Xe cá nhân hiện nay là một trong những nguyên nhân gây ra tình trạng kẹt xe (Ảnh: Đình Lý) (Thanhuytphcm.vn) – Sáng 1/3, Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM tổ chức hội nghị phản biện xã hội dự thảo Đề án tăng cường vận tải hành khách công cộng kết hợp kiểm soát sử dụng phương tiện cơ giới cá nhân tham gia giao thông trên địa bàn TPHCM (Đề án). Đề án do Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TPHCM phối hợp Viện Chiến lược và Phát triển GTVT (Bộ GTVT) tiến hành xây dựng, nhằm giải quyết bài toán khó khăn về giao thông đô thị tại TPHCM. Đến dự có Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Vũ Thanh Lưu.
Ưu tiên phát triển vận tải hành khách công cộng
Theo Đề án, lộ trình thực hiện qua ba giai đoạn: Từ nay đến năm 2020 hoàn thiện hệ thống quy hoạch, cơ chế chính sách, bộ máy quản lý nhà nước về giao thông đô thị và nâng cao chất lượng hoạt động vận tải hành khách công cộng sẽ được ưu tiên tập trung. Giai đoạn 2021-2025 tập trung các giải pháp về phát triển vận tải hành khách công cộng sẽ tiếp tục được thực hiện. Giai đoạn 2026-2030 triển khai đồng bộ các giải pháp phát triển vận tải hành khách công cộng, kiểm soát phương tiện cơ giới cá nhân và các giải pháp hỗ trợ tiến tới ngưng hoạt động xe máy tại một số khu vực.
Theo tính toán của đơn vị xây dựng đề án, dự kiến nguồn lực từ ngân sách TP dành ưu tiên cho phát triển vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt là 9.783 tỷ đồng (giai đoạn 2019-2020), 18.896 tỷ đồng (giai đoạn 2021-2025) và 23.810 tỷ đồng (giai đoạn 2026-2030).
Cũng theo đề án, Sở GTVT TP đề xuất 36 giải pháp được sắp xếp theo từng nhóm, theo thứ tự ưu tiên kèm theo trách nhiệm của các cơ quan và nguồn lực thực hiện. Mục tiêu đến năm 2020, thị phần vận tải hành khách công cộng toàn TP đảm nhận 15-20% nhu cầu đi lại của người dân. Đến năm 2025 đạt 20,5-26,6% và đến năm 2030, tỷ lệ này sẽ tăng lên 29,3-36,8%.
Theo Sở GTVT TP, nếu đề án được thông qua, TP sẽ hạn chế và tiến tới ngưng hoạt động xe mô tô và xe gắn máy 2-3 bánh tại một số khu vực trung tâm (quận 1, 3, 5, 10...) vào giai đoạn 2025 - 2030, khi hệ thống vận tải hành khách công cộng đảm bảo nhu cầu đi lại trong khu vực hạn chế, với cự ly tiếp cận trung bình của khách đến hệ thống vận tải công cộng đạt dưới 500m.
Tuy nhiên, khi triển khai các giải pháp kiểm soát xe gắn máy theo lộ trình đến năm 2030, hiện tượng ùn tắc cục bộ sẽ xuất hiện tại các điểm trông giữ xe khu vực bên ngoài vành đai hạn chế, điểm dừng, nhà chờ, nhà ga... do lượng khách sử dụng vận tải hành khách công cộng gia tăng. Đồng thời, một bộ phận người dân bị ảnh hưởng quyền lợi sẽ không có sự đồng thuận, chia sẻ với các giải pháp của đề án.
Triển khai đồng bộ các giải pháp
Tại hội nghị, các đại biểu cho rằng: TPHCM đang đứng trước những khó khăn về giao thông đô thị, đặc biệt là phương tiện cơ giới cá nhân tăng nhanh, vận tải hành khách công cộng chỉ mới đảm nhận đạt tỷ lệ thấp so với nhu cầu đi lại của người dân. Tình hình ùn tắc giao thông diễn biến phức tạp, ô nhiễm môi trường không khí và tiếng ồn do hoạt động giao thông vận tải,… đang ảnh hưởng đến sức khỏe người dân đô thị.
Toàn cảnh hội nghị. (Ảnh: Long Hồ) Theo TS Đặng Hoài Trung, đại diện Viện Chiến lược và Phát triển Giao thông Vận tải, khi triển khai đồng bộ các giải pháp của đề án thì tình trạng ùn tắc giao thông sẽ giảm dần, góp phần tiết kiệm chi phí xã hội do ùn tắc giao thông, giảm thời gian đi lại, giảm thiểu ô nhiễm môi trường...
Cùng quan điểm, PGS.TS Nguyễn Minh Hòa, Ủy viên Hội đồng quy hoạch - kiến trúc TPHCM cho rằng, bên cạnh những giải pháp mang tính kinh tế và hành chính mà TP đề nghị thì việc quy hoạch không gian đô thị và phân bổ lại dân cư, kéo dãn dân ra bên ngoài trung tâm cũng hết sức quan trọng. “TP cần tạo ra ít nhất một đến hai Khu đô thị vệ tinh, vì hiện nay thành phố chỉ có một khu trung tâm 930ha nên người dân tập trung vào đây đi làm, đi học gây ùn tắc giao thông”- PGS.TS Nguyễn Minh Hoà nhấn mạnh.
Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó Chủ tịch Hội Luật gia TPHCM đồng tình với chủ trương chỉ cấm xe máy khi hạ tầng giao thông công cộng đủ đáp ứng nhu cầu người dân theo đề án của Sở GTVT TPHCM. Tuy nhiên, hiện tại luật giao thông công cộng của chúng ta chưa có bất kỳ một văn bản nào hạn chế sự đi lại của người dân và chúng ta chưa có cơ sở để thực hiện đề án này. Do đó chúng ta nên làm thí điểm trước là bên cạnh sự phát triển kinh tế, xã hội, TP phải đầu tư cơ sở hạ tầng hơn nữa. Chất lượng phục vụ xe công cộng phải tốt hơn, và làm một cách đồng bộ.
Tại hội nghị, đa số các đại biểu cũng cho rằng đề án khi được triển khai đồng bộ các giải pháp sẽ góp phần giải quyết bài toán ùn tắc giao thông, tiết kiệm chi phí chung cho xã hội, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, xây dựng hình ảnh TP văn minh, hiện đại, phát triển bền vững. Tuy nhiên, việc hạn chế phương tiện cá nhân sẽ chỉ triển khai khi hệ thống giao thông công cộng cơ bản đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân.
Phó Giám đốc Sở GTVT TPHCM Trần Quang Lâm phát biểu tại hội nghị. (Ảnh: Long Hồ) Ghi nhận các ý kiến tại hội nghị, Phó Giám đốc Sở GTVT TPHCM Trần Quang Lâm cho biết, đến năm 2030, khi giao thông công cộng phát triển, TPHCM sẽ cấm xe máy đi vào nhiều khu vực trung tâm thành phố. Trước mắt, TP phấn đấu đến năm 2020 đưa tuyến Metro số 1 vào hoạt động, năm 2024 tuyến số 2 đưa vào hoạt động. Tới 2025 khu trung tâm TP ngoài hệ thống xe buýt, tuyến metro còn có xe đạp điện, xe sử dụng chung,… để người dân thấy lợi ích mà giảm dần sử dụng xe cá nhân”- Phó Giám đốc Sở GTVT TPHCM Trần Quang Lâm nhấn mạnh.