Thứ Bảy, ngày 23 tháng 11 năm 2024

Tọa đàm khoa học 40 năm thực hiện Di chúc Chủ tịch Hồ Chí Minh

Khẳng định giá trị thời đại và ý nghĩa lịch sử to lớn của Di chúc

Các đồng chí Lê Thanh Hải, Phạm Phương Thảo, Pham Xuân Biên trao đổi với các đại biểu tham dự tọa đàm.

(Website TU)- Sáng nay, 27-8, Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM phối hợp Trường Cán bộ TPHCM, Viện Nghiên cứu phát triển TP tổ chức tọa đàm khoa học “TPHCM - 40 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh”.

Tham dự tọa đàm có các đồng chí: Lê Thanh Hải, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM; Võ Trần Chí, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Thành ủy TPHCM; Phạm Phương Thảo, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TPHCM; Phan Xuân Biên, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM cùng đông đảo các đồng chí lão thành cách mạng, các nhà khoa học, nhà nghiên cứu, các nhà lãnh đạo, quản lý và đoàn viên thanh niên TP.

Các ý kiến trực tiếp tham gia tại buổi tọa đàm và gần 100 bài viết gởi về Ban Tổ chức Tọa đàm đã tập trung làm rõ tầm vóc lịch sử, khẳng định giá trị to lớn của Di chúc Bác Hồ là văn kiện lịch sử quý báu, một tài sản vô giá, là sự hội tụ trí tuệ, truyền thống văn hóa dân tộc và tinh hoa văn hóa nhân loại. Nhiều ý kiến tập trung phân tích các nội dung của Di chúc mà Bác Hồ đã để lại cho toàn Đảng, toàn dân ta. Có đại biểu tập trung vào việc thực hiện Di chúc của Người, đặc biệt trong công tác xây dựng Đảng hiện nay, vừa phân tích ý nghĩa Di chúc, vừa có những liên hệ với thực tiễn nóng hổi tính thời sự với những gợi mở, đề xuất đầy tâm huyết đối với công tác xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, chăm lo đời sống cho nhân dân hiện nay. Website Thành ủy xin trích đăng một số ý kiến tại buổi tọa đàm.

* PGS.TS Trần Thị Thu Lương, Khoa Lịch sử, trường ĐH KHXH&NV TPHCM: Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh là một văn kiện lịch sử đặc biệt, là di sản vô giá kết tinh tinh hoa tư tưởng, trí tuệ, đạo đức và tâm hồn cao đẹp của Chủ tịch Hồ Chí Minh để lại cho toàn dân tộc. Di chúc của Bác đã trở thành cương lĩnh hành động của toàn Đảng, toàn dân trong sự nghiệp cách mạng của chúng ta và của các thế hệ mai sau. Việc nghiên cứu, học tập để hiểu biết và thấm nhuần một cách sâu sắc những tư tưởng, những tinh hoa trong Di chúc đã luôn được thực hiện không chỉ bằng khối óc mà còn bởi hàng triệu triệu trái tim yêu kính và nguyện đi theo con đường mà Bác Hồ đã vạch ra.

* PGS.TS Võ Xuân Đàn, Trường ĐH Ngoại ngữ - Tin học TPHCM: Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh thể hiện một trí tuệ tuyệt vời với tầm nhìn xa trông rộng, tầm chiến lược to lớn và có giá trị thời đại sâu sắc, một hai đời người không thể làm được mà phải nhiều đời, của toàn Đảng, toàn dân tộc mới có thể làm được và đó cũng chính là giá trị thời đại của Di chúc mà Chủ tịch Hồ Chí Minh để lại cho muôn đời con cháu, cho toàn Đảng, toàn dân ta. Giá trị thời đại và ý nghĩa lịch sử của Di chúc đã và đang phát huy tác dụng mạnh mẽ, toàn diện trong các hoạt động của Đảng cầm quyền, của Nhà nước, của toàn dân trong thời đại hội nhập.

Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM Phan Xuân Biên (đứng) chủ trì buổi tọa đàm.

Kỷ niệm 40 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, mỗi chúng ta “phải tự xem xét lại mình một cách cặn kẽ để sống, học tập, rèn luyện, làm việc, chiến đấu như thế nào và phải tiếp tục thực hiện Di chúc của Bác” ở một tầm cao mới, tầm cao của trí tuệ và năng lực của người Việt Nam trong thời đại toàn cầu hóa, trong vị thế của một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập trên con đường tiến lên chủ nghĩa xã hội.

* Nguyên Phó ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM Phạm Quang: Ngày nay, kỷ niệm 40 năm Di chúc của Bác Hồ trong sinh khí thiêng liêng và thiết thực, chúng ta cần đọc lại những điều dặn dò thiết tha của Bác gắn với tình hình thực tế hiện nay để quyết tâm làm theo tư tưởng và đạo đức của Bác.

Về Đảng, trọng tâm trong công tác xây dựng Đảng là phát huy dân chủ thật rộng rãi và đúng mức trong nội bộ Đảng, trung thực, tự giác và thẳng thắn tự phê bình và phê bình để Đảng ta thực sự trong sạch như Bác đã nhắc nhở. Những chữ “thật sự” và “thật” mà Bác dùng trong Di chúc phải chăng là muốn chúng ta đề phòng những người, những việc “đạo đức giả” thường thấy hiện nay.

Đối với nhân dân, nhất là nhân dân lao động, Bác nhắc nhỡ: “Đảng cần phải có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế và văn hóa, không ngừng nâng cao đời sống nhân dân”. Điều đó đòi hỏi ngày nay, nhất là trong tình hình suy giảm kinh tế do tác động của khủng hoảng kinh tế toàn cầu, mỗi cán bộ, đảng viên phải ra sức học tập, đi sâu vào thực tiễn, lắng nghe tiếng nói của dân để không ngừng nâng cao bản lĩnh chính trị, năng lực quản lý, biết kết hợp được ý Đảng với lòng dân để làm tròn sứ mệnh là người lãnh đạo, người đầy tớ thật trung thành của nhân dân.

Đại biểu tham gia phát biểu tại buổi tọa đàm.

* TS Nguyễn Thị Hoa Xinh, Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh - chi nhánh TPHCM: 40 năm đã qua là thời gian có những sự kiện lịch sử rất to lớn trên đất nước ta, là thời gian đã hoàn thành thắng lợi sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước và mở đầu thời kỳ xây dựng chủ nghĩa xã hội trong phạm vi cả nước. Nhìn lại những thành tựu và cả những “va vấp” của Đảng ta, chúng ta càng thấy những lời dặn dò trong Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh như còn rất mới mẻ đối với thế hệ chúng ta hôm nay và muôn đời sau. Chính vì vậy, tiếp tục làm tốt công tác xây dựng và chỉnh đốn Đảng, nắm vững những nguyên tắc cơ bản và những chính sách đổi mới, đưa sự nghiệp đổi mới thành công là hoạt động thiết thực thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, tiếp bước trên con đường xã hội chủ nghĩa, mang lại độc lập, tự do cho dân tộc, ấm no và hạnh phúc cho nhân dân như lòng mong muốn của Người.

* GS Trần Thanh Đạm: Sở dĩ nội dung Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh tuy giản dị, ngắn ngọn mà ý nghĩa sâu xa, khôn cùng, mãi mãi còn mới là vì đó không phải là những mệnh đề lý luận, đó là những lời dặn dò cặn kẽ về những công việc cần phải làm, nhất thiết phải làm, làm mãi mãi không bao giờ trọn, không bao giờ xong!

“Sống, chiến đấu, lao động và học tập theo gương Bác Hồ vĩ đại”

Tại buổi tọa đàm, đồng chí Nguyễn Văn Hiếu, Thành ủy viên, Bí thư Thành đoàn TPHCM phát biểu cho biết: Thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đặc biệt thực hiện tư tưởng Hồ Chí Minh về “bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau”, Đoàn TNCS TPHCM nhận thức sâu sắc rằng, giáo dục truyền thống lịch sử, giáo dục lòng yêu nước, giáo dục đạo đức lối sống làm cho mỗi thanh niên hiểu và tin theo lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, vào sự nghiệp đổi mới của Đảng là việc làm thường xuyên, lâu dài, là nhiệm vụ cách mạng không được phép lơ là, không được phép nghỉ ngơi.

Con đường đi lên của các thế hệ thanh niên Việt Nam vẫn luôn được chiếu sáng bởi những tư tưởng cách mạng và khoa học của Bác Hồ, của Đảng. Khẩu hiệu “Sống, chiến đấu, lao động và học tập theo gương Bác Hồ vĩ đại” luôn là hiện thực, là chân lý tiếp tục soi sáng các thế hệ thanh niên Việt Nam. Tuổi trẻ TPHCM nguyện suốt đời học tập và làm theo lời Bác. Nói đi đôi với làm, dám nghĩ, biết làm trong từng hành động, xung kích tiến công bằng chính những công việc, trọng trách mà tuổi trẻ TP được giao phó, cỗ vũ thanh niên sống đẹp, sống có ích, nghĩa tình, phát huy sức trẻ thanh niên trong các phong trào, đồng tâm hiệp lực cống hiến trí tuệ, nhiệt huyết trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Thiên Linh

Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo