Thứ Bảy, ngày 23 tháng 11 năm 2024

Thu nhập của giáo viên phải đủ sống ở mức trên trung bình trong tương quan xã hội

GS Đinh Quang Báo phát biểu tại tọa đàm
(Thanhuytphcm.vn) - Chiều 16/1, tại Hà Nội, Chương trình Khoa học giáo dục cấp quốc gia, Bộ Giáo dục-Đào tạo (GD-ĐT) tổ chức tọa đàm khoa học “Nhà giáo và chính sách phát triển đội ngũ nhà giáo trong Luật Giáo dục (sửa đổi)”. Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Hữu Độ chủ trì buổi tọa đàm.

Tại buổi tọa đàm, đáng chú ý là quan điểm của hầu hết các chuyên gia, nhà khoa học cho rằng hiện nay, chính sách nhà giáo đã không theo kịp yêu cầu đặt ra đối với vai trò nhà giáo. TSKH Phạm Đỗ Nhật Tiến – nguyên trợ lý Bộ trưởng Bộ GD-ĐT – cho biết, về nguyên tắc, chính sách và nguồn lực đầu tư cho nhà giáo phải tương xứng và tỷ lệ thuận với những yêu cầu đặt ra cho họ, nhất là trong bối cảnh tới đây đổi mới giáo dục phổ thông, gánh nặng đang đè lên vai các nhà giáo sẽ lớn hơn trước các thách thức của cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

GS Đinh Quang Báo, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội khẳng định, chất lượng giáo viên ảnh hưởng tới thành tích học tập của học sinh nhiều hơn mọi yếu tố khác. Nhiều nước có nền giáo dục phát triển đã đào tạo giáo viên cân bằng giữa cung và cầu. Ngay sau khi được tuyển chọn, Bộ GD-ĐT đảm bảo chắc chắn có việc làm; bằng cách này vừa không tạo áp lực thừa thiếu giáo viên, kích thích thu hút được tinh hoa vào sư phạm, vừa làm cho dạy học là một nghề cao quý do tính cạnh tranh cao để vinh dự được làm giáo viên.

Nhiều chuyên gia đề xuất cần thể chế hóa các chủ trương của Đảng về công tác nhà giáo trong một văn bản luật là Luật Nhà giáo. Cùng với đó, thay đổi cách tiếp cận về vị thế nhà giáo trong Luật Giáo dục sửa đổi và thay đổi cách tiếp cận trong việc tổ chức thực hiện chính sách nhà giáo. Thu nhập của giáo viên phải đủ sống ở mức trên trung bình trong tương quan xã hội sao cho họ toàn tâm, toàn ý, toàn sức với nghề.

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Hữu Độ cho biết, hàng loạt các hội thảo góp ý cho dự thảo Luật Giáo dục sửa đổi đang được bộ triển khai. Bộ sẽ nghiêm túc tiếp thu các góp ý để tiếp thu và hoàn thiện Luật, trình Quốc hội vào kỳ họp tới.

Cùng ngày, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT có văn bản yêu cầu giám đốc đại học, học viện, viện, hiệu trưởng trường ĐH-CĐ, giám đốc các Sở GD-ĐT triển khai thực hiện các công việc liên quan đến chuẩn bị đón Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019. Bộ yêu cầu các cơ quan, đơn vị quán triệt, thực hiện nghiêm việc không dùng ngân sách tổ chức đi thăm, chúc Tết, tặng quà đối với các lãnh đạo cơ quan, đơn vị các cấp; không sử dụng phương tiện, tài sản công vào các hoạt động mang tính cá nhân trong dịp Tết, Lễ hội; không đi lễ hội trong giờ hành chính ...

Đặc biệt, cần quan tâm chăm lo đời sống vật chất và tinh thần đối với các nhà giáo có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, công tác tại các vùng biên giới, miền núi, hải đảo của Tổ quốc, nhất là các địa phương bị ảnh hưởng thiên tai, bão lũ trong năm 2018.

Bộ cũng yêu cầu chủ động liên hệ, phối hợp với các doanh nghiệp vận tải hành khách tổ chức bán vé tàu, xe tại trường cho sinh viên, học sinh về nghỉ Tết. Bố trí thời gian cho sinh viên các trường ĐH-CĐ, học sinh các trường dân tộc nội trú nghỉ tết và trở lại trường phù hợp, giảm áp lực giao thông trước và sau tết Nguyên đán. Quan tâm tổ chức chu đáo việc đón Tết đối với học sinh, sinh viên hoàn cảnh khó khăn, không có điều kiện về quê đón Tết cùng gia đình…

Trung Kiên

Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo