Nghệ sĩ và công nhân sáng tạo trong nhà máy (Thanhuytphcm.vn) - Một dự án mang tên “Manufacturing Creativity” hay “Sản xuất sáng tạo” với sự hợp tác giữa UNESCO, Đại học Sydney (Úc) đang được thực hiện tại Việt Nam. Điều độc đáo của dự án này là qua bàn tay của các nghệ sĩ và quy trình công nghiệp, rác thải từ các nhà máy được hồi sinh thành sản phẩm hữu dụng hoặc tác phẩm nghệ thuật.
Dự án tạo ra sự hào hứng của những người thực hành sáng tạo và sự quan tâm đặc biệt của các doanh nghiệp nhà máy tại TPHCM và các tỉnh, thành khác, bởi cách thức sáng tạo không những đầy bất ngờ và mới mẻ, mà còn ít tốn kém, thậm chí không mất chi phí.
Theo đại diện dự án, các hoạt động hợp tác đã được hình thành từ TPHCM, Hà Nội và thành phố Biên Hòa (tỉnh Đồng Nai), với các đơn vị sản xuất là Công ty giày Lập Phương, Nhựa Hami, Nội thất Noi Pallet, Nhựa Fullin, Triac Composites, Gốm sứ và mây đan Nature Craft, Gạo Nam Bình. Tham gia dự án là các nghệ sĩ và nhà thiết kế tại Hà Nội và TPHCM, hoạt động trong nhiều lĩnh vực khác nhau.
Trước đó, vào năm 2016, tiến sĩ Jane Gavan kết hợp với Trường Đại học Kiến trúc TPHCM thực hiện một chương trình thí điểm, mang tên Factories as Studios, một dự án sử dụng rác thải công nghiệp từ 6 nhà máy để tạo nên các sản phẩm tái chế mới.
Các tác phẩm nghệ thuật trưng bày tại Nhà Triển lãm TPHCM được “hồi sinh” từ rác thải Theo tiến sĩ Jane Gavan, trước khi UNESCO tham gia hỗ trợ cho dự án nghiên cứu “Sản xuất và sáng tạo”, ở Việt Nam có rất ít nghệ sĩ và nhà thiết kế hợp tác với các đơn vị sản xuất. “Sản xuất và sáng tạo” mong muốn mang lại những cơ hội thực hành mới cho những người sáng tạo, mở ra tiềm năng đối với các công ty và quan trọng hơn hết là giảm chất thải trong các nhà máy, bảo vệ môi trường. Đó là các lợi ích mang lại từ dự án này. Dự án cũng đóng góp tích cực cho chương trình của UNESCO về sáng tạo và công nghiệp văn hóa, đồng thời khơi gợi khả năng mới trong việc lồng ghép di sản văn hóa và sáng tạo vào các hoạt động phát triển bền vững.