Thứ Ba, ngày 21 tháng 1 năm 2025

TPHCM phê duyệt Đề cương Đề án Xây dựng TP trở thành trung tâm dịch vụ lớn của cả nước và khu vực

Bán buôn, bán lẻ là một trong 9 ngành dịch vụ chủ lực của TPHCM.

(Thanhuytphcm.vn) - UBND TPHCM vừa có quyết định phê duyệt Đề cương Đề án “Xây dựng TP trở thành trung tâm dịch vụ lớn của cả nước và khu vực với các ngành dịch vụ cao cấp, hiện đại, có giá trị gia tăng cao”.

Theo UBND TPHCM, trong những năm qua, mô hình tăng trưởng kinh tế TPHCM đã và đang chuyển dịch đúng hướng, tăng dần tỷ trọng dịch vụ so với sản xuất công nghiệp và nông nghiệp. Giai đoạn 2011 - 2022, nhóm ngành dịch vụ chiếm tỷ trọng lớn nhất trong cơ cấu GRDP của TP và có xu hướng ngày càng tăng (từ 57,67% năm 2010 lên 62,54% năm 2020 và 64,2% vào năm 2022). TPHCM luôn duy trì vị thế là trung tâm về dịch vụ cũng như cực tăng trưởng về dịch vụ của Việt Nam, đóng góp 25,7% tỷ trọng vào tăng trưởng khu vực dịch vụ của cả nước (giai đoạn 2011 - 2022).

Tuy nhiên, khu vực dịch vụ của TP vẫn còn nhiều vấn đề cần được quan tâm như: Đa phần các đơn vị dịch vụ vẫn ở quy mô vừa và nhỏ; chưa hình thành được các đơn vị dịch vụ hàng đầu có vai trò dẫn dắt thị trường; hạn chế về nguồn vốn đầu tư; mối liên kết tự nhiên theo xu hướng hợp nhất theo chiều dọc và chiều ngang còn hạn chế và đặc biệt, công tác chuyển đổi số để thích ứng với xu thế phát triển chung của thế giới còn hạn chế.

Do đó, việc xây dựng Đề án “Xây dựng TP trở thành trung tâm dịch vụ lớn của cả nước và khu vực với các ngành dịch vụ cao cấp, hiện đại và có giá trị gia tăng cao” (gọi tắt là Đề án) là một yêu cầu cấp thiết nhằm giúp TP vượt qua các vướng mắc, hạn chế còn tồn tại và tạo đà bứt phá trong tương lai.

Theo đó, mục tiêu của Đề án là phân tích, đánh giá thực trạng phát triển các ngành dịch vụ trên địa bàn TPHCM giai đoạn 2010 - 2023 (quy mô, tỷ trọng, tốc độ tăng trưởng, giá trị tăng thêm, các nguồn lực, các điều kiện phát triển các ngành dịch vụ của TP, tồn tại, hạn chế, tiềm năng, thế mạnh, cơ hội, thách thức của TP trong phát triển ngành kinh tế dịch vụ).

Đồng thời, xác định tầm nhìn, định hướng chiến lược tổng thể và lựa chọn phát triển các nhóm ngành, ngành dịch vụ chủ yếu, then chốt có giá trị gia tăng với quy mô, tỷ trọng phù hợp tiềm năng của TP, phù hợp xu hướng phát triển ngành kinh tế dịch vụ trên thế giới trong bối cảnh hội nhập quốc tế. Qua đó, phát huy các lợi thế cạnh tranh của TPHCM với các TP lớn của các nước trong khu vực Đông Nam Á và châu Á, nâng tầm vai trò trung tâm của TPHCM trở thành trung tâm dịch vụ lớn cấp quốc gia, cấp khu vực trên các lĩnh vực của ngành dịch vụ mà TP phát huy các lợi thế cạnh tranh.

Mặt khác, xác định các nguồn lực, yêu cầu, điều kiện cần thiết để phát triển các ngành dịch vụ chủ yếu của TP, đưa TP đi đầu về các dịch vụ chất lượng cao, đổi mới sáng tạo và là đầu mối giao lưu, hội nhập với quốc tế, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của thành phố và khu vực.

Cùng với đó, định hình các dịch vụ cao cấp, hiện đại cần được phát triển trong giai đoạn tới; kế thừa các kết quả và nội dung chọn lọc từ các đề án, chương trình nghiên cứu của TP đã và đang thực hiện, đảm bảo tính khả thi cho việc triển khai sau dự án.

Bên cạnh đó, xây dựng tiêu chí xác định các ngành dịch vụ cao cấp, hiện đại, có giá trị gia tăng cao phù hợp thông lệ quốc tế, chỉ tiêu thống kê của TP, làm cơ sở đo lường, theo dõi, đối chuẩn mục tiêu trở thành trung tâm dịch vụ lớn của khu vực Đông Nam Á/châu Á. Xây dựng tiêu chí xác định TPHCM là trung tâm dịch vụ lớn cả nước và khu vực.

Ngoài ra, xác định các nhiệm vụ, chương trình, đề án, danh mục dự án trọng điểm của từng ngành dịch vụ cần tập trung đẩy mạnh triển khai; đề xuất các giải pháp, cơ chế, chính sách, lộ trình triển khai phù hợp.

Vân Minh


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo