Thứ Bảy, ngày 23 tháng 11 năm 2024

Tuyển sinh 2019: Bảo đảm chất lượng tuyển sinh đầu vào đối với nghề giáo viên, thầy thuốc

Từ năm 2019, thí sinh thi vào ngành y phải bảo đảm đạt điểm sàn vào ngành

(Thanhuytphcm.vn) - Bộ Giáo dục-Đào tạo (GD-ĐT) vừa công bố dự thảo thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của quy chế tuyển sinh đại học hệ chính quy; tuyển sinh cao đẳng nhóm ngành đào tạo giáo viên hệ chính quy. Những điểm mới dự kiến sửa đổi nhận được sự đồng thuận của cơ sở giáo dục đại học.

Đặt “điểm sàn” với nghề giáo, nghề y

Nhìn chung, quy chế tuyển sinh 2019 được giữ ổn định như hai năm trước; chỉ có một số nội dung nhỏ được điều chỉnh để phù hợp với Luật Sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học mới được ban hành cũng như điều chỉnh những vấn đề phát sinh trong năm 2018, mục tiêu là để việc tuyển sinh ngày càng chặt chẽ, chất lượng, công bằng, hiệu quả.

Đáng chú ý, một trong những nội dung được điều chỉnh trong quy chế tuyển sinh là các ngành thuộc lĩnh vực sức khỏe có cấp chứng chỉ hành nghề, Bộ GD-ĐT sẽ xác định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào để các trường xây dựng phương án xét tuyển. Ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào gồm hai nội dung. Thứ nhất, ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào của các trường/ngành xét tuyển từ điểm thi THPT quốc gia. Căn cứ vào kết quả của kỳ thi, tương quan chênh lệch giữa các vùng, miền, ngành đào tạo (nếu thấy cần thiết) và đề xuất của Hội đồng tư vấn... Bộ GD-ĐT sẽ quyết định sau khi có kết quả thi THPT quốc gia. Thứ 2, ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào của các trường/ngành xét tuyển từ kết quả học tập THPT (xét điểm học bạ): tuyển sinh học sinh tốt nghiệp THPT, có học lực lớp 12 xếp loại giỏi đối với các ngành: Y khoa, Y học cổ truyền, Răng hàm mặt; tuyển sinh học sinh tốt nghiệp THPT, có học lực lớp 12 xếp loại khá đối với các ngành còn lại.

Như vậy, cùng với sư phạm, các ngành thuộc lĩnh vực sức khỏe có cấp chứng chỉ hành nghề sẽ được kiểm soát đầu vào để bảo đảm chất lượng. Theo Tiến sĩ Nguyễn Thị Kim Phụng, Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học, Bộ GD-ĐT, trong thời gian qua, một số ý kiến cho rằng phải có học lực lớp 12 xếp loại giỏi/khá mới được đăng ký xét tuyển vào các ngành thuộc lĩnh vực sức khỏe có cấp chứng chỉ hành nghề là chưa hiểu đúng nội dung dự kiến sửa đổi quy chế tuyển sinh. “Nếu thí sinh chưa xếp loại giỏi/khá, các em có thể đăng ký xét tuyển vào các ngành này theo hình thức xét điểm thi THPT quốc gia. Hàng năm, các trường vẫn dành phần lớn chỉ tiêu để xét tuyển từ điểm thi THPT quốc gia”, Tiến sĩ Nguyễn Thị Kim Phụng cho biết.

Ý kiến từ nhiều trường đại học cũng tán đồng với dự kiến này của Bộ GD-ĐT, bởi việc đặt điểm sàn cho ngành sư phạm và y dược sẽ bảo đảm không lọt người yếu kém vào ngành. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cũng bày bỏ băn khoăn từ thực tế năm 2018, nhiều trường sư phạm khó khăn trong tuyển sinh khi áp dụng điểm sàn khá cao, do đó để hút người giỏi vào hai ngành sư phạm và y dược thì cần thêm các chính sách về đầu ra, như việc làm, lương bổng, chứ không chỉ là siết chặt đầu vào.

GS-TS. Nguyễn Văn Minh, Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, Ủy viên Hội đồng quốc gia giáo dục và phát triển nhân lực, cho rằng, việc bỏ miễn học phí cho sinh viên sư phạm mà thực hiện cho vay tín dụng sẽ bảo đảm sự bình đẳng như các ngành khác. Đây là điểm mới của dự thảo Luật Giáo dục sửa đổi. Tuy nhiên trong thực tế, nếu tính về đầu tư, một học sinh giỏi sẽ chọn lựa ngành khác để khi ra trường thu nhập cao hơn. Vì vậy, trên cơ sở dự báo nhân lực, việc làm, chính sách học bổng và việc làm đối với sinh viên sư phạm cần ban hành sớm; còn nếu chỉ đặt ra vấn đề cho vay tín dụng rất khó để cải thiện tình hình khó tuyển người giỏi vào sư phạm như hiện nay.

Hiệp hội các trường ĐH-CĐ Việt Nam cũng cho rằng, cần có cơ chế tuyển dụng sinh viên sư phạm, vì đội ngũ giáo viên là yếu tố sống còn đối với sự nghiệp đổi mới giáo dục. Về phân công công tác cho sinh viên sư phạm sau khi tốt nghiệp, Hiệp hội đồng ý với hướng chỉnh sửa bổ sung của dự thảo Luật là bổ sung quy định đặc thù về xác định biên chế và cơ chế tuyển dụng giáo viên cho sinh viên tốt nghiệp các trường sư phạm vào các cơ sở giáo dục công lập. Vấn đề này cần phải sửa Luật Viên chức. Luật Giáo dục cũng cần sửa đổi các quy định về lương và phụ cấp của giáo viên cho phù hợp với ngành giáo dục.

Hy vọng phân luồng học sinh tốt hơn

Ngoài thay đổi liên quan đến ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào, dự thảo quy chế còn một số nội dung dự kiến sửa đổi khác để quy chế rõ và chặt chẽ hơn. Cụ thể, các cơ sở giáo dục đại học xét tuyển từ điểm thi THPT quốc gia phải thực hiện quy trình xét tuyển do Quy chế tuyển sinh quy định để đảm bảo việc các trường cùng thống nhất sử dụng cơ sở dữ liệu điểm thi, không để ảnh hưởng đến các trường khác và các thí sinh liên quan. Thí sinh xác nhận nhập học phải nộp bản chính Giấy chứng nhận kết quả thi, tránh tình trạng một số thí sinh/trường sử dụng các bản sao để xác nhận nhập học nhiều trường, chiếm nhiều chỗ xác nhận nhập học nhưng thực tế chỉ có thể học tại một trường, làm ảnh hưởng đến quyền trúng tuyển, nhập học của các thí sinh khác.

Dự thảo quy chế sửa đổi cũng được kỳ vọng có ý nghĩa tích cực trong việc góp phần phân luồng học sinh, nhất là đối với công tác đào tạo nghề đáp ứng nhu cầu xã hội, khi học sinh hệ trung học phổ thông, giáo dục thường xuyên nếu có bằng trung cấp nghề, chứng chỉ nghề sẽ được cộng điểm ưu tiên (cộng 2 điểm nếu loại xuất sắc, 1,5 điểm nếu loại khá, trung bình khá, 1 điểm với loại trung bình). Đồng thời, dự thảo quy chế sửa đổi quy định rõ các trường phải tiếp nhận, lưu bản chính giấy chứng nhận kết quả thi THPT quốc gia của thí sinh và thí sinh đã nhập học thì không được tham gia đăng ký xét tuyển ở các trường, đợt khác. Điều này một mặt đòi hỏi thí sinh phải thật sự cân nhắc và “thật sự trách nhiệm” với sự lựa chọn đăng ký xét tuyển của mình, mặt khác sẽ góp phần hạn chế số lượng thí sinh ảo và giúp các trường (và hệ thống các trường) triển khai công tác xét tuyển năm 2019 thuận lợi và hiệu quả hơn.

Trung Kiên

Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo