Thứ Bảy, ngày 23 tháng 11 năm 2024

Hoàn thiện pháp luật để ngăn ngừa đình công

Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội Trương Thị Mai phát biểu tại buổi làm việc

(Website TU) - Sáng 10-2, Đoàn Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội do bà Trương Thị Mai, Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội dẫn đầu đã có buổi làm việc với lãnh đạo và các sở, ban, ngành TPHCM về tình hình thực hiện pháp luật lao động trên địa bàn thành phố.

Hoạt động công đoàn cơ sở còn hình thức

Theo ông Lâm Văn Tiếp, Phó Ban Quản lý các KCX và KCN TPHCM (HEPZA) cho biết, hiện tại các KCX – KCN TP có 618/968 doanh nghiệp có công đoàn cơ sở (chiếm 64%). Hoạt động công đoàn cơ sở dù đã có những bước đổi mới nhưng vẫn chưa đáp ứng yêu cầu; một số nơi vẫn còn hình thức, chưa phát huy được vai trò đại diện cho người lao động, một bộ phận công nhân chưa tích cực tự nguyện tham gia vào tổ chức công đoàn. Hiện 100% cán bộ công đoàn là kiêm nhiệm, thời gian chủ yếu phải tập trung cho công tác chuyên môn nên không còn thời gian dành cho hoạt động công đoàn.

Cũng theo ông Lâm Văn Tiếp, đáng lo nhất là nhiều công đoàn cơ sở thấy được những mâu thuẫn trong quan hệ lao động, những vi phạm của doanh nghiệp về pháp luật lao động, nhưng do tâm lý sợ bị mất việc nên đã không mạnh dạn kiến nghị, đề xuất với lãnh đạo doanh nghiệp giải quyết. Việc đình công là biện pháp cuối cùng sau khi giải quyết tranh chấp lao động tập thể không thành. Tuy nhiên, vì trình tự để thực hiện một cuộc đình công đúng luật phức tạp, người lao động vì bức xúc quyền lợi của mình bị vi phạm nên tiến hành ngừng việc tập thể để gây áp lực mà không thực hiện đúng các thủ tục về đình công. Người lao động có tâm lý “chỉ có đình công thì mới được doanh nghiệp giải quyết”. Trong khi đó, tổ chức công đoàn (đại diện cho người lao động), dù có đổi mới song vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu. “Hoạt động công đoàn cơ sở ở một số nơi còn hình thức, chưa phát huy được vai trò đại diện cho người lao động…”, ông Tiếp nói.

Đồng tình với ý kiến trên, ông Nguyễn Văn Bé, Phó Tổng giám đốc Công ty Liên doanh Khu chế xuất Sài Gòn – Linh Trung thẳng thắn: “Hầu như 100% các cuộc đình công xảy ra không thấy bóng dáng công đoàn”.

Đánh giá về tình hình đình công hiện nay, ông Trần Thanh Hồng, Phó Tổng giám đốc Công ty Khu chế xuất Tân Thuận, cho rằng, sẽ sai lầm nếu nói đình công sẽ giảm trong bối cảnh nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn, công nhân mất việc hàng loạt. Theo báo cáo của HEPZA, năm 2008 đã xảy ra 95 vụ tranh chấp lao động tập thể, tăng 35 vụ so với năm 2007. Nguyên nhân do doanh nghiệp chậm công bố thang bảng lương, chậm điều chỉnh lương tối thiểu theo quy định mới…

Luật Lao động cần sửa đổi cho phù hợp

Trước thực tế số vụ ngừng việc tự phát diễn ra ngày càng nhiều, đại diện Ban Quản lý HEPZA đề nghị cần mở rộng cơ chế để chủ tịch UBND tỉnh, TP có quyền ra quyết định yêu cầu dừng ngay cuộc ngừng việc. Không đồng tình với ý kiến này, ông Trương Lâm Danh, Phó Chủ tịch LĐLĐ TPHCM, cho rằng ngừng việc tập thể chỉ là phản ứng bộc phát của nhiều người lao động trong cùng thời điểm để đề đạt ý kiến lên chủ doanh nghiệp nên chưa thể gọi đó là đình công. Vì vậy, không có đủ các yếu tố để xem xét có đúng trình tự hay không. Nếu sau khi ngừng việc, Công đoàn và doanh nghiệp không thương lượng được thì lúc đó Công đoàn sẽ thực hiện các bước để tổ chức, lãnh đạo công nhân đình công theo quy định. Phó Bí thư Thành ủy TPHCM Huỳnh Thị Nhân cũng bày tỏ băn khoăn khi cho rằng nếu UBND tỉnh, TP dừng cuộc ngừng việc thì có bị xem là dùng biện pháp hành chánh can thiệp vào quan hệ lao động, ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động không?

Phó Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thị Thu Hà cho rằng: Pháp luật lao động cần tiếp tục nghiên cứu, làm rõ thêm vai trò của tổ chức công đoàn trong việc đại diện, bảo vệ quyền lợi chính đáng, hợp pháp cho người lao động. “Công đoàn phải thể hiện vai trò dự báo để kịp thời can thiệp, ngăn chặn các cuộc đình công trái pháp luật, chứ không phải ngồi chờ đến khi đình công xảy ra mới “nhảy vào” giải quyết”, Phó Chủ tịch Nguyễn Thị Thu Hà nhấn mạnh. Ngoài ra, Phó Chủ tịch Nguyễn Thị Thu Hà yêu cầu các đơn vị liên quan tiến hành khảo sát, đánh giá xem trong 618/968 doanh nghiệp có công đoàn cơ sở thì có bao nhiêu phần trăm tổ chức công đoàn hoạt động hiệu quả, có thực sự là chỗ dựa của người lao động? Lãnh đạo thành phố nêu một thực tế là Thành ủy TPHCM bỏ tiền ra để trả lương cho cán bộ công đoàn chuyên trách, nhưng nhiều chủ doanh nghiệp lại không mặn mà, chưa kể đoàn viên công đoàn có tín nhiệm cán bộ này hay không.

Toàn cảnh hội nghị về tình hình thực hiện pháp luật lao động trên địa bàn thành phố

Để giải quyết tận gốc vấn đề đình công, nhiều ý kiến đề nghị Quốc hội, Chính phủ nghiên cứu ban hành Luật về tiền lương, các quy định có giá trị pháp lý trong việc thực hiện cơ chế đối thoại định kỳ giữa người sử dụng lao động và người lao động tại nơi làm việc. Đồng thời tiếp tục nghiên cứu sửa đổi bổ sung Luật Lao động cho phù hợp, trước mắt cần sửa đổi bổ sung mức xử phạt hành chính về hành vi vi phạm pháp luật lao động, đặc biệt là xử phạt hành vi chiếm dụng bảo hiểm xã hội của doanh nghiệp; sửa đổi thủ tục, trình tự đình công đơn giản hơn nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động đình công đúng luật…

Kết luận tại buổi làm việc, bà Trương Thị Mai cho rằng cần phải sửa đổi Bộ Luật Lao động cho phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội, làm cơ sở xây dựng quan hệ lao động lành mạnh, tiến bộ theo tinh thần Chỉ thị 22 của Ban Bí thư Trung ương Đảng. Bà Trương Thị Mai cũng lưu ý với những nơi cơ sở công đoàn còn yếu, công đoàn cấp trên cần phải có biện pháp hỗ trợ thiết thực để công đoàn đủ mạnh, thực hiện vai trò đại diện quyền lợi của người lao động. Đối với những nơi chưa có tổ chức công đoàn, công đoàn cấp trên tiến hành khảo sát, thành lập và chỉ định chủ tịch công đoàn lâm thời, kịp thời giải quyết tranh chấp ngay từ lúc phát sinh.

X. Đ

Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo