Thứ Sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đặt ra 3 câu hỏi lớn cho ngành du lịch

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu chỉ đạo tại Diễn đàn

(Thanhuytphcm.vn) - Con người - Cơ sở hạ tầng - Chiến lược là “3 chữ C” mà Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh trong việc tập trung các giải pháp phát triển ngành du lịch Việt Nam trở thành ngành kinh tế mũi nhọn tại Diễn đàn Nguồn nhân lực Du lịch Việt Nam 2019 (Vietnam Tourism Human Resources Forum) chủ đề “Đào tạo nguồn nhân lực du lịch Việt Nam để phát triển ngành kinh tế trọng điểm” vào ngày 12/4 tại TPHCM. Diễn đàn do Trường Đại học Hoa Sen phối hợp với Sở Du lịch TPHCM tổ chức trong khuôn khổ Ngày hội du lịch TPHCM (11 - 14/4).

Cùng dự Diễn đàn có các đồng chí: Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM; Nguyễn Thành Phong, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch UBND TPHCM cùng đại diện lãnh đạo các bộ ngành liên quan, đại diện lãnh đạo các địa phương, các đơn vị đào tạo, doanh nghiệp du lịch trong nước và quốc tế.

Phát biểu khai mạc Diễn đàn, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong cho biết, kể từ khi Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 08, Chính phủ ban hành Nghị quyết 103 về phát triển du lịch trở thành nền kinh tế mũi nhọn, vai trò, vị trí của ngành du lịch ngày càng được khẳng định, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội đất nước. Từ năm 2001, TPHCM đã xác định du lịch là một trong 9 ngành dịch vụ chủ yếu đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế TP. Những năm qua, số lượng doanh nghiệp lữ hành tăng bình quân 8%/năm; số lượt khách quốc tế tăng 19%/năm (riêng năm 2018 TP thu hút 7,5 triệu khách quốc tế, chiếm gần 50% cả nước), lượng khách nội địa tăng 16%/năm; chiếm 11% GRDP của TP.

Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong phát biểu khai mạc tại Diễn đàn Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong phát biểu khai mạc tại Diễn đàn

Để phấn đấu đến năm 2020, du lịch thực sự là ngành kinh tế mũi nhọn và năm 2030 TPHCM thuộc nhóm các TP có ngành du lịch phát triển hàng đầu khu vực Đông Nam Á, TP đã triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp phát triển du lịch, trong đó phát triển nguồn nhân lực là một giải pháp trọng tâm. Tuy nhiên vẫn còn những hạn chế, lực cản lớn nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao. TP có 18 trường đại học đào tạo ngành du lịch nhưng chưa được đánh giá và công nhận tiêu chuẩn quốc tế; nguồn nhân lực đào tạo cho du lịch chỉ mới đáp ứng khoảng 70% nhu cầu; thiếu hướng dẫn viên biết các tiếng Đức, Hàn, Thái... làm hạn chế việc đa dạng hóa thu hút khách du lịch…

“Qua Diễn đàn, TP hy vọng tìm thấy được những sáng kiến, bài học thực tiễn về công tác quản lý nhà nước về du lịch, xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao, mối quan hệ giữa nhà nước, cơ sở đào tạo và doanh nghiệp... Từ đó giúp TP có thêm định hướng và động lực hoàn thành mục tiêu đến năm 2020 thu hút 10 triệu khách quốc tế và 35 triệu khách nội địa…”, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong cho biết.

Toàn cảnh Diễn đàn Nguồn nhân lực Du lịch Việt Nam 2019 Toàn cảnh Diễn đàn Nguồn nhân lực Du lịch Việt Nam 2019

Phát biểu tại Diễn đàn, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cũng đã đặt ra 3 câu hỏi lớn cho ngành du lịch. Thứ nhất, nền du lịch chúng ta liệu có đủ hấp dẫn để cạnh tranh thu hút nhân tài lực lượng lao động có kỹ năng, cả trong và ngoài nước, tham gia vào lĩnh vực hay không? Thứ hai, chúng ta xác định du lịch là nền kinh tế mũi nhọn được kỳ vọng kiếm ra 10% GDP, tạo sức lan tỏa thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, vậy chúng ta đã làm gì để tương xứng với hai chữ “mũi nhọn”, làm gì để thu hút lao động có kỹ năng tham gia, làm gì để tối ưu hóa nguồn lực sẵn có? Thứ ba, Diễn đàn này tiếp tục đặt câu hỏi chiến lược trước hết dành cho cấp bộ ngành, những năm qua chúng ta xác định “thể chế”, “nguồn nhân lực”, “cơ sở hạ tầng” là 3 đột phá chiến lược hàng đầu vậy chúng ta đã làm gì để xây dựng chiến lược như thế nào để nguồn nhân lực thực sự là một đột phá chiến lược cho ngành du lịch Việt Nam?

“Tại sao du lịch chúng ta, một đất nước với 12 di sản văn hóa thế giới, hàng trăm phong cảnh đẹp, những bờ biển tuyệt vời, con người thân thiện, môi trường hòa bình… mà chỉ có 15 - 16 triệu khách, không phải 45 - 50 triệu khách đến Việt Nam? Tại sao mình thua Thái Lan, Singapore, Hongkong…? Chính những người làm trong ngành du lịch, những công ty lữ hành và nhất là quản lý nhà nước phải trả lời được để đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn thực sự”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trăn trở.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng lưu ý “3 chữ C” trong giải pháp phát triển bền vững ngành du lịch Việt Nam. Đó là: “Con người” với vai trò đặc biệt quan trọng của người dân địa phương - những người tác động trực tiếp đến phát triển du lịch; “Cơ sở hạ tầng” bao gồm hạ tầng du lịch, hạ tầng kết nối giao thông, hạ tầng mềm - giá trị văn hóa, hạ tầng thông minh - công nghệ; “Chiến lược” đòi hỏi Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch có tầm nhìn chiến lược, các phương hướng hành động mỗi năm của ngành du lịch để cùng các ngành khác nhất là giáo dục - đào tạo thực thi tốt và cân bằng lại các yếu tố kinh tế, văn hóa, môi trường. Trong đó, có chiến lược đào tạo lao động hiệu quả để không quá thừa không quá thiếu, số lượng đi kèm với chất lượng!

“Tôi mong rằng sau Diễn đàn các bộ ban ngành và địa phương có thể có được những câu trả lời, xác định đúng những vấn đề mới có thể tháo gỡ được khó khăn, vướng mắc để xây dựng chiến lược phát triển ngành đúng hướng giúp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch để ngành du lịch phát triển tương xứng với tiềm năng và vị thế của mình, đúng là ngành kinh tế mũi nhọn đóng góp vào sự phát triển chung của Việt Nam”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc kỳ vọng.

Tại Diễn đàn, các đại biểu cũng đã tham gia phát biểu, trao đổi xoay quanh các chủ đề chính: “Đào tạo để đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp về nhân sự du lịch”, “Ứng dụng hiệu quả công nghệ mới trong đào tạo nhân lực ngành du lịch”, “Hoạch định chính sách trong phát triển nguồn nhân lực du lịch”.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc gặp gỡ các đại biểu tại Diễn đàn. (Ảnh: BTC) Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc gặp gỡ các đại biểu tại Diễn đàn. (Ảnh: BTC)
Ký kết liên hợp tác giữa 9 trường đại học tại Diễn đàn Ký kết liên hợp tác giữa 9 trường đại học tại Diễn đàn

Dịp này, 9 trường đại học tại TPHCM gồm Đại học Hoa Sen, Đại học quốc tế Hồng Bàng, Đại học Ngoại ngữ Tin học TPHCM, Đại học Công nghệ, Đại học Nguyễn Tất Thành, Đại học Kinh tế, Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học Văn lang, Đại học Kinh tế - Luật cũng đã ký kết liên hợp tác. Ngoài ra, Đại học Hoa Sen cũng ký kết với các đối tác lớn trong lĩnh vực đào tạo nhân lực du lịch.

Hương Thảo - Ngọc Tuyết


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo