Khu vực đường Nguyễn Hữu Cảnh, quận Bình Thạnh (ảnh: Quốc Thanh) (Thanhuytphcm.vn) - Một trong những nội dung được đại biểu tham dự Hội nghị lần thứ 42 Ban Chấp hành Đảng bộ TPHCM khóa X khai mạc sáng 7/7 là thảo luận cho ý kiến tổng kết thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội 5 năm (2015 – 2020), phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp 5 năm (2020 – 2025). Theo đó, một trong những nhiệm vụ, giải pháp của TP trong thời gian tới là phát triển kinh tế nhanh và bền vững trên cơ sở ứng dụng mạnh mẽ khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo và tăng năng suất lao động.
Dự ước có 10/13 chỉ tiêu đạt về phát triển kinh tế - xã hội
Trình bày Tờ trình của Ban Cán sự Đảng UBND TP về tổng kết thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội 5 năm (2015 – 2020), phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp 5 năm (2020 – 2025) Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Lê Thanh Liêm cho biết, nhìn chung giai đoạn 2016 - 2019, trong 13 chỉ tiêu chủ yếu về kinh tế - xã hội, có 1 chỉ tiêu về năng lực cạnh tranh không đạt. Tuy nhiên, do năm 2020 chịu tác động nặng nề của đại dịch COVID-19, dẫn đến 2 chỉ tiêu về tốc độ tăng trưởng GRDP và GRDP bình quân đầu người chưa đạt kế hoạch đề ra. Tính chung toàn nhiệm kỳ đạt được 10/13 chỉ tiêu về phát triển kinh tế - xã hội.
Cụ thể, kinh tế TP tăng trưởng khá và ổn định, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) giai đoạn 2016-2019 tăng bình quân 8,27%; năm 2020 do tác động của đại dịch COVID-19, kinh tế bị ảnh hưởng nặng nề, tốc độ tăng trưởng còn khoảng 5%, kéo theo tốc độ bình quân cả giai đoạn 2016 - 2020 còn 7,6%/năm.
Một trong những kết quả nổi bật là tỷ trọng kinh tế TP trong kinh tế cả nước tiếp tục tăng, đến năm 2020 chiếm hơn 22% GDP cả nước, tiếp tục khẳng định là đầu tàu kinh tế của khu vực và cả nước. Trong 5 năm 2016 - 2020, tổng vốn đầu tư toàn xã hội bình quân chiếm khoảng 35% tổng sản phẩm trong nước (GRDP) của TP, vượt kế hoạch đề ra là 30% GRDP. Tốc độ tăng thu ngân sách nhà nước từ khu vực kinh tế giai đoạn năm 2016 - 2020 đạt 8,91%, cao hơn so với tốc độ tăng trưởng GRDP của TP.
Riêng về Đề án “Xây dựng TPHCM trở thành đô thị thông minh giai đoạn 2017 - 2020, tầm nhìn đến năm 2025”, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Lê Thanh Liêm cho biết, đề án đã được triển khai mạnh mẽ, góp phần đẩy mạnh và thực hiện hiệu quả công tác cải cách hành chính, phục vụ tốt nhân dân và doanh nghiệp. TP đã hoàn thành và công bố kết quả giai đoạn 1 của 3 trụ cột Đề án, gồm: Kho dữ liệu dùng chung và phát triển Hệ sinh thái dữ liệu mở; Trung tâm điều hành đô thị thông minh; Trung tâm mô phỏng và dự báo kinh tế - xã hội.
Tập trung thực hiện 20 chỉ tiêu
Bên cạnh những kết quả đạt được, đồng chí Lê Thanh Liêm cũng thẳng thắn nhìn nhận, mục tiêu nâng cao tính hấp dẫn, tính cạnh tranh của môi trường kinh doanh của TP, chỉ số cạnh tranh địa phương thuộc nhóm 5 tỉnh, TP tốt nhất cả nước chưa đạt. TP cũng chưa thu hút được nhiều dự án đầu tư nước ngoài có quy mô lớn. Bên cạnh đó, việc cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước chậm, không đạt yêu cầu; cơ chế liên kết, hợp tác với các tỉnh trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam chưa đạt hiệu quả cao. Công tác quy hoạch xây dựng chưa theo kịp với tốc độ phát triển hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội. Năng lực quản lý nhà nước về đất đai, quy hoạch, xây dựng một số quận, huyện còn hạn chế, dẫn đến hiệu quả quản lý chưa đáp ứng được tình hình và yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.
Thông tin về mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp của TP trong 5 năm (2020 - 2025), đồng chí Lê Thanh Liêm cho biết, TP đề ra 20 chỉ tiêu. Trong đó, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm nội địa trên địa bàn TP (GRDP) bình quân hàng năm từ 8% - 8,5%; GRDP bình quân đầu người đến cuối năm 2025 đạt trên 8.500 USD/người; tỷ trọng đóng góp của yếu tố năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) vào GRDP hàng năm từ 40% trở lên; tốc độ tăng năng suất lao động xã hội bình quân đạt 7%/năm.
Khu vực giải quyết thủ tục hành chính cho người dân tại UBND Quận 12. (Ảnh: Nguyễn Nam) Để thực hiện các chỉ tiêu trên, TP đề ra 6 nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu. Một trong những giải pháp quan trọng là phát triển kinh tế nhanh và bền vững trên cơ sở ứng dụng mạnh mẽ khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo và tăng năng suất lao động. Cùng với đó là tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng gắn với nâng cao năng lực cạnh tranh của kinh tế TP đáp ứng yêu cầu hội nhập. TPHCM sẽ tập trung phát triển nhanh các ngành dịch vụ có giá trị gia tăng cao; phát huy vai trò của Khu đô thị sáng tạo tương tác cao phía Đông TP, là vùng động lực mới để phát triển kinh tế trong thời kỳ cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Cùng với đó là triển khai mô hình kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ phù hợp với xu thế phát triển của kinh tế số, cách mạng công nghiệp 4.0 và thực tiễn phát triển của TP.
Một trong những nhiệm vụ quan trọng là đổi mới quản lý TPHCM, trong đó đẩy mạnh xây dựng chính quyền điện tử, thiết kế đồng bộ, xây dựng và đưa vào vận hành hệ thống tích hợp, kết nối liên thông các cơ sở dữ liệu lớn, nhất là dữ liệu về dân cư, quy hoạch, y tế, giáo dục, bảo hiểm, doanh nghiệp, đất đai, nhà ở, phục vụ kịp thời, hiệu quả cho phát triển kinh tế - xã hội và đời sống Nhân dân.
Tại hội nghị, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Lê Thanh Liêm đã trình bày tờ trình của Ban Cán sự Đảng UBND TP về tóm tắt kết quả thực hiện 7 chương trình đột phá 2015 – 2020. Theo đó, Chương trình Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đã đạt được những kết quả tích cực; đã đào tạo được 75.650 lượt cán bộ, công chức, viên chức; đạt 7/7 chỉ tiêu trong đào tạo nguồn nhân lực cho lĩnh vực y tế; 6/9 chỉ tiêu về nâng cao chất lượng giáo dục đại học, cao đẳng…
Về Chương trình cải cách hành chính, tỷ lệ hài lòng của người dân, doanh nghiệp qua các đợt khảo sát, đánh giá bình quân trên 80%. Tỷ lệ giải quyết hồ sơ đúng hạn đối với tổng số thủ tục hành chính ở 3 cấp của TP đạt trung bình (2016 - 2019) là 99,47% và ngày càng tốt hơn qua các năm.
Đối với Chương trình Nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng lực cạnh tranh của kinh tế Thành phố đáp ứng yêu cầu hội nhập có 3/5 chỉ tiêu đạt kế hoạch. Cụ thể là tỷ trọng đóng góp của yếu tố năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) và GRDP bình quân hàng năm giai đoạn 2016 – 2020 đạt 38,42% (chỉ tiêu đề ra từ 36% trở lên); năng suất lao động xã hội giai đoạn 2016 - 2020 ước bình quân 6,5%/năm (chỉ tiêu bình quân 6,5%/năm); giảm tỷ lệ hộ nghèo, tính đến 31/12/2019, số hộ nghèo của TP chiếm tỷ lệ 0,39% tổng hộ dân TP (chỉ tiêu dưới 1%).
Riêng Chương trình Giảm ngập nước, chỉ tiêu giảm ngập các tuyến đường do mưa đã đạt kết quả tích cực so với chỉ tiêu giai đoạn 2016 – 2020. Cụ thể, đối với tuyến đường trục chính giải quyết được 25/36 tuyến, đạt 69,44%, đối với các tuyến đường, hẻm do UBND quận/huyện quản lý đã hoàn thành 179/179 tuyến đường, hẻm ngập, đạt 100%”. Đối với tuyến đường bị ngập triều, dự kiến đến cuối năm 2020 giải quyết được 9/9 tuyến đường, đạt 100%.
Ở Chương trình giảm ùn tắc giao thông, giảm tai nạn giao thông, đến cuối năm 2020, cơ bản sẽ đạt được 6/7 chỉ tiêu đề ra.
Kết quả Chương trình Giảm ô nhiễm môi trường là đã hoàn thành 12/16 chỉ tiêu đặt ra (đạt 75%). Có 37/54 chương trình hoàn thành trong giai đoạn 2016 - 2020 (đạt 68%); có 17/54 chương trình đang thực hiện liên quan đến xử lý nước thải đô thị, đề án quy hoạch và các dự án về bồi thường giải phóng mặt bằng (đạt 32%).
Chương trình cuối cùng là Chương trình chỉnh trang và phát triển đô thị, công tác chỉnh trang và phát triển đô thị đã có những chuyển biến tích cực, cơ bản hoàn thành được 3/4 nội dung của chương trình.