(Thanhuytphcm.vn) - UBND TPHCM vừa ban hành kế hoạch triển khai “chương trình chuyển đổi số của TPHCM trong lĩnh vực năng lượng, giai đoạn 2022 - 2025”.
Theo đó, TPHCM đặt mục tiêu giai đoạn 2022 - 2025, tối thiểu 80%, phấn đấu đạt 100% dịch vụ công trong lĩnh vực năng lượng được triển khai trực tuyến mức độ 4 và được cung cấp trên nhiều phương tiện truy cập khác nhau, bao gồm cả thiết bị di động.
Đồng thời, tối thiểu 90%, phấn đấu đạt 100% hồ sơ tài liệu phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành trong lĩnh vực năng lượng được xử lý trên nền tảng điện tử và môi trường mạng máy tính. Riêng hoạt động thanh kiểm tra của cơ quan quản lý nhà nước đối với các hoạt động của ngành năng lượng đạt tối thiểu 50% thông qua môi trường số và hệ thống thông tin quản lý của cơ quan quản lý.
Mặt khác, chuẩn bị các điều kiện cần thiết để sẵn sàng tích hợp toàn bộ 100% cơ sở dữ liệu về ngành năng lượng của TP vào cơ sở dữ liệu quốc gia theo định hướng chung của Chính phủ về kết nối chia sẻ dữ liệu trên toàn quốc; từng bước mở dữ liệu của cơ quan nhà nước để cung cấp dịch vụ công kịp thời, một lần khai báo, trọn vòng đời phục vụ người dân và phát triển kinh tế xã hội.
Bên cạnh đó, tỷ trọng kinh tế số của ngành năng lượng đạt tối thiểu 10%, phấn đấu đạt 25%; năng suất lao động hàng năm tăng tối thiểu 7%; đồng thời, không thấp hơn mức tăng bình quân của xã hội; chỉ số tiết kiệm điện đạt tối thiểu hơn 2,25%. Tỷ trọng công suất điện từ các dạng năng lượng mới, năng lượng tái tạo trong cơ cấu điện tiêu thụ của thành phố không thấp hơn với quy hoạch về năng lượng tái tạo; điểm đánh giá về chỉ số tiếp cận điện năng được cải thiện hàng năm.
Ngoài ra, tăng mức độ kết nối và hiện đại hóa hạ tầng mạng viễn thông liên lạc chuyên biệt phục vụ quản lý vận hành hệ thống điện và công tác chỉ đạo điều hành trong ngành năng lượng. Tỷ lệ thanh toán điện tử (không dùng tiền mặt) đối với hóa đơn tiền điện hàng tháng đạt tối thiểu 99,15% và tiến tới hoàn toàn không dùng tiền mặt trong thanh toán.
Để thực hiện các mục tiêu nêu trên, TPHCM đề ra các nhiệm vụ trọng tâm như: Đổi mới tư duy, nhận thức, đào tạo và truyền thông trong lĩnh vực năng lượng. Đầu tư xây dựng và hoàn thiện lưới điện theo hướng hiện đại, tiên tiến, phát triển lưới điện thông minh; ứng dụng công nghệ số, kỹ thuật số vào quản lý công tác đầu tư xây dựng, quản lý vận hành, bảo trì sửa chữa lưới điện; công tác cung ứng, mua bán kinh doanh điện năng và các hoạt động khác để nâng cao năng suất lao động; tiết kiệm nhân lực, chi phí và đẩy mạnh phát triển kinh tế số trong lĩnh vực năng lượng. Xây dựng và hoàn thiện hệ thống hạ tầng viễn thông để kết nối thông tin và quản lý, vận hành, điều khiển hệ thống lưới điện toàn TP trên nền tảng kết nối các thiết bị đã được số hóa và hạ tầng internet vạn vật.
Bên cạnh đó, rà soát, cập nhật, chuẩn hóa toàn bộ các thủ tục hành chính, tiến tới 100% thủ tục hành chính có liên quan đến lĩnh vực năng lượng đều đáp ứng yêu cầu có thể sẵn sàng thực hiện trực tuyến ở mức độ cao nhất (mức độ 4); cung cấp nhiều tiện ích để góp phần nâng cao tỷ lệ người dùng (người dân, doanh nghiệp) sử dụng dịch vụ công dưới hình thức trực tuyến, giảm thiểu tỷ lệ giao dịch trực tuyến tại trụ sở cơ quan nhà nước.