểu của kiến trúc Phật giáo Việt Nam hiện đại, có thể nói Chùa Vĩnh Nghiêm (339 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Quận 3) là một địa chỉ quen thuộc, không chỉ với đệ tử sùng đạo Phật, mà của hầu hết người dân thành phố, cùng các du khách thập phương đến đây chiêm bái và vãn cảnh. Chùa được khởi công năm 1964 và hoàn thành vào năm 1971, với kiến trúc độc đáo, có sự kết hợp giữa truyền thống và hiện đại. Ngôi chùa có một tầng lầu và một tầng trệt. Bàn thờ Phật được thiết lập ở Bửu điện: chính giữa thờ Phật Thích Ca, hai bên có Văn Thù Bồ Tát (bên trái) và Phổ Hiền Bồ Tát (bên phải). Những công trình chạm khắc gỗ ở đây có bao lam tứ linh, bao lam cửu long và đặc biệt là có các phù điêu trên các hương án chạm các ngôi chùa danh tiếng ở trong nước và một số nước Châu Á… Ngoài tòa nhà trung tâm, chùa Vĩnh Nghiêm còn có các bảo tháp.

Chùa Phước Hải (toạ lạc tại 73 Mai Thị Lưu, Quận 1), hay người dân quen gọi là chùa Ngọc Hoàng, là nơi thờ tự của đạo Minh Sư do Lưu Minh (người Quảng Đông) xây dựng từ năm 1892 đến 1906. Chùa mang kiến trúc đền chùa Trung Hoa, kiểu dáng trang trí rực rỡ. Chùa xây gạch, mái lợp ngói âm dương, trang trí bờ nóc, góc mái bằng nhiều tượng gốm màu. Trong chùa có nhiều tác phẩm nghệ thuật, như: tranh thờ, tượng thờ, bao lam, liễn đối, hương án… bằng các chất liệu gỗ, gốm, giấy bồi. Chính điện chùa Ngọc Hoàng thờ Ngọc Hoàng thượng đế với các thiên binh, thiên tướng; Phật Thích Ca, Quan Thê Âm Bô Tát… Ngoài ra chùa còn thờ Thành hoàng, Khán Tuế (sao giải hạn), Lỗ Ban (thầy dạy nghề), Kim Hoa Thánh Mẫu, 12 bà mụ. Các pho tượng thờ trong điện thờ Ngọc Hoàng cũng là những tác phẩm điêu khác gỗ đẹp. Chùa Ngọc Hoàng được công nhận là di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia.

Anh Huy
 Từ khóa
văn hóa
tết

Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo