Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ yêu cầu bảo đảm an toàn tuyệt đối cho cuộc tổng điều tra (Thanhuytphcm.vn) - Trong điều kiện ngân sách hạn hẹp, Chính phủ vẫn dành 1.100 tỷ đồng để thực hiện cuộc tổng điều tra dân số và nhà ở, do vậy, tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019 phải đảm bảo yêu cầu nhanh gọn, tiết kiệm, hiệu quả, có chất lượng cao, an toàn tuyệt đối cả về thu thập, lưu trữ và truyền số liệu trong hệ thống bằng công nghệ thông tin.
Yêu cầu trên được Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ, Trưởng ban Chỉ đạo Tổng điều tra dân số và nhà ở Trung ương đưa ra tại Hội nghị trực tuyến của Ban Chỉ đạo chiều 13/3.
Hội nghị nhằm rà soát lại việc quán triệt và chuẩn bị tổ chức thực hiện để sẵn sàng ra quân tổng điều tra dân số và nhà ở từ 0 giờ ngày 1/4 tới đây. Hội nghị được tổ chức với 775 điểm cầu với khoảng 36.000 đại biểu tham dự. Tại điểm cầu TPHCM, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Lê Thanh Liêm chủ trì.
Theo Phó Thủ tương Chính phủ Vương Đình Huệ, đây là một trong những cuộc tổng điều tra thống kê lớn nhất của quốc gia và là lần thứ 5 tiến hành điều tra dân số và nhà ở kể từ khi thành lập nước đến nay. Mục đích của cuộc tổng điều tra là nhằm thu thập thông tin cơ bản về dân số và nhà ở trên toàn quốc để phục vụ công tác nghiên cứu, phân tích quá trình phát triển dân số và nhà ở trên phạm vi toàn lãnh thổ Việt Nam; đáp ứng nhu cầu thông tin để đánh giá kết quả thực hiện các kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội giai đoạn 2011 – 2020; đồng thời là cơ sở quan trọng để xây dựng và hoạch định chiến lược phát triển kinh tế xã hội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045.
Cuộc tổng điều tra dân số và nhà ở phục vụ cho công tác giám sát thực hiện Nghị quyết Trung ương khóa XII về công tác dân số trong tình hình mới; giám sát các mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc mà Chính phủ đã cam kết; và cung cấp thông tin phục vụ xây dựng cơ sở dữ liệu tổng hợp của quốc gia về dân số trong giai đoạn hiện nay.
Có 10 nội dung đánh giá và điều tra thống kê, gồm: thông tin chung về dân số; tình trạng di cư; trình độ học vấn và trình độ chuyên môn kỹ thuật; tình trạng khuyết tật; tình trạng hôn nhân; mức độ sinh, chết và phát triển dân số; tình hình đăng ký khai sinh của trẻ em; tình hình lao động việc làm; thực trạng nhà ở; điều kiện sinh hoạt cơ bản của hộ dân cư.
Quán triệt yêu cầu chính xác, trung thực, khách quan, cung cấp đầy đủ số liệu số lượng, chất lượng dân số và nhà ở, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nêu rõ, việc tổng điều tra không chỉ đơn thuần là chỉ tiêu về mặt số lượng mà quan trọng là phân tích đánh giá chất lượng cơ cấu, chất lượng dân cư và thực trạng chất lượng nhà ở. Điều tra không chính xác, các vấn đề liên quan đến hoạch định kinh tế, xã hội sẽ không có thông tin đầy đủ và xác thực, các quyết sách sẽ khó khăn. Vì vậy, đòi hỏi phải có sự phân công, phối hợp giữa các ban, ngành khi thu thập thông tin tại địa bàn.
“Giai đoạn tới, không chỉ Trung ương mà cả các tỉnh, thành phố đã chuẩn bị đại hội Đảng các cấp, nếu không có số liệu tin cậy về nhà ở và dân số cả về số lượng và chất lượng thì việc hoạch định xây dựng văn kiện đại hội bị tác động nhiều. Đây là việc quan trọng, phải huy động cả hệ thống chính trị và có sự lãnh đạo sát sao từ cấp ủy và chính quyền địa phương các cấp và Ban Chỉ đạo Trung ương”, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh; đồng thời đưa ra yêu cầu chậm nhất ngày 26/4, các cơ quan phải có báo cáo tổng thể để báo cáo Thủ tướng, Chính phủ kết quả sơ bộ.
Tại điểm cầu TPHCM, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TPHCM Lê Thanh Liêm cho biết, qua kết quả sơ bộ giai đoạn 1, Thành phố lập bảng kê được 19.445 địa bàn (17.454 địa bàn bình thường và 1.991 địa bàn đặc thù) với tổng số 2.469.302 hộ địa bàn bình thường, 86.146 nhân khẩu địa bàn đặc thù và dân số của Thành phố đến thời điểm 23/1/2019 là 8.859.688 người. Để chuẩn bị cho giai đoạn 2, Thành phố đã và đang tiến hành công tác tập huấn nghiệp vụ và sử dụng máy tính bảng và điện thoại thông minh để chuẩn bị cho tổng điều tra dân số và nhà ở.
Quang cảnh Hội nghị trực tuyến của Ban Chỉ đạo Tổng điều tra dân số và nhà ở Trung ương chiều 13/3 Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Lê Thanh Liêm cho rằng, cuộc tổng điều tra ưu tiên tuyển chọn điều tra viên thống kê có kinh nghiệm điều tra, đồng thời phải nhanh nhạy trong tiếp cận và sử dụng công nghệ. Tuy nhiên, với Thành phố, việc huy động số lượng lớn điều tra viên thống kê (hơn 10.000 người), hội tụ đủ các điều kiện là rất khó. Để tuyển đủ lực lượng điều tra viên thống kê, Thành phố phải huy động tất cả các nguồn lực có thể tham gia trong hệ thống chính trị và ngay cả lực lượng thuê ngoài như sinh viên đóng trên địa bàn. Ưu điểm của các sinh viên, đoàn thanh niên... là nhanh nhạy, sử dụng tốt các thiết bị di động thông minh, tuy nhiên chưa có nhiều kinh nghiệm trong điều tra thống kê, không am hiểu địa bàn điều tra và khó tiếp xúc hộ để thu thập thông tin.
“Lực lượng tổ trưởng cũng là một vấn đề khó khăn cho Thành phố do quy định tối đa 3 tổ trưởng/phường, xã, thị trấn. Trong công tác phân chia địa bàn, các phường, xã, thị trấn tại Thành phố có số địa bàn từ 150 địa bàn trở lên như phường Hiệp Bình Chánh, quận Thủ Đức; xã Vĩnh Lộc A, huyện Bình Chánh,... như vậy việc thực hiện giám sát, hỗ trợ điều tra viên thống kê tại địa bàn gặp nhiều khó khăn do số lượng địa bàn phụ trách quá lớn” – Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Lê Thanh Liêm chia sẻ.
Quy mô điều tra dân số và nhà ở được tiến hành trên phạm vi 63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và 3 bộ có tính đặc thù quan trọng gồm Bộ Quốc phòng, Công an và Ngoại giao, bao gồm cả những người đang công tác ở trong nước và các cơ quan đại diện Việt Nam tại nước ngoài. Trên cơ sở 66 bộ và địa phương, phạm vi điều tra còn bao quát 712 quận, huyện và 11.165 xã, phường, thị trấn.