Thứ Bảy, ngày 23 tháng 11 năm 2024

Trường đại học và doanh nghiệp phải “bắt tay” trong đào tạo sinh viên

Bộ trưởng Bộ GD-ĐT, Bộ trưởng Bộ TT-TT tham quan triển lãm

(Thanhuytphcm.vn) - Ngày 30/3, tại Học viện Bưu chính viễn thông, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) và Bộ Thông tin và Truyền thông (TT-TT) đồng chủ trì tổ chức tọa đàm và triển lãm “Phát triển nguồn nhân lực ICT trình độ cao: gắn kết cơ sở giáo dục đại học - doanh nghiệp”.

Tọa đàm là nơi chia sẻ thông tin, thảo luận, đề xuất các giải pháp, chính sách phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực ICT trình độ cao, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; là diễn đàn để kết nối các bên liên quan: cơ quan hoạch định chính sách, cơ sở đào tạo cung ứng nguồn nhân lực; các doanh nghiệp (DN), hiệp hội ICT, tổ chức, doanh nghiệp nhân lực ICT và học sinh, sinh viên. Cùng với đó, thúc đẩy hợp tác giữa các cơ sở giáo dục đại học (ĐH) và DN trong nghiên cứu, đào tạo, sử dụng nguồn nhân lực ICT, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực ICT, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Tọa đàm có sự tham gia của gần 400 đại biểu là đại diện các bộ ngành, Sở GD-ĐT, Sở TT-TT; hơn 100 trường ĐH có đào tạo ngành thuộc lĩnh vực ICT, nhiều DN sử dụng nhân lực ICT, Hiệp hội CNTT; đông đảo các học sinh-sinh viên.

Song song với tọa đàm, triển lãm cùng tên với sự tham gia của 15 trường ĐH và 10 doanh nghiệp ICT lớn cũng diễn ra trong ngày 30/3. Nhiều DN về ICT lớn tham gia triển lãm như Tập đoàn Viettel, Tập đoàn Samsung, Tập đoàn VNPT, Tập đoàn FPT, Tập đoàn CMC Global…

Phát biểu tại tọa đàm, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh, ngành ICT là ngành có nhu cầu nhân lực rất cao, đến 2025 cần tới cả trăm ngàn nhân lực. Chính vì vậy, cần có sự hợp tác giữa đào tạo và tuyển dụng để đáp ứng nhu cầu. Theo thống kê, hiện có có 235 trường, có 50 trường đào tạo CNTT, hàng năm có khoảng 50.000 sinh viên CNTT ra trường. Tuy nhiên số lượng so với nhu cầu phát triển DN CNTT, nhất là theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ từ nay đến 2020 có 1 triệu DN khởi nghiệp là chưa thể đáp ứng nhu cầu.

 Theo tính toán, mức độ tăng trưởng doanh nghiệp CNTT, nhu cầu việc làm rất lớn, năm 2020 cần tới 100.000 cử nhân CNTT có chất lượng. Trong khi đó, trong số 50.000 cử nhân CNTT ra trường chỉ có 30% làm việc được ngay, có việc làm đúng nghề, 70% phải đào tạo lại. Vì vậy, vấn đề đặt ra với các nhà trường đào tạo thế nào, DN hợp tác ra sao, DN có nên chỉ dừng ở việc cấp học bổng cho sinh viên? Theo Bộ trưởng Bộ GD-ĐT, phải đi từ chương trình đào tạo, thiết kế chương trình đào tạo từ nhu cầu của thị trường, cập nhật thay đổi khoa học công nghệ. Các trường phải tiếp cập thị trường với tinh thần phục vụ, còn nếu chỉ đưa ra những gì mình có sẽ khó thành công. Đào tạo ICT ngoài chuyên môn cần phải tăng cường tiếng Anh, kỹ năng làm việc nhóm. Đào tạo phải đi từ thực tế, thị trường, cung - cầu, lợi ích. Các nhà trường thiết kế chương trình đào tạo học suốt đời, thay đổi phương thức đào tạo, giảm bớt hàn lâm, tăng cường đưa sinh viên đi thực tập ở doanh nghiệp CNTT.

Bộ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Mạnh Hùng cũng nêu vấn đề: DN nên đầu tư cho công tác đào tạo của nhà trường, còn nhà trường phải bám sát yêu cầu của thị trường, của DN để nâng cao chất lượng đào tạo. Cấp bách phải có giải pháp để thúc đẩy hợp tác giữa ĐH-DN nhằm gắn kết cung-cầu trong nguồn nhân lực ICT vốn đang rất “khát” nhân lực chất lượng hiện nay. Điều đó góp phần biến giấc mơ đưa Việt Nam thành quốc gia hùng cường về ICT thành hiện thực.

Trung Kiên

Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo