Chiến thắng vĩ đại đó đã ghi một "mốc chói lọi bằng vàng"(1) trong lịch sử chống ngoại xâm hào hùng của dân tộc. Tại trận quyết chiến chiến lược này, chúng ta đã tiêu diệt tập đoàn cứ điểm mạnh nhất của quân viễn chinh Pháp ở Ðông Dương(2), làm phá sản kế hoạch Na-va, đập tan ý chí xâm lược của thực dân Pháp và can thiệp Mỹ, buộc chúng phải ký Hiệp nghị Giơ-ne-vơ (20-7-1954) về chấm dứt chiến tranh ở Ðông Dương, cam kết tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của ba nước: Việt Nam, Lào, Cam-pu-chia.
Chiến thắng Ðiện Biên Phủ là chiến công chói lọi trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc của nhân dân ta; là đòn quyết định kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chín năm chống thực dân Pháp xâm lược, giải phóng hoàn toàn miền bắc, đưa miền bắc đi lên CNXH, trở thành hậu phương lớn của tiền tuyến lớn miền nam, tạo tiền đề cho thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, giải phóng miền nam, thống nhất nước nhà. Ðó là thắng lợi vĩ đại của nhân dân Việt Nam; đồng thời, cũng là thắng lợi chung của các lực lượng hòa bình, dân tộc, dân chủ và XHCN trên toàn thế giới. Từ sau chiến thắng vĩ đại ấy, cụm từ "Việt Nam - Hồ Chí Minh - Ðiện Biên Phủ" vang lên khắp năm châu như một niềm tự hào chung của nhân loại tiến bộ về đòn đột phá mạnh mẽ vào hệ thống thuộc địa của chủ nghĩa đế quốc, báo hiệu sự sụp đổ hoàn toàn của chủ nghĩa thực dân cũ.
Thắng lợi vẻ vang của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược mà đỉnh cao là Chiến thắng Ðiện Biên Phủ, bắt nguồn từ đường lối kháng chiến và đường lối cách mạng đúng đắn, do Ðảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh đề xướng, đã đoàn kết và tập hợp được toàn dân trong mặt trận dân tộc thống nhất rộng rãi (Liên Việt) để đấu tranh chống xâm lược với ý chí "Thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ". Chiến thắng đó còn bắt nguồn từ truyền thống yêu nước, giữ nước hào hùng của dân tộc được hun đúc qua hàng ngàn năm lịch sử; là kết quả của tinh thần đoàn kết quốc tế trong sáng, sự phối hợp chiến đấu của ba dân tộc: Việt Nam, Lào, Cam-pu-chia cùng chống một kẻ thù chung; đồng thời, là từ sự giúp đỡ chí tình của các nước XHCN, các lực lượng yêu chuộng hòa bình và tiến bộ trên toàn thế giới, trong đó có nhân dân Pháp.
55 năm đã trôi qua, nhưng thắng lợi vĩ đại và những bài học kinh nghiệm từ Chiến thắng Ðiện Biên Phủ vẫn còn nguyên giá trị, cần được tiếp tục phát huy, vận dụng sáng tạo trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ngày nay.
Trước hết, vận dụng, phát triển bài học về sự kiên định đường lối lãnh đạo của Ðảng, thực hiện thắng lợi mục tiêu cách mạng trong điều kiện mới. Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, trên cơ sở đánh giá đúng tương quan lực lượng giữa ta và địch, với tầm nhìn chiến lược và tư duy khoa học sắc sảo, nắm vững những quan điểm cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lenin về chiến tranh cách mạng, Ðảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đề ra đường lối kháng chiến toàn dân, toàn diện, lâu dài, dựa vào sức mình là chính. Ðó là đường lối hết sức đúng đắn, sáng tạo. Nhờ đường lối đó, cùng với phương châm chỉ đạo chiến lược tài tình, Ðảng ta đã phát huy cao độ sức mạnh của toàn dân tộc, kết hợp với sự giúp đỡ to lớn của các nước XHCN anh em, bạn bè quốc tế, để vừa đánh, vừa xây dựng và phát triển lực lượng, từng bước làm biến đổi so sánh lực lượng có lợi cho ta, đánh bại từng âm mưu và kế hoạch quân sự của địch, tiến lên giành thắng lợi hoàn toàn. Với việc tiến hành cuộc kháng chiến toàn dân, toàn diện và lâu dài, chúng ta đã kết hợp chặt chẽ và đúng đắn nhiệm vụ chống đế quốc với nhiệm vụ chống phong kiến, xây dựng chế độ dân chủ nhân dân; thực hiện vừa kháng chiến vừa kiến quốc, đánh địch trên tất cả các mặt: Quân sự, chính trị, kinh tế, văn hóa, ngoại giao; trong đó đấu tranh vũ trang giữ vai trò quyết định. Vì thế, có thể khẳng định rằng: Chiến thắng Ðiện Biên Phủ là sự kết tinh của sức mạnh tổng hợp, trong đó nhân tố quyết định là đường lối kháng chiến đúng đắn và sự kiên định thực hiện đường lối đó của toàn Ðảng, toàn dân và toàn quân ta.
Sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc của nhân dân ta ngày nay được tiến hành trong bối cảnh tình hình thế giới, khu vực và trong nước diễn biến phức tạp, tiềm ẩn những nguy cơ mà Ðảng ta đã chỉ ra. Ðể vận dụng bài học thành công của Chiến thắng Ðiện Biên Phủ nói riêng, sự nghiệp giải phóng dân tộc nói chung vào công cuộc bảo vệ Tổ quốc trong điều kiện mới, chúng ta phải quán triệt và kiên quyết phấn đấu thực hiện thắng lợi đường lối đổi mới toàn diện của Ðảng, kết hợp chặt chẽ hai nhiệm vụ chiến lược: Xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đẩy mạnh CNH, HÐH, thực hiện nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, nhằm mục tiêu "dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh". Trên cơ sở thấu suốt tư duy mới của Ðảng về bảo vệ Tổ quốc được thể hiện tập trung trong Nghị quyết T.Ư 8 (khóa IX) "Về chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới"; đồng thời, nắm vững mục tiêu, phương hướng, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH), tăng cường quốc phòng - an ninh (QP-AN), đối ngoại... mà Nghị quyết Ðại hội X của Ðảng đã xác định để giải quyết đúng đắn những vấn đề cơ bản của công cuộc bảo vệ Tổ quốc đang đặt ra hiện nay. Ðó là: Phải gắn chặt xây dựng và bảo vệ, kết hợp chặt chẽ phát triển KT-XH với củng cố QP-AN; tăng cường phối hợp hoạt động quốc phòng với an ninh và đối ngoại; đẩy mạnh xây dựng nền quốc phòng toàn dân (QPTD), xây dựng thế trận QPTD gắn với thế trận an ninh nhân dân; xây dựng khu vực phòng thủ tỉnh (thành phố) vững chắc; tập trung xây dựng lực lượng vũ trang (LLVT) nhân dân, nhất là QÐND và Công an nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại.
Cần thấy rằng, tham gia vào tiến trình toàn cầu hóa, hội nhập kinh tế quốc tế với tư cách là thành viên Tổ chức Thương mại thế giới, nước ta đang đứng trước thời cơ, vận hội lớn để phát triển, nhưng đồng thời cũng phải đối mặt với những khó khăn, thách thức không nhỏ. Trong đó, thách thức gay gắt nổi lên mà chúng ta đang nỗ lực tập trung giải quyết là: "ngăn chặn suy giảm kinh tế, phòng ngừa lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế hợp lý, bền vững, bảo đảm an sinh xã hội, cải thiện và nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân" trong khi cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu vẫn đang diễn biến phức tạp. Cùng với đó, chúng ta phải thường xuyên đấu tranh chống chiến lược "Diễn biến hòa bình" hết sức nguy hiểm của các thế lực thù địch. Trong bối cảnh đó, hơn lúc nào hết, chúng ta càng phải kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và CNXH; đẩy mạnh công cuộc đổi mới, CNH, HÐH; lấy việc giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển KT-XH là lợi ích cao nhất; kết hợp chặt chẽ hai nhiệm vụ chiến lược: Xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, của cả hệ thống chính trị, dưới sự lãnh đạo của Ðảng, để tạo nên sức mạnh tổng hợp về chính trị, tư tưởng, kinh tế, xã hội, văn hóa, QP-AN và đối ngoại. Ðồng thời, phải ra sức phát huy nội lực kết hợp với tranh thủ tối đa nguồn lực từ bên ngoài; thực hiện tốt đường lối đối ngoại rộng mở, đa phương hóa, đa dạng hóa, đẩy mạnh hợp tác quốc tế, nhằm không ngừng nâng cao uy tín và vị thế của nước ta trên trường quốc tế; tạo thế và lực mới cho sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc. Trong quan hệ đối ngoại, phải giữ vững nguyên tắc chiến lược, đi đôi với vận dụng linh hoạt sách lược, thực hiện vừa hợp tác vừa đấu tranh, giải quyết tốt các vấn đề nảy sinh, nhất là những vấn đề phức tạp, nhạy cảm; đồng thời, chủ động phòng ngừa, sớm phát hiện và có đối sách triệt tiêu những nhân tố đột biến, gây bất lợi đối với sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc.
Thứ hai, tiếp tục phát huy bài học về nghệ thuật tiến hành chiến tranh nhân dân vào công cuộc xây dựng nền QPTD vững mạnh toàn diện, ngày càng hiện đại. Trong sự nghiệp giải phóng dân tộc suốt 30 năm (1954 - 1975), cũng như trong Chiến dịch Ðiện Biên Phủ, để đánh thắng kẻ thù xâm lược có tiềm lực quân sự hơn hẳn, Ðảng ta đã thực hiện nhất quán đường lối chiến tranh nhân dân; tổ chức, phát động toàn dân đánh giặc, với nòng cốt là LLVT ba thứ quân (bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương và dân quân, du kích). Quán triệt tư tưởng chỉ đạo chiến lược tiến công và thực hiện phương thức tiến hành chiến tranh nhân dân độc đáo: Kết hợp chiến tranh du kích với chiến tranh chính quy; chiến tranh nhân dân địa phương với chiến tranh bằng các binh đoàn chủ lực, ta đã thực hành đánh địch liên tục, rộng khắp ở mọi quy mô (đánh lớn, đánh vừa, đánh nhỏ), với các hình thức tác chiến phong phú, linh hoạt; càng đánh càng mạnh, đánh đổ từng bộ phận đến toàn cục, giành thắng lợi từng bước, tiến tới giành thắng lợi hoàn toàn. Dưới sự lãnh đạo của Ðảng, nghệ thuật chiến tranh nhân dân đã không ngừng phát triển, đạt đến đỉnh cao trong giai đoạn cuối của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Với sự vận dụng và kết hợp linh hoạt các nhân tố "mưu, kế, thế, thời", lấy "nhỏ thắng lớn, yếu chống mạnh, ít địch nhiều", nghệ thuật tổ chức chiến tranh nhân dân đã trở thành quy luật giành thắng lợi trong chiến tranh chống xâm lược của dân tộc ta.
Ngày nay, để bảo vệ vững chắc Tổ quốc, cần tiếp tục nghiên cứu, phát triển lý luận về chiến tranh nhân dân, vận dụng sáng tạo, phù hợp với thực tiễn xây dựng nền QPTD trong điều kiện mới: Ðất nước hội nhập kinh tế quốc tế, đẩy mạnh CNH, HÐH, phát triển nền kinh tế thị trường định hướng XHCN. Ðó là một nền quốc phòng thực sự mang tính toàn dân, toàn diện, do nhân dân tiến hành, dưới sự lãnh đạo của Ðảng, sự quản lý, điều hành thống nhất của Nhà nước; được xây dựng theo phương châm tự lực, tự cường, dựa vào nội lực là chính, kết hợp với tranh thủ nguồn lực từ bên ngoài. Sức mạnh của nền QPTD, theo tư duy mới của Ðảng ta, không chỉ là sức mạnh quân sự, mà là sức mạnh tổng hợp của quân sự, chính trị, tư tưởng, kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh, đối ngoại, khoa học và công nghệ..., sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Nền quốc phòng đó phải đáp ứng yêu cầu vững mạnh, ngày càng hiện đại, đủ khả năng làm thất bại mọi âm mưu và hành động phá hoại của các thế lực thù địch, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định cho công cuộc xây dựng, phát triển đất nước; đủ sức ngăn ngừa chiến tranh và sẵn sàng đánh thắng chiến tranh xâm lược của địch, trong điều kiện chúng sử dụng vũ khí công nghệ cao.
Trong quá trình xây dựng nền QPTD vững mạnh toàn diện, ngày càng hiện đại, phải coi trọng trước hết công tác giáo dục QP-AN cho toàn dân, nhất là cán bộ chủ chốt các cấp, các ngành, nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên và nhân dân đối với sự nghiệp quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc. Phải tăng cường xây dựng thế trận QPTD, trước hết là "thế trận lòng dân", gắn với thế trận an ninh nhân dân; đẩy mạnh xây dựng khu vực phòng thủ tỉnh (thành phố) vững chắc theo tinh thần Nghị quyết 28-NQ/T.Ư của Bộ Chính trị và Nghị định 152/NÐ-CP của Chính phủ. Cùng với đó, phải kết hợp chặt chẽ kinh tế với QP-AN, QP-AN với kinh tế trong các chiến lược, quy hoạch và kế hoạch phát triển KT-XH; xây dựng và phát triển các khu KT-QP trên các hướng chiến lược, địa bàn trọng điểm gắn với việc phát triển KT-XH vùng biên giới, biển đảo. Chú trọng xây dựng lực lượng dân quân, tự vệ và lực lượng dự bị động viên vững mạnh, trước hết coi trọng xây dựng về chính trị; tổ chức phù hợp với tình hình thực tiễn và yêu cầu, nhiệm vụ QP-AN của từng địa phương, cơ sở. Tiếp tục hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về quốc phòng; nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước về quốc phòng; tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, xử lý vi phạm trong quản lý nhà nước đối với quốc phòng.
Thứ ba, kế thừa những kinh nghiệm về tổ chức, xây dựng quân đội trong Chiến dịch Ðiện Biên Phủ, đặc biệt là trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và chống Mỹ xâm lược, phấn đấu xây dựng QÐND cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại. Nhận thức rõ vai trò quan trọng của LLVT trong đấu tranh vũ trang, nên Ðảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh thường xuyên quan tâm xây dựng LLVT nhân dân, QÐND từng bước phát triển lớn mạnh. Ðến cuối cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, quân đội ta đã có sự phát triển, trưởng thành về mọi mặt. Ðặc biệt, về tổ chức lực lượng, ta đã xây dựng được đơn vị bộ đội chủ lực đến quy mô cấp đại đoàn (sư đoàn). Nhờ đó, ta đủ khả năng tổ chức các đợt hoạt động tác chiến, các chiến dịch tiến công trên nhiều hướng: Tây Bắc, đồng bằng Bắc Bộ, Trung Lào, Hạ Lào, Liên khu 5, Thượng Lào..., điển hình là Chiến cuộc Ðông Xuân 1953 - 1954 với đỉnh cao là Chiến dịch Ðiện Biên Phủ, tiêu diệt tập đoàn cứ điểm mạnh nhất của quân viễn chinh Pháp bằng hình thức tác chiến mới: Tiến công trận địa.
Kế thừa, vận dụng những kinh nghiệm đó, trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, quân đội ta đã có bước phát triển, trưởng thành vượt bậc cả về bản lĩnh chính trị, trình độ tác chiến, tổ chức lực lượng và trang bị vũ khí. Với thành phần lực lượng gồm các binh đoàn chủ lực (quân đoàn), các quân chủng, binh chủng hiện đại, ta đã tổ chức các chiến dịch tiến công, tổng tiến công chiến lược, thực hành tác chiến hiệp đồng quân, binh chủng quy mô lớn, tiêu biểu là cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975, kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước vĩ đại của quân và dân ta.
Những bài học nêu trên là hết sức quý báu, cần được tiếp tục phát huy, nhằm xây dựng QÐND cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại theo phương hướng Nghị quyết Ðại hội X của Ðảng đã xác định. Theo đó, phải tập trung xây dựng quân đội vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức; thường xuyên giáo dục chủ nghĩa Mác - Lenin, tư tưởng Hồ Chí Minh, mục tiêu, lý tưởng của Ðảng cho cán bộ, chiến sĩ; bảo đảm cho quân đội thật sự là lực lượng chính trị trung thành, tin cậy của Ðảng, Nhà nước và nhân dân, là lực lượng nòng cốt trong nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc XHCN. Ðể tăng cường sự lãnh đạo của Ðảng đối với quân đội, cần tiếp tục quán triệt và tổ chức thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả Nghị quyết 51-NQ/TW của Bộ Chính trị; giữ vững nguyên tắc Ðảng lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt đối với quân đội trong mọi hoàn cảnh. Ðẩy mạnh thực hiện Cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" gắn với tổ chức phong trào thi đua quyết thắng trong toàn quân, tạo động lực cho các đơn vị hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ. Chỉ đạo chặt chẽ việc tổ chức, sắp xếp biên chế quân đội, bảo đảm phù hợp với điều kiện mới. Trong quá trình thực hiện, cần kết hợp đồng bộ các biện pháp, coi trọng việc gắn với công tác tư tưởng và công tác chính sách.
Tiếp tục đổi mới công tác huấn luyện, giáo dục-đào tạo, đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu của QÐND. Chú trọng đổi mới cả chương trình, nội dung, phương pháp tổ chức huấn luyện cho các đối tượng; thực hiện tốt phương châm huấn luyện: "Cơ bản, thiết thực, vững chắc"; coi trọng huấn luyện đồng bộ và chuyên sâu, tăng cường huấn luyện theo phương án, xử lý các tình huống, huấn luyện cơ động phòng tránh đánh trả, huấn luyện dã ngoại, huấn luyện đêm, huấn luyện cấp phân đội,... cho cả lực lượng thường trực, dự bị động viên và dân quân, tự vệ; tích cực tổ chức diễn tập các cấp, qua đó nâng cao trình độ khả năng mọi mặt của bộ đội, bảo đảm đủ sức hoàn thành nhiệm vụ thường xuyên sẵn sàng chiến đấu, phòng chống bão lụt, tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ và các nhiệm vụ đột xuất được giao. Kết hợp chặt chẽ công tác nghiên cứu khoa học quân sự với công tác huấn luyện, đào tạo. Ðẩy mạnh xây dựng chính quy quân đội, tăng cường công tác quản lý, giáo dục bộ đội, nhất là đối với cấp phân đội, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về chấp hành kỷ luật quân đội, pháp luật Nhà nước, hạn chế đến mức thấp nhất các vụ việc vi phạm kỷ luật nghiêm trọng, giảm tỷ lệ vụ việc vi phạm thông thường.
Hơn nửa thế kỷ đã trôi qua, nhưng dư âm của Chiến thắng lịch sử Ðiện Biên Phủ đã, đang và sẽ còn đọng mãi trong tâm khảm mỗi chúng ta với niềm tự hào sâu sắc. Trong công cuộc đổi mới toàn diện dưới sự lãnh đạo của Ðảng, quân và dân ta sẽ tiếp tục phát huy tinh thần, ý chí quyết chiến, quyết thắng cùng những bài học kinh nghiệm từ chiến thắng vĩ đại đó, phấn đấu thực hiện thắng lợi nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN.
-----------------
(1) - Hồ Chí Minh - Toàn tập, Nxb ST, H. 1989, Tập 9, tr. 713.
(2) - Gồm 21 tiểu đoàn; ta tiêu diệt và bắt sống 16.200 tên, bắn rơi và phá hủy 62 máy bay cùng nhiều phương tiện, vũ khí hiện đại.
Ðại tướng Phùng Quang Thanh, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Ðảng ủy Quân sự T.Ư, Bộ trưởng Quốc phòng