ĐB Cao Thanh Bình (Quận 9) phát biểu tại buổi thảo luận (Thanhuytphcm.vn) - Chiều 9/7, kỳ họp thứ 20, HĐND TP khóa IX tiến hành phiên thảo luận tổ về góp ý dự thảo Văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng và dự thảo Báo cáo chính trị Đại hội Đại biểu Đảng bộ TPHCM lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 - 2025; tình hình kinh tế - văn hóa - xã hội 6 tháng đầu năm và nhiệm vụ, giải pháp 6 tháng cuối năm 2020.
Xây dựng cơ chế thuận lợi, thu hút, huy động các nguồn lực
Tại buổi thảo luận tổ, các ĐB đã nêu nhiều ý kiến góp ý cho dự thảo Báo cáo chính trị Đại hội Đại biểu Đảng bộ TPHCM lần thứ XI nhằm giúp TP phát triển nhanh, bền vững trong thời gian tới. ĐB Cao Thanh Bình (Quận 9) đề nghị bổ sung hạn chế về hiệu quả sử dụng đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020 chưa cao, một số dự án giao thông trọng điểm chưa được kết nối kịp thời. Cũng như bổ sung xây dựng cơ chế thuận lợi, thu hút, huy động các nguồn lực chuyên gia, trí thức, người có tài năng đặc biệt trong nước phục vụ phát triển khoa học - công nghệ, kinh tế - xã hội.
Đồng quan điểm, ĐB Phạm Quốc Bảo (huyện Cần Giờ) góp ý trong dự thảo Báo cáo chính trị cần xác định, chỉ rõ các điểm nghẽn ảnh hưởng đến sự phát triển của TPHCM để đưa ra giải pháp tương xứng, đột phá. Theo ĐB Phạm Quốc Bảo, các điểm nghẽn lớn là phát triển giao thông, về huy động nguồn lực cho sự phát triển TPHCM, về thể chế quản lý đô thị.
ĐB Lê Minh Đức (quận Thủ Đức) phát biểu tại buổi thảo luận Ở một góc độ khác, ĐB Lê Minh Đức (quận Thủ Đức) đề xuất dự thảo Báo cáo chính trị của Đại hội Đại biểu Đảng bộ TP lần thứ XI cần tập trung các giải pháp xây dựng tổ chức bộ máy chính quyền cơ sở tinh gọn, hoạt động có hiệu lực, hiệu quả, xác định rõ chức năng, nhiệm vụ, phân định rõ trách nhiệm giữa các cơ quan, giữa các cấp chính quyền TP gắn với thực hiện tinh giản biên chế, thí điểm một số mô hình tổ chức phù hợp với thực tiễn và đặc thù của TP.
Cụ thể, dự thảo Báo cáo chính trị của Đảng bộ TP cần đề xuất Trung ương cho TPHCM thực hiện Đề án không tổ chức HĐND quận và phường trên địa bàn TP trong thời gian tới. Bởi lẽ, khi không tổ chức HĐND quận, huyện, phường, tính chủ động trong chính quyền được nâng lên một bước, trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan hành chính được chú trọng, quản lý nhà nước trên tất cả các lĩnh vực có hiệu lực, hiệu quả. Kinh nghiệm trong giai đoạn 2011 - 2016, khi thực hiện thí điểm không tổ chức HĐND quận và phường trên địa bàn TP, UBND các quận, huyện, phường không có HĐND hoạt động ổn định, quyền làm chủ của nhân dân vẫn được phát huy. Hiệu quả thể hiện rõ nhất là việc giảm biên chế và bộ máy trung gian, giảm chi phí hành chính. Các cấp lãnh đạo, quản lý tại địa phương, TP vẫn thường xuyên trực tiếp đối thoại với nhân dân, lắng nghe những tâm tư, kiến nghị cũng như kịp thời xử lý các vấn đề bức xúc trong nhân dân.
Cần có giải pháp quyết liệt thực hiện các mục tiêu đề ra
Cũng trong phiên thảo luận tổ, các ĐB đi sâu phân tích một số chỉ tiêu của dự thảo đưa ra, cũng như đề nghị TP nên đưa ra những giải pháp quyết liệt trong thực hiện để hoàn thành các chỉ tiêu trong nhiệm kỳ tới.
ĐB Nguyễn Văn Đạt (quận Bình Tân) cho rằng: Trong dự thảo Báo cáo chính trị Đại hội Đại biểu Đảng bộ TP lần thứ XI, về công tác quản lý và phát triển đô thị có nêu công tác rà soát quy hoạch, quản lý quy hoạch trên địa bàn TP đều xong. Nhưng nhìn lại một số nơi quy hoạch chậm, điều chỉnh quy hoạch chậm làm ảnh hưởng việc đồng bộ phủ kín quy hoạch xây dựng TP, phát triển kinh tế - xã hội TP. Vì vậy, cần đánh giá sâu hơn hạn chế, khó khăn, để từ đó đưa vào văn kiện giải pháp thực hiện tốt nội dung này.
Còn ĐB Hoàng Thị Tố Nga (Quận 1) băn khoăn về một số chỉ tiêu nhiệm kỳ 2020 - 2025. Cụ thể, trong dự thảo đưa ra đến năm 2025, tổng tỷ suất sinh ít nhất là 1,4 con/phụ nữ sinh đẻ và hướng đến năm 2030 là 1,6 con/phụ nữ sinh đẻ. Theo ĐB Hoàng Thị Tố Nga, dù tỷ lệ sinh không phải nhiều nhưng qua đánh giá trong 4 năm gần đây thì mỗi năm tỷ suất sinh của phụ nữ càng ngày càng giảm. Do đó, với chỉ tiêu này nếu TP không có giải pháp tạo điều kiện cho chị em phụ nữ thì sẽ rất khó thực hiện.
Đối với chỉ tiêu đến năm 2025, 100% hộ dân sử dụng nước sạch, không sử dụng nước ngầm cho sinh hoạt gia đình, sản xuất nông nghiệp, theo ĐB Hoàng Thị Tố Nga, hiện nay trên thực tế tỷ lệ người dân sử dụng nước ngầm cho sinh hoạt, sản xuất nông nghiệp vẫn còn xảy ra. Do đó, với chỉ tiêu này cần có giải pháp hết sức cụ thể nếu không sẽ khó đạt. Đối với chỉ tiêu đến năm 2025, xử lý nước thải y tế, nước thải công nghiệp đạt 100%, ĐB Hoàng Thị Tố Nga đề nghị cần có giải pháp cụ thể, quyết liệt mới đạt.
ĐB Trần Thanh Trí (Quận 12) phát biểu ý kiến tại buổi thảo luận Đề cập về các chương trình trọng điểm, chương trình đột phá trong dự thảo văn kiện Đại hội Đảng bộ TP lần thứ XI, ĐB Trần Thanh Trí (Quận 12) phân tích: Về mục tiêu xây dựng TP đến năm 2025, TP đặt mục tiêu hết ngập, hết ô nhiễm môi trường, hết ùn tắc giao thông, hết tệ nạn xã hội… cần tính toán kỹ và xác định cái nào là quan trọng. Còn TP đề ra 3 chương trình đột phá và 1 chương trình trọng điểm. Đề nghị trong 4 chương trình này, TP nên chọn chương trình trọng điểm để quyết tâm đến hết nhiệm kỳ đạt được các chỉ tiêu” - ĐB Trần Thanh Trí đề nghị.